Tinh giản chưa đạt, bộ máy vẫn cồng kềnh

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” của Quốc hội cho thấy, việc tinh giản biên chế vẫn chưa đạt được mục tiêu.

Đồng thời, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ̣ còn cồng kềnh,  nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng...
Tinh giản chủ yếu do về hưu
Theo báo cáo giám sát, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ T.Ư đến cấp huyện trong giai đoạn 2011 - 2016 có xu hướng giảm, đặc biệt là trong giai đoạn 2014 - 2016 với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế. Năm 2014, cả nước có hơn 281.700 biên chế, thì sang đến 2017 chỉ còn hơn 269.000 biên chế. Tuy vậy, vẫn có 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc.
Kết quả giám sát cũng chỉ ra rất nhiều hạn chế, tồn tại như thẩm quyền quản lý biên chế thiếu thống nhất, giao cho nhiều cơ quan quyết định, làm tăng không nhỏ số lượng biên chế, nhất là biên chế viên chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương. Trong điều kiện tăng cường quản lý chặt chẽ và thực hiện tinh giản biên chế hiện nay, đây là hiện tượng không bình thường, cần được xem xét một cách thận trọng.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm.  Ảnh: Hải Linh

Cùng với đó, kết quả giám sát cho thấy, tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất và chưa đạt mục tiêu. Tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 là gần 17.700 người. Với con số này, gây áp lực rất lớn cho các năm còn lại. Bởi từ nay đến năm 2021, mỗi năm phải tinh giản gần 2% biên chế mới đạt được yêu cầu được Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2021, tỷ lệ tinh giản biên chế phải đạt tối thiếu 10% so với năm 2015. Cùng với đó, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Đối tượng tinh giản được thống kê tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước… Chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.
Hai người làm việc của một người
Trước câu hỏi, bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế là do yêu cầu quản lý hay lý do nào khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng đoàn giám sát cho biết: Bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế trước hết có nguyên nhân do yêu cầu quản lý tăng, quy mô nền kinh tế, dân số... tăng, nên đội ngũ tăng. Bên cạnh đó còn do trình độ cán bộ thấp nên có nơi đáng lẽ một việc giao cho một người thì phải cần tới 2 người làm
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng thẳng thắn: Bộ máy hành chính đến giờ này còn cồng kềnh. Thông thường giao đầu mối phân cấp quản lý mà chưa tính cơ cấu bên trong cơ quan chuyên môn, nên vừa qua đầu mối không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng. Do đó, sắp tới phải kiểm soát cơ cấu này. “Hiện, một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính nên tiến tới phân cấp mạnh. Như ở địa phương thì giao theo thẩm quyền chuyên môn chứ không “đùn” việc lên UBND, từ đó cũng giúp giảm bộ máy. Ngoài ra, đối tượng tinh giản cần mở rộng và có sàng lọc và cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu. Đồng thời cho biết, số lượng cơ quan cấp tỉnh vừa qua quy định “phần cứng” nhiều quá nên những địa phương có đặc thù riêng muốn thành lập đơn vị nào đó cho phù hợp cũng khó. Do vậy, Bộ Nội vụ tham mưu giảm “phần cứng” và tăng “phần mềm” để địa phương sáp nhập hay lập mới theo yêu cầu đặc điểm địa phương.
Kết quả tinh giản rất hạn chế vì chưa gắn với việc đánh giá thực chất chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức. Có những ngành, lĩnh vực để xảy ra rất nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, hiệu quả quản lý thấp nhưng đánh giá, phân loại cán bộ cuối năm đều hơn 90%, thậm chí đến 99% cán bộ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Như vậy đã dẫn đến việc cào bằng, không có động lực cho cán bộ, công chức làm việc. Chính phủ cần tổng kết lại việc thực hiện chính sách về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để có giải pháp thực chất hơn trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội  Lê Thị Nga