Tình báo Ả Rập Saudi quá “sốc” trước đoạn ghi âm vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 13/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mô tả đoạn băng ghi âm liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi “đã gây sốc” với một nhân viên tình báo Ả Rập Saudi.

Tuyên bố trên được Tổng thống Erdogan đưa ra trên chuyến bay từ Pháp về nước sau khi thảo luận vụ sát hại nhà báo Khashoggi với các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp và Đức tại thủ đô Paris cuối tuần rồi. Ông Erdogan cho biết thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ băng ghi âm này với 6 nước.
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, kết quả điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi mà nước này chia sẻ thông tin cho các nước phương Tây thực sự là kinh khủng.
"Chúng tôi đã công bố đoạn ghi âm liên quan đến vụ giết người cho tất cả những ai muốn nghe. Cơ quan tình báo của chúng tôi không che giấu bất cứ điều gì. Chúng tôi đã chia sẻ cho các nước đồng minh phương Tây”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với phóng viên.
“Khi một nhân viên tình báo Ả Rập Saudi nghe xong, anh ta bị ‘sốc’ và nói: ‘Có lẽ người này đã sử dụng ma túy. Chỉ ai sử dụng ma túy mới có thể làm ra những việc đó’" - ông Erdogan nói thêm.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định vụ giết người đã được lên kế hoạch và do cấp cao nhất của chính quyền Ả Rập Saudi ra lệnh tiến hành. Hiện Ankara đang chờ đợi Riyadh làm sáng tỏ vụ ám sát này.
Tổng thống Erdogan không tiết lộ chi tiết nội dung đoạn ghi âm nhưng Reuters cho hay Ankara đang giữ một số bản ghi âm, bao gồm các đoạn hội thoại trước thời điểm ông Khashoggi bị giết.
6 tuần sau khi nhà báo Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang gây áp lực đối với Thái tử Ả Rập Mohammed về vụ việc này.
Tuy nhiên, Thái tử Mohammed lại nhận được sự ủng hộ từ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. Ngày 13/11, Cố vấn Bolton đã lên tiếng phủ nhận việc Thái tử Mohammed Bin Salman ra lệnh thực hiện vụ ám sát nhà báo Khashoggi
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Singapore về việc liệu đoạn băng ghi âm có phải bằng chứng cho thấy Thái tử Bin Salman đã ra lệnh thực hiện vụ ám sát hay không, ông Bolton phủ nhận: "Đó không phải kết luận mà tôi cho rằng những người đã nghe đoạn ghi âm nhận thấy". 
Ông Bolton cũng cho rằng đó chắc chắn không phải quan điểm của chính quyền Riyadh, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump khẳng định muốn làm sáng tỏ vụ việc này đến cùng. 
Vụ sát hại nhà báo Khashoggi gây chấn động trên thế giới, nhưng hiện tại chưa có biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, và là đồng minh của Mỹ trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần