Tình hình ở Myanmar: Những ngày đen tối chưa qua

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar, cho đến ngày 14/3, hơn 2.100 người đã bị bắt và khoảng 80 người thiệt mạng do biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar kể từ ngày 1/2.

 Chỉ riêng trong hôm 13/3, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ các nhân chứng và truyền thông cho biết các lực lượng an ninh Myanmar đã khiến thêm ít nhất 12 người thiệt mạng, cùng ngày quyền lãnh đạo của chính quyền dân sự có bài phát biểu trước công chúng lần đầu tiên.
Trong khi người biểu tình lên án cảnh sát đã hành xử như trong thời chiến trước những người dân không có vũ khí, thì Đài truyền hình MRTV do quân đội điều hành gọi những người biểu tình là "tội phạm". Với sự nhất trí của những nghị sĩ chưa bị quân đội bắt giữ, ông Mahn Win Khaing Than, một quan chức đến từ Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đang ẩn mình cùng một số quan chức cấp cao khác, phòng nguy cơ bị quân đội bắt giam; đã được bổ nhiệm làm quyền Phó Tổng thống Myanmar để thúc đẩy tiến trình công nhận chính phủ hợp pháp.
 Cảnh sát Myanmar bên ngoài tòa án xét xử nhóm nhà báo bị bắt trong các cuộc biểu tình ở TP Yangon ngày 12/3. Ảnh: Reuters
Ngày 13/3, ông Mahn Win đã có bài phát biểu qua mạng xã hội Facebook. Theo vị này, Myanmar, đang ở trong thời điểm đen tối nhất trước “bình minh” đến, với hàm ý rằng một cuộc cách mạng do các nghị sĩ này dẫn đầu sẽ mang bình minh đến, xua tan màn đêm mà người dân Myanmar đang trải qua. Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều nghị sĩ của Đảng NLD đã bị bắt. Nhiều nghị sĩ được bầu khác của đảng đang lẩn trốn ở Myanmar đã thành lập một Ủy ban đại diện chính phủ dân sự (CRPH) ngày 2/3 vừa qua để tố cáo chế độ quân sự đang nắm quyền tại Myanmar. Ủy ban đã có nhiều tuyên bố sau khi thành lập nhưng phong trào biểu tình hầu như không có thủ lĩnh, các hoạt động hằng ngày do các nhà hoạt động tại địa phương tổ chức. Hội đồng Quản lý nhà nước của quân đội khẳng định việc thành lập CRPH được xem như là "hành động phản quốc" và sẽ nhận mức án tối đa 22 năm tù.
Với tình hình như trên, một số quốc gia đã khuyến cáo công dân của họ rời khỏi Myanmar, trong khi một số khác tiếp tục xem xét lại các viện trợ phát triển và biện pháp trừng phạt lên quốc gia Đông Nam Á. Theo Reuters, chính quyền quân sự ở Myanmar hiện chịu sức ép ngày càng lớn cả trong nước lẫn bên ngoài. Anh cùng với Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt lệnh cấm vận có giới hạn đối với chính quyền quân sự Myanmar. Bộ Ngoại giao Anh đã khuyến cáo công dân nước này rời khỏi Myanmar bằng các phương tiện thương mại, nếu không có nhu cầu cần thiết phải ở lại, theo AFP. Bộ Ngoại giao Anh cảnh báo rằng “căng thẳng chính trị và bất ổn lan rộng kể từ khi quân đội lên nắm quyền và mức độ bạo lực đang tăng”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo tạm dừng các cuộc trao đổi quốc phòng và an ninh, cấm xuất khẩu vũ khí cũng như những mặt hàng chiến lược khác và xem xét lại viện trợ phát triển cho Myanmar. Ngoài ra, EU đang chuẩn bị mở rộng lệnh cấm vận nhắm vào các doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần