Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Việc tách nội dung giải phóng mặt bằng của dự án Cảng Hàng khồng Quốc tế Long Thành thành dự án thành phần sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, để thực hiện công việc này, cần 23.000 tỷ đồng, nhưng sau cân đối thì ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được 5.000 tỷ đồng. Còn thiếu 18.000 tỷ đồng nữa cho giải phóng mặt bằng.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về kinh phí thực hiện dự án khi ngân sách mới bố trí được 5.000 tỷ đồng trong khi nhu cầu lên tới 23.000 tỷ đồng. Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Kế hoạch đã phân bổ hết, vậy số kinh phí còn lại lấy ở đâu?”.
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Phạm Minh Chính (đoàn Quảng Ninh, Trưởng Ban tổ chức Trung ương) đề nghị, các địa phương chỉ cần thực hiện tốt Nghị quyết số 39/NQ-TW năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức, cắt giảm thêm 1% chi thường xuyên (tương ứng với trên 10.000 tỷ đồng),… thì có đủ chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành ở tỉnh Đồng Nai.
Theo đại biểu, sau 2 năm triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, biên chế không giảm mà còn tăng. Chi tiêu thường xuyên tăng lên con số tương đối là 62,3% năm 2015 và 65,7% năm 2016. Dự kiến năm 2017 là 64,9%, tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỷ đồng.
Đai biểu nói: "Chúng ta cứ loay hoay, nhưng tất cả chúng ta cùng giảm biên chế, giảm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị thì giải quyết được việc này".
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cảnh (đoàn Bình Định) băn khoăn về số tiền 23.000 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng có phải con số cuối cùng hay chưa. Đây có thể chưa phải là con số cuối cùng vì đây là số tiền tính theo giá đất năm 2017. Theo Luật Đất đai 2015, giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc phối hợp với mục đích sử dụng đất và giá theo thời hạn sử dụng đất phù hợp với giá đất phổ biến theo thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lời, thu nhập từ đất thì phải có mức giá như nhau. Theo quy định này, giá đất biến động trong thời gian tới là khó tránh khỏi, để ổn định một phần, tránh ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định bảng giá đất giữ ổn định đến khi thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư nhưng không vượt quá 4 năm kể từ khi Nghị quyết được thông qua.
Tại phiên thảo luận, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, đây là dự án hết sức quan trọng, được đưa vào chương trình từ năm 2005 nhưng đến kỳ họp cuối của Quốc hội khoá XIII mới thông qua được.
Do tính quan trọng và phức tạp của dự án, Nghị quyết 94 của Quốc hội đã yêu cầu phải có báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi phê duyệt, hàng năm báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện dự án.
Riêng về nội dung giải phóng mặt bằng Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã nêu rõ các kiến nghị về cơ chế đặc thù cho việc di dân, tái định cư để thực hiện dự án Cảng hàng không Long Thành.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng Nghĩa cho biết, hiện nay Nghị quyết 94 của Quốc hội nói huy động nhiều nguồn vốn nhưng có khó khăn là trong giai đoạn giải phóng mặt bằng không thể huy động vốn ODA hay vốn của tư nhân mà chỉ có thể lấy từ vốn ngân sách.
Bộ trưởng cho hay, thời gian tới, bộ cùng tỉnh Đồng Nai sẽ có báo cáo cụ thể hơn với các đại biểu, sẽ nêu cụ thể hơn về cách thức huy động vốn để thực hiện dự án này, còn đây mới chỉ là giai đoạn xin chủ trương.