Tinh thần chất vấn tại Hội đồng Nhân dân ngày càng tăng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu nói đến sự “sôi động” trong hoạt động của HĐND TP Hà Nội năm vừa qua - năm kết lại một nhiệm kỳ, không thể không nhắc đến các phiên chất vấn, một hình thức giám sát trực tiếp, quan trọng và hiệu quả.

Hai kỳ họp, ngổn ngang vấn đề bức thiết từ đời sống dân sinh và tinh thần “chất vấn đến cùng” của ĐB đã khiến hai phiên chất vấn “nóng” từ hội trường ra xã hội.

 
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Khóa XIV.  Ảnh: Thanh Hải
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Khóa XIV. Ảnh: Thanh Hải
Từ chỗ dành nửa ngày cho hoạt động chất vấn trực tiếp tại hội trường, từ năm 2012, Hà Nội đã “nâng” thời gian lên một ngày. Dù như thế vẫn là không nhiều so với số lượng vấn đề cần đặt ra, nhưng có thể nói rằng, đây chính là “môi trường” thuận lợi để HĐND và cả cử tri xem xét việc giải quyết những vấn đề bức xúc của TP. Vì thế, đây luôn là “phần” nổi bật, thu hút sự quan tâm đặc biệt của ĐB, báo chí và đông đảo cử tri Thủ đô.

Ấn tượng nhất tại Kỳ họp thứ 13 là số lượng người tham gia chất vấn cao nhất, với 29 lượt, trong đó có nhiều ĐB kiêm nhiệm ở các quận, huyện. Và cũng là phiên chất vấn có nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được đưa ra nhiều nhất, từ nước sạch nông thôn, ô nhiễm làng nghề, sân chơi cho trẻ em, đến quản lý nhà chung cư, tái định cư và các khu đô thị, rồi tình trạng nông dân một số nơi bỏ ruộng hoang hóa, gây lãng phí đất đai, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp… Có vấn đề mới, có vấn đề đã được ĐB “đeo bám” nhiều kỳ họp như chậm, nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư cho khoa học…, để mong muốn giải quyết được tận cùng “vấn đề trách nhiệm”. Có những ĐB liên tục đứng lên tái chất vấn, sự trao đi, hỏi lại trên tinh thần xây dựng khiến phiên chất vấn được nhận xét “sôi nổi, nghiêm túc, thẳng thắn, công khai, dân chủ, cầu thị”.

Còn tại kỳ họp gần đây nhất, Kỳ họp thứ 14, “học theo tinh thần của Quốc hội”, phiên chất vấn cũng được đổi mới khi “lược” lại tất cả các vấn đề đã được đặt ra trong giám sát, chất vấn cả nhiệm kỳ. Đồng thời đây là dịp để báo cáo với cử tri việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND, các cấp chính quyền trong nhiệm kỳ. Qua đó, chỉ ra những vấn đề làm được, chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp để tiếp tục thực hiện và phải làm tốt hơn trong nhiệm kỳ mới. 768 kiến nghị đã được chuẩn bị cho phiên chất vấn và UBND TP đã báo cáo tổng hợp đầy đủ các nội dung gửi ĐB trước hai ngày. Trong báo cáo UBND TP gửi tới các ĐB HĐND có gần 400 trang nêu rõ những nội dung đã giải quyết xong, đang giải quyết và chưa giải quyết. Báo cáo này đề cập đến 197 nội dung với 7 nhóm vấn đề. Và do giới hạn về thời gian, nên phiên chất vấn trực tiếp cũng chỉ đưa ra được một số nhóm vấn đề, nhưng đó đều là vấn đề bức xúc từ cuộc sống như phòng cháy chữa cháy, nợ đọng thuế,phí, tiền sử dụng đất, trật tự xây dựng, nước sạch nông thôn… Đây cũng là những vấn đề được ĐB “truy” đến cùng trách nhiệm, được cả lãnh đạo UBND TP, các ngành cùng tham gia trả lời trực tiếp. Những thông tin “nóng” đã được đưa ra, không né tránh và rất thẳng thắn. Như từ thực tiễn quá trình giám sát, các đại biểu đã nêu lên một thực trạng nguy hiểm đáng báo động khi có nhiều chung cư không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, không hệ thống chữa cháy vách tường... nếu xảy ra cháy sẽ là thảm họa. Thực tế ấy đã được lãnh đạo TP tiếp thu, khẳng định sẽ có giải pháp khiến cử tri yên lòng. Và, ngay sau phiên chất vấn, TP đã có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo về vấn đề này. Trong đó, UBND TP đã đồng ý với đề xuất của Cảnh sát PCCC về việc dừng xem xét việc giao chủ đầu tư, cấp phép đầu tư đối với các dự án mới trên địa bàn cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (đơn vị chủ đầu tư của nhiều công trình, trong đó nhiều công trình tại Khu đô thị Xa La khi HĐND TP giám sát đã phát hiện không đảm bảo phòng cháy chữa cháy), khi DN chưa khắc phục đầy đủ các kiến nghị của Cơ quan Cảnh sát PCCC tại các công trình. Đồng thời yêu cầu DN có cam kết về lộ trình triển khai thực hiện giải pháp khắc phục các tồn tại về công tác phòng cháy chữa cháy.

Như Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã nhận xét sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 14: “Cả phần hỏi và trả lời đã đi đúng và trúng vấn đề. Cách đặt câu hỏi chất vấn thẳng thắn, xây dựng, có trao đi đổi lại mang tính đối thoại. Phần trả lời của đại diện UBND TP đã nêu ra được các giải pháp, làm rõ được vấn đề đặt ra, với lộ trình thực hiện cụ thể, thể hiện trách nhiệm cao giữa ĐB chất vấn và người trả lời chất vấn. Trong nhiệm kỳ, gần 800 kiến nghị những vấn đề dân sinh bức xúc như vấn đề quản lý đô thị, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội được HĐND giám sát, kiến nghị và đã được UBND tiếp thu, khắc phục”.

Dù  phần trả lời về trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đôi lúc chưa được rõ, nhưng không khí chất vấn thẳng thắn, đối thoại sẽ mang lại kết quả khả quan. Chủ tịch HĐND TP cho rằng “điều này không chỉ giải quyết một vấn đề cụ thể mà có tác dụng lan tỏa tới các cơ quan chức năng của TP ở những lĩnh vực, công việc khác. Phong cách làm việc mới của HĐND TP chắc chắn có tác động tích cực tới công việc điều hành chung của TP”.

Điều nhận thấy rõ, thông qua chất vấn, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm giải quyết hiệu quả, như việc quy hoạch xây dựng trường học, xóa bỏ tình trạng thiếu trường lớp tại các khu vực dân cư; khắc phục tình trạng lấn chiếm đất đai; khắc phục tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo"; việc quy hoạch, xây dựng các công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí; nơi sinh hoạt cộng đồng ở các khu dân cư; việc đảm bảo cấp nước sạch cho dân cư đô thị và nước hợp vệ sinh cho các vùng nông thôn…

Tinh thần tích cực từ phiên chất vấn, việc đeo bám vấn đề đã góp phần giải quyết cơ bản các công việc tại cấp cơ sở. Đó là điều HĐND TP Hà Nội bước đầu đã làm được và như Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: “Tinh thần chất vấn ấy sẽ tiếp tục được nâng cao, tiếp tục được đổi mới để theo sát hơn yêu cầu phát triển của Thủ đô, góp sức vào thực hiện tốt nhất các mục tiêu trong giai đoạn phát triển tiếp theo".