Tinh gọn bộ máy: Đã lường trước việc 2-3 cán bộ chung 1 “ghế“?

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Một số địa phương đã chuẩn bị phương án sáp nhập, hợp nhất như đề xuất của Bộ Nội vụ, thậm chí lường trước việc có 2-3 cán bộ chung 1 "ghế"...

Sáp nhập Sở, ngành: Nhiều địa phương đã sẵn sàng?
Về đề xuất hợp nhất, sáp nhập Sở, ngành của Bộ Nội vụ trong dự thảo Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận cơ bản thống nhất với định hướng trong Nghị định và đang nghiên cứu các phương án thực hiện phù hợp với địa phương.
Tỉnh Bình Thuận cũng đang hoàn thành dự thảo đề án của tỉnh trên cơ sở dự thảo Nghị định của Bộ Nội Vụ trình Chính phủ. Để tìm sự đồng thuận trong thực hiện đề án này, Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận đưa ra 2 phương án trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
 Một cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận về công tác cán bộ. (ảnh: Báo Bình Thuận).
Tuy nhiên, vị lãnh đạo trên từ chối tiết lộ nội dung cụ thể các phương án do “công bố thời điểm này sẽ tác động đến tâm lý của nhiều cán bộ, công chức, không có lợi cho sự ổn định, phát triển của tỉnh”.
Khi các phương án đã đạt được sự đồng thuận, lộ trình này sẽ được Bình Thuận thực hiện trong 2 năm (kể từ khi Nghị định Chính phủ được chính thức ban hành). Đối với những cơ quan, Sở, ngành đã rõ ràng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, tỉnh sẽ làm sớm.
Riêng phương án hợp nhất Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Thanh tra tỉnh và Ủy ban Kiểm tra tỉnh, vị lãnh đạo này tiết lộ: “Chúng tôi đã đề xuất lộ trình phù hợp, vẫn cần chút thời gian. Tuy nhiên, chắc chắn Bình Thuận sẽ không kéo dài lộ trình này”.
Cũng nhất trí với phương án đề xuất của Bộ Nội vụ trình Chính phủ, bà Châu Thị Thanh Hà, Giám đốc Sở Nội vụ Ninh Thuận khẳng định, Ninh Thuận đang chờ Nghị định chính thức được ban hành để thực hiện.
Tỉnh ủy Ninh Thuận hiện nay đang triển khai kế hoạch sắp xếp bên trong các ban Đảng, các Sở, ngành, mỗi đơn vị chỉ được giữ lại 3 phòng chức năng. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đang quyết liệt đốc thúc thực hiện.
 Giám đốc Sở Nội vụ Ninh Thuận Châu Thị Thanh Hà. (ảnh: ninhthuantv.vn)
Theo bà Châu Thị Thanh Hà, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã giao hạn chót cho các Sở, ngành phải hoàn thành và báo cáo về Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận để thẩm định trước ngày 30/5/2018.
Theo cách sắp xếp này, Ninh Thuận sẽ không còn tình trạng 5-7 phòng trong một Sở như trước. Vì vậy, khi thực hiện việc sáp nhập các cơ quan, Sở, ngành, theo đề án của Bộ Nội vụ, tỉnh Ninh Thuận sẽ không bị “làm khó”, bởi tỉnh này đã sớm chủ động hạn chế số lượng cán bộ lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên.
Một thuận lợi nữa là Ninh Thuận được Trung ương chọn thí điểm thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo. Vì vậy, nếu sắp xếp theo đề án mới, tỉnh cũng sẽ cho thi tuyển lại tất cả các chức danh.
“Sẽ có trường hợp cán bộ đang là trưởng, phó phòng phải trở về làm chuyên viên nếu họ thi tuyển không đạt. Riêng với Sở Nội vụ, tới đây kể cả chuyên viên sở cũng phải thi tuyển. Chúng tôi coi đó là điều bình thường”- bà Châu Thị Thanh Hà cho biết.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, hiện các Sở, ngành ở tỉnh này chưa được thông báo về chủ trương sáp nhập theo đề án của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên ông Hoàng cũng ý thức được việc sáp nhập là yêu cầu tất yếu khách quan của lộ trình tinh gọn bộ máy Nhà nước và những cán bộ trẻ như ông sẽ ảnh hưởng bởi lộ trình này.
 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Nguyễn Duy Hoàng. (ảnh: Trường Đoan).
“Là một cán bộ trẻ, ngay từ bây giờ, không có cách gì hơn, tôi phải tự rèn luyện nâng cao trình độ năng lực bản thân. Nếu tỉnh Sơn La có chủ trương thi tuyển lãnh đạo thì mình cũng sẽ chủ động hơn” - ông Duy Hoàng nói.
Đã lường trước việc 2-3 cán bộ chung 1 “ghế”
Về lo ngại có đến 2-3 Giám đốc 1 “ghế”, vị lãnh đạo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận khẳng định, ngoài quy định 4 Sở “cứng” gồm: Sở Tư pháp, Sở TN-MT, Sở LĐ-TB-XH và Sở Y tế, tỉnh Bình Thuận sẽ có lộ trình phù hợp trong thực hiện sáp nhập.
Bình Thuận sẽ không sáp nhập tất cả các cơ quan, Sở, ngành, mà chỉ áp dụng đối với một vài cơ quan có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, những đơn vị có phạm vi nhiệm vụ quá nhỏ.
Trên lộ trình này, có cá nhân đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, Bình Thuận sẽ không bổ nhiệm Giám đốc mới thay thế. Vì vậy, Bình Thuận có thể giải quyết tốt mối lo ngại có đến 2-3 giám đốc chỉ có 1 “ghế”.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, khi sáp nhập nhiều Sở, ngành vào với nhau, chắc chắn vẫn sẽ dôi ra một số cán bộ. Trong những phương án Sở Nội vụ trình Tỉnh ủy Bình Thuận, đã tính toán từng vị trí cụ thể, trong đó ai sẽ được bố trí phân công nhiệm vụ khác, ai sẽ chuyển vị trí công tác, ai có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi… sẽ được Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận quyết định.
 Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu Hà Văn Um. (ảnh: Hà Dũng)
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu khẳng định, bản thân ông không ngại việc sáp nhập. Đề án của Bộ Nội vụ nêu rõ: Các Sở KH-ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, NN-PTNT, Công thương, KH&CN, Sở GD&ĐT, Sở TT&TT, Sở VH-TT&DL (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao) do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc giữ ổn định hoặc hợp nhất. Dựa trên đề xuất này, tỉnh Lai Châu thời điểm này chưa có chủ trương hợp nhất Sở NN-PTNT với Sở Công thương.
Theo ông Um, hiện nay Lai Châu chủ yếu phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp, việc sản xuất nông nghiệp ở Lai Châu còn ở trình độ thấp, chưa tạo thành chuỗi giá trị, việc đề xuất ghép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Công thương ở Lai Châu là không cần thiết.
“Việc sáp nhập giữa hai Sở này phải theo chuỗi, cả về thương mại. Tuy nhiên, đến giờ nông nghiệp Lai Châu vẫn chỉ để đảm bảo an sinh xã hội. Nếu sáp nhập vào Công thương thì Nông nghiệp Lai Châu có hàng gì để bán, ngoài chè và cao su?. Có cái gì để làm thành chuỗi giá trị đâu” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu bày tỏ.
Theo phương án của Bộ Nội vụ, việc sáp nhập, hợp nhất một số cơ quan, Sở, ngành sẽ giảm ít nhất 46 Sở, chưa bao gồm các Sở không đủ tiêu chí thành lập, cần sắp xếp lại. Quá trình sáp nhập chắc chắn sẽ ảnh hưởng vị trí của một số lãnh đạo. Tuy nhiên, để tinh gọn bộ máy Nhà nước, chúng ta buộc phải chấp nhận một thực tế sẽ có một số lãnh đạo mất “ghế”. Với thực tế phình to quá mức của bộ máy Nhà nước, việc điều chỉnh là bắt buộc, điều quan tâm là, việc triển khai cụ thể cần thực hiện minh bạch, công bằng, công khai./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần