Tính kế “giải cứu” giá cho ngành chăn nuôi heo

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu tình trạng thịt heo giảm giá kéo dài thì phần lớn hộ chăn nuôi, kể cả những trang trại lớn cũng khó mà cầm cự.

Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm cách giải cứu ngành chăn nuôi heo…

Ngày 27/4/2017, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp tổng kết Tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017. Trong đó, TP đặc biệt quan tâm đến những khó khăn của ngành chăn nuôi heo gặp phải trong thời gian qua. Cụ thể, giá thu mua heo đang giảm ở mức thấp nhất từ trước đến nay, đẩy người chăn nuôi heo rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
 
Qua khảo sát cho thấy, giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt heo bán tại chợ thì chỉ giảm nhẹ, vì bị các trung gian làm giá. Tại một số chợ lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: chợ Tân Sơn (Quận Gò Vấp), chợ Tân Mỹ (Quận 7), chợ Vườn Chuối (Quận 3) cho thấy giá bán lẻ giảm chỉ 8.000-10.000 đồng/kg tùy loại. Còn tại các siêu thị và nhiều cửa hàng, giá thịt heo trong chương trình bình ổn cũng giảm khoảng 3.000 đồng/kg…

Nguyên nhân chính khiến giá heo rớt mạnh là cung lớn hơn cầu. Trong gần 20 năm qua, sản lượng thịt heo tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn. Tiếp đến là nguyên nhân tổ chức kinh doanh ngành hàng thịt heo chưa tốt, trong đó có sản xuất, quy mô chăn nuôi phần lớn là nhỏ lẻ (với 3 triệu hộ chăn nuôi) khiến giá thành cao và khó kiểm quy trình soát chuỗi.

Việc chế biến cũng là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi thành phố. Không nhiều doanh nghiệp có thể tổ chức chế biến sâu. Đa phần doanh nghiệp tiêu thụ thịt heo vẫn theo cách truyền thống, bán thịt tươi là chính. Trong khi đó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn nhiều yếu kém nên ngành chăn nuôi heo dễ bị khủng hoảng.

Bên cạnh việc tính kế “giải cứu” ngành chăn nuôi heo, thành phố đã tích cực hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống và áp dụng công nghệ, tư vấn và hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, hoa - cây kiểng, rau an toàn, giống bò thịt, nâng cao chất lượng đàn bò sữa. Qua đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 4 tháng đầu năm ước đạt 3.604 tỷ đồng, tăng 6,1% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%).
 
Ngoài ra, TP còn đẩy mạnh thực hiện Chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn, giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả; tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện của thành phố .

Công tác kiểm tra tình hình dịch tễ đàn gia súc, gia cầm; vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép được tăng cường, nhất là các khu vực giáp ranh giữa các quận huyện trên địa bàn. TP triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ, nhanh chóng đảm bảo không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm, góp phần duy trì và phát triển ngành chăn nuôi.

Công tác đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai thực hiện đạt tiến độ. Đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững. Trong tháng, đã cung cấp thị trường hơn 53.000 cây gieo ươm, 3.951 cây lan giống, 10.477 cây cấy mô, 619 cây hoa nền để chuyển giao cho các hộ nông dân thuộc các huyện ngoại thành trên địa bàn TP....

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm phối hợp với doanh nghiệp liên quan trên địa bàn để có giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi heo nói riêng.