Tỉnh Hưng Yên: bước chuyển mạnh mẽ từ hợp nhất hành chính
Kinhtedothi - Ngày 1/7/2025, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình chính thức hợp nhất, mở ra một chương phát triển mới cho vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng. Với tên gọi chung là tỉnh Hưng Yên, địa phương này đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, hướng tới một không gian phát triển bền vững, hiện đại và thông minh.
Sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích tự nhiên trên 2.500 km² và dân số vượt 3,5 triệu người, trở thành địa phương có quy mô lớn trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây là kết quả của quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lý và tạo ra không gian phát triển mới, đồng bộ và có chiều sâu.
Với vị trí địa lý chiến lược nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hưng Yên mới hội tụ nhiều lợi thế để bứt phá: hạ tầng từng bước hoàn thiện, nguồn lực con người dồi dào, truyền thống lịch sử - văn hóa phong phú và đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm.
Theo định hướng đã được xác lập, Hưng Yên mới đặt mục tiêu trở thành địa phương mạnh về công nghiệp, hiện đại về đô thị, ổn định ở khu vực nông thôn, tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số. Tầm nhìn đến năm 2035, tỉnh sẽ xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, kết nối tốt với các trung tâm vùng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Việc hợp nhất không chỉ là sự cộng gộp về diện tích và dân số, mà là quá trình hội tụ những giá trị, tiềm năng và động lực từ hai địa phương để hình thành một thực thể hành chính mới có năng lực cạnh tranh cao hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn trong quản lý phát triển.

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ven sông Hồng, thuộc xã Tân Hưng, Hưng Yên. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN
Trong chiến lược phát triển mới, Hưng Yên xác định 3 trụ cột chính: công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh thông minh và phát triển đô thị bền vững. Toàn tỉnh dự kiến có 30 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 9.500 ha vào năm 2030. Hệ thống khu công nghiệp được phân bố hợp lý, kết nối với các tuyến giao thông chiến lược như đường bộ ven biển, trục phát triển đô thị, đường cao tốc CT.08 và tuyến đường kết nối trung tâm tỉnh với các vùng lân cận. Từ đó, hình thành nên hành lang phát triển công nghiệp - dịch vụ liên hoàn, có khả năng thu hút đầu tư lớn và tạo ra chuỗi giá trị sản xuất mới.
Không chỉ tập trung vào công nghiệp, Hưng Yên mới còn khai thác tiềm năng kinh tế biển nhờ có 54 km đường bờ biển và năm cửa sông lớn. Tỉnh đang quy hoạch phát triển các khu nuôi trồng thủy sản, chế biến xuất khẩu và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và tận dụng lợi thế tự nhiên. Đây là nền tảng để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.
Song song với phát triển hạ tầng và công nghiệp, tỉnh Hưng Yên mới đang ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh. Từ ngày 1/7/2025, cùng với việc chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, UBND tỉnh Hưng Yên đưa vào hoạt động Cổng tiếp nhận thông tin, phản ánh về hoạt động chính quyền hai cấp (tại địa chỉ: https://chinhquyen02cap.hungyen.gov.vn). Việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp được xem là bước chuyển mình có tính lịch sử, hướng đến tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Quá trình hợp nhất, dù đem lại nhiều cơ hội, cũng đặt ra không ít thách thức như sự chênh lệch trình độ phát triển, yêu cầu điều phối đồng bộ giữa các khu vực, hay áp lực về hạ tầng và dịch vụ công. Tuy nhiên, với chiến lược tiếp cận toàn diện, lộ trình phát triển rõ ràng và sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, Hưng Yên mới đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hiện đại, là đầu mối phát triển vùng có vai trò kết nối chiến lược trong khu vực.

Hưng Yên đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ
Kinhtedothi - Ngày 9/7, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên tổ chức phiên họp lần thứ hai tại trụ sở Tỉnh ủy.

Hưng Yên tham gia Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh
Kinhtedothi - Chiều 8/7, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo kế hoạch tham gia Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025).

Hưng Yên tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ 18 dự án trọng điểm
Kinhtedothi - Ngày 8/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Thận chủ trì phiên họp UBND tỉnh nhằm đánh giá tiến độ, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai 18 dự án trọng điểm.