BOT Cai Lậy vẫn... căng như dây đàn

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày thứ 4 thực hiện tái thu phí, tình trạng tại BOT Cai Lậy vẫn căng như dây đàn. Điệp khúc đóng – xả trạm liên tục lặp đi lặp lại.

Ngày 3/12, ghi nhận số lần xả trạm tại BOT Cai Lậy cao nhất kể từ khi trạm này thực hiện tái thu phí vào ngày 30/11. Tính từ thời điểm 6 giờ sáng đến cuối giờ chiều 3/12, đơn vị quản lý trạm đã phải thực hiện ít nhất 5 lần xả trạm trước sức ép ùn tắc giao thông liên tục xảy ra.
Cũng giống như những ngày trước, các tài xế vẫn tiếp tục gây khó dễ cho công tác bán vé thu phí của nhân viên Trạm BOT Cai Lậy. Ngoài việc dùng tiền lẻ hoặc tiền mệnh giá lớn để mua vé, ngày 3/12, nhiều tài xế qua đây còn áp dụng các “chiêu” mới như lau rửa xe ngay tại làn thu phí, yêu cầu trả tiền vé bằng thẻ ATM, chất vấn về mức vé và vị trí đặt trạm, bấm còi inh ỏi gây tiếng ồn lớn… Sự việc trên khiến cho tình trạng tại Trạm BOT Cai Lậy căng như dây đàn, nhiều cán bộ thu phí tại trạm tỏ ra rất mệt mỏi.

Trong ngày 3/12, QL1, đoạn qua trạm thu phí liên tục rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài. Có thời điểm đoạn ùn tắc dài đến vài trăm mét, khiến cho đơn vị quản lý trạm không còn cách nào khác đành phải tiến hành xả trạm để giảm sức ép giao thông. Điệp khúc xả - đóng trạm tại BOT Cai Lậy lặp đi lặp lại trong ngày 3/12 ít nhất 5 lần cho đến 17 giờ chiều. Chỉ mới trải qua 4 ngày tái thu phí, Trạm BOT Cai Lậy đã phải tiến hành ít nhất 15 lần xả trạm. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi đóng trạm thu phí lại, tình trạng căng thẳng lại tiếp diễn, ùn tắc giao thông tiếp tục phát sinh.

Lái xe tải lưu thông qua trạm BOT Cai Lậy đêm ngày 2/12. Ảnh: Văn Dũng

Trong một diễn biến khác, trả lời về những vấn đề xung quanh Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, từ tháng 8/2017, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát toàn bộ quy trình xây dựng BOT Cai Lậy. Cùng với đó, Thanh tra Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ GTVT cũng đã vào cuộc. Các kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, vị trí đặt trạm hiện nay là hợp lý và có sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư và Bộ GTVT. Về mức thu phí tại Trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cũng khẳng định, mức thu được xây dựng trên cơ sở khung mức giá quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đây là mức thu tương đồng với các Dự án BOT khác trên QL1 và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Tuy nhiên, bất chấp câu trả lời của Bộ GTVT, từ khi Trạm BOT Cai Lậy tái thu phí vào ngày 30/11 đến nay, nhiều tài xế đi qua trạm này phản ứng quyết liệt. Vấn đề được họ đề cập đến nhiều nhất là tại sao nhà đầu tư chỉ xây dựng tuyến đường tránh mà Trạm BOT Cai Lậy lại đặt trên QL1, tuyến đường đã được xây dựng từ rất lâu bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Thậm chí, việc nhà đầu tư bỏ kinh phí tiến hành sửa chữa, nâng cấp QL1 đoạn qua Cai Lậy cũng không thể là lý do DN được phép thu phí đối với những phương tiện đi qua tuyến đường này. Đó là chưa nói mức phí vẫn rất cao. Các tài xế yêu cầu nhà đầu tư cần phải rời Trạm BOT Cai Lậy trở về đúng vị trí trên tuyến đường tránh mà họ đầu tư xây dựng.

Điều dễ nhận thấy nhất ở Trạm BOT Cai Lậy trong 4 ngày tái thu phí vừa qua là sự phản ứng của các tài xế và người dân đối với sự tồn tại của trạm thu phí này vẫn rất quyết liệt. Trong khi đó, đại diện nhà đầu tư khẳng định sẽ tiếp tục việc thu phí chứ không cho trạm ngừng hoạt động chỉ vì sức ép của các tài xế gây ra tại trạm. Quan điểm của đơn vị quản lý trạm vẫn là, nếu xảy ra ùn tắc giao thông sẽ tiến hành xả trạm, khi giao thông thông thoáng, lại thu phí bình thường. Với tình trạng trên, không biết câu chuyện “đóng – xả” trạm sẽ diễn ra đến bao giờ?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần