Tinh giản biên chế: Việc khó, cần quyết tâm cao

Trần Hà - Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay đến năm 2021, mỗi năm, bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm từ 1,5 - 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015.

Đó là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế (TGBC) vừa được ban hành. Đây cũng là quyết tâm được TP Hà Nội đặt ra trong lộ trình thực hiện.
Gọn đầu mối để giảm số người
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về TGBC, thời gian qua, các cấp, các ngành đã và đang có những bước đi khá quyết liệt, thực tế nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 giảm được 10% tổng biên chế được giao. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 15/12/2016, có 49 lượt bộ, ngành và 149 lượt địa phương đề nghị thẩm tra các phương án TGBC năm 2015, 2016 và 2017, với tổng số tinh giản 21.247 người. Trong đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 880 người; các cơ quan hành chính 2.643 người; các đơn vị sự nghiệp công lập 13.694 người; cán bộ, công chức cấp xã 3.913 người; DN Nhà nước 117 người.

Cán bộ bộ phận một cửa huyện Chương Mỹ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.  Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc TGBC hiện mới chủ yếu tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi tổ chức bộ máy, chưa thật sự nhắm tới những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực trạng “vừa thừa, vừa thiếu” biên chế vẫn tồn tại trong nhiều cơ quan, đơn vị. Nhiều nơi mới đi sâu vào tinh giản mà chưa tính việc cơ cấu lại đội ngũ, tổ chức, sắp xếp lại chức năng chồng chéo, cơ cấu cho đúng vị trí việc làm và chức danh của công chức.
Như Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã nhận định trong cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội về vấn đề này: TGBC, sắp xếp lại bộ máy là việc làm rất khó, vì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của những đối tượng hưởng lương. Để triển khai thành công, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao độ, sự nhất trí, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, từ đó có quyết sách chính trị đúng đắn, thông tin minh bạch, rõ ràng.
Thực tế tại Hà Nội cho thấy, những con số được đưa ra qua rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy và biên chế cơ quan hành chính có thể khẳng định TP đã đạt được thành công bước đầu về TGBC. Trong đó, trên tinh thần gọn đầu mới để giảm con người, theo thống kê, trong năm 2016, qua rà soát, sắp xếp đã giảm 59 phòng, ban; giảm 182 trưởng, phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ, giảm 99 cấp trưởng, phó tại các ban quản lý dự án và quỹ. TP đã TGBC được 159 trường hợp.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, điểm khó nhất trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức là phải đảm bảo thông suốt về nhận thức. Đối với TP Hà Nội, quá trình sắp xếp đảm bảo đúng quy định, không gây xáo trộn về tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo hoạt động bình thường của bộ máy cũng như hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thu gọn đầu mối trên tinh thần một người một việc từ TP đến cơ sở. Đến nay, TP không nhận được bất cứ một đơn thư nào liên quan đến sắp xếp, kiện toàn bộ máy và TGBC.
Điều đó có thể thấy, TGBC là một việc khó, đặc biệt với địa bàn như Hà Nội, nhưng không phải không làm được nếu có quyết tâm và giải pháp phù hợp.
Tiếp tục giảm
Năm 2017, Hà Nội sẽ phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. TP đã và sẽ kiên quyết đưa vào diện TGBC những cán bộ, công chức nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân kém; giảm bớt khâu trung gian; khắc phục tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu; xác định vị trí việc làm; tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách…
Dự kiến, đến năm 2020, TP giảm 10% số biên chế được giao, hoàn thành trước một năm so với yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW. Đó là quyết tâm tiếp tục được TP xác định rõ. Trong Nghị quyết về tổng biên chế khối hành chính, sự nghiệp năm 2017 được HĐND TP thông qua cũng cho thấy, khối hành chính giảm 151 biên chế công chức so với năm 2016. TP cũng đang hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp các đơn vị như: Văn phòng ban Chỉ đạo GPMB, đội thanh tra xây dựng... theo hướng gọn đầu mối. Đồng thời, sẽ ban hành cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích các đối tượng tự nguyện thực hiện TGBC. Hiện nay, UBND TP đang xin ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về cơ chế này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, Nghị quyết 39 chính là động lực để TP quyết tâm hơn trong việc kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy hiệu quả. Trong quá trình triển khai cần có sự chỉ đạo đồng bộ và hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan T.Ư, bởi hiện có những đầu mối khi sắp xếp lại còn chưa có sự thống nhất về mô hình giữa các bộ, ngành với địa phương. Thời gian tới, khi thực hiện sắp xếp, tinh giản quy mô lớn hơn, đầu mối giảm nhiều hơn thì công tác tư tưởng cũng phải làm tốt hơn, đảm bảo ổn định và hiệu quả cao.
Bởi vậy, cùng với rất nhiều giải pháp quyết liệt, lãnh đạo TP cũng xác định rất rõ, việc TGBC không nên để gây xáo trộn trong tâm lý cán bộ, đảm bảo thông suốt về mặt nhận thức, tinh thần. Qua đó mới có thể khắc phục được bất cập trong tuyển dụng, quản lý cán bộ là “có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống”.
Trong Chỉ thị số 02/CT-TTg vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Từ nay đến năm 2021, mỗi năm, bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm từ 1,5 - 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương chưa giảm được năm 2016, thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì; chuyển một số nhiệm vụ mà cơ quan Nhà nước không cần thiết phải trực tiếp làm hoặc làm không có hiệu quả sang các tổ chức ngoài Nhà nước. Đồng thời cần sắp xếp đơn vị theo hướng thu gọn đầu mối, giảm khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực... Phải thực hiện nghiêm TGBC đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định...

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam:  Đánh giá đúng năng lực để tinh lọc

Qua giám sát cho thấy, hiện, nhiều đơn vị cũng đã đổi mới trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc từng tháng, từng quý, đảm bảo tính khách quan và công bằng. Nhưng các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ vẫn chiếm một số lượng nhất định. Việc rà soát các trường hợp thuộc diện tinh giản vẫn chủ yếu là về hưu. Do vậy, việc TGBC tại một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ đề ra. Bộ máy vẫn cồng kềnh, không thực chất tinh lọc, tuyển dụng người tài vào cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là vấn đề đụng chạm đến con người, cần phải có lộ trình, không thể nóng vội, nhất là phải minh bạch. Do đó, việc tinh giản các trường hợp không đáp ứng được yêu cầu công việc qua đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức theo tháng là vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới và trước hết phải làm tốt việc đánh giá năng lực chuyên môn, công việc, lấy đó là cơ sở tinh lọc.

Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Phan Thị Thùy Trang:  Quyết tâm hoàn thành kế hoạch

Quận Hai Bà Trưng là một quận “lõi” của Hà Nội với đặc thù đông dân, việc nhiều, vì vậy quận rất cần nguồn nhân lực lớn để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây là những khó khăn riêng khi thực hiện TGBC, song quận vẫn quyết tâm vào cuộc với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Trong đó, để thực hiện lộ trình giảm dần, qua rà soát đánh giá cán bộ, công chức, vừa qua, quận đã đề xuất với Sở Nội vụ 3 trường hợp đủ điều kiện dự kiến tinh giản trong năm 2017 và đang thẩm định hồ sơ, hướng dẫn đơn vị thực hiện đối với 1 trường hợp khác. Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiêm túc rà soát, đánh giá theo chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức hiện có, phấn đấu tới năm 2021 đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tinh giản 10% theo nhiệm vụ được giao.