Tinh thần giáo dục trong gia đình Giáo sư Nguyễn Văn Huyên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một người mẹ lam lũ, ít có điều kiện tới trường, nhưng đang thời kỳ “mưa Âu, gió Á” mà tân cựu giao thời, phong hóa biến cải ở những năm đầu của thế kỷ XX, cụ đã hướng đạo cho hai con trai một con đường tươi sáng.

Một tiểu thư thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt đã nhủ lòng “phải tìm được người tài đức mới dám trao gửi thân” từ khi còn đôi tám xuân xanh. Nền tảng gia đình của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, cố Bộ trưởng Giáo dục của nước Việt Nam mới được gây dựng từ chính tinh thần giáo dục trong gia đình bằng tình yêu của người mẹ, người vợ như thế.

Tầm nhìn người mẹ, đức hạnh người vợ

Đi trên con đường mang tên bà nội (mẫu thân GS Nguyễn Văn Huyên), PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử - bắt đầu hồi ức về người bà và bố mẹ của mình. Con đường được lát gạch lấy từ ngôi nhà cũ của bà nội chạy giữa khu vườn quê nhỏ xinh trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tại thôn Lai Xá, huyện Hoài Đức (Hà Nội). “Con đường này tượng trưng cho nền móng gia đình đã được bà nội tôi đặt những viên gạch đầu tiên. Khu vườn với xum xuê cây trái quê cha, cây mắc mật quê mẹ gợi nhớ về nguồn cội…” – PGS Nguyễn Văn Huy bắt đầu câu chuyện với khách đường xa như thế.
Chú rể Nguyễn Văn Huyên, cô dâu Vi Kim Ngọc cùng hai bên họ hàng. Ngày vui của ông bà là đám cưới lón thuộc tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.
Chú rể Nguyễn Văn Huyên, cô dâu Vi Kim Ngọc cùng hai bên họ hàng. Ngày vui của ông bà là đám cưới lón thuộc tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.
Ông nội của GS Nguyễn Văn Huyên là một lang y nổi tiếng, phục vụ dưới trướng Tổng thống Quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương từ 1865. Thân phụ ông là một công chức ở Kho bạc của chính quyền Pháp và mất khi ông mới 8 tuổi, mẹ tần tảo kiếm sống bằng nghề sửa chữa quần áo cũ, nuôi nấng nên người tất cả 11 người con, cả con riêng của chồng và con của mình. Nguyễn Văn Huyên chào đời năm 1905 tại ngôi nhà số 30 trên phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Về năm sinh của ông cũng chứa đựng cả một câu chuyện về sự “thức thời” của người mẹ. Ban đầu người mẹ cho ông theo Hán học, nhưng chỉ sau 3 năm bà sớm nhận ra Nho học đã đến hồi mạt, nên hướng con theo học tiếng Pháp. Khi đó, để đưa con vào trường học, bà phải làm hồ sơ, khai Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1908. Từ đó, những giấy tờ, văn bằng của ông đều lấy năm sinh là 1908. Với quyết tâm nuôi con ăn học thành tài, cả hai anh em Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng đều được mẹ cho đi du học Pháp từ năm 1926.

Trong ký ức của cậu bé Nguyễn Văn Huyên, còn đinh ninh lời thơ mẹ  thường ru các con trong thời buổi dân Hà Nội chịu ảnh hưởng lớn của phong trào Đông Kinh Nghĩa thục: "Người ta sinh ở trên đời/ Phải học cho được nghề tài mới hay/ Người nghề ấy, kẻ nghề này/ Trước là ích quốc, sau này lợi dân"... Hoặc trong bài thơ "Khuyên con" mà thân mẫu của Nguyễn Văn Huyên thuộc lòng rồi truyền tinh thần ấy sang cho con: "Con ơi nghe mẹ nhời này/ Muốn khôn thì phải tìm thầy học nên/ Làm sao cho trả nghĩa đền/ Để yên việc nước kẻo phiền mẹ cha/ Làm trai yêu nước quên nhà/ Nước kia có vẹn thì nhà mới xong/ Sách có câu tạo thế anh hùng/ Văn minh hai chữ so cùng Mỹ - Âu"...

Cùng với mẹ, người chị gái của ông là Nguyễn Thị Mão (sau này là vợ Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại), tốt nghiệp khoá 1924-1927 Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, đã chắt chiu, dành hầu hết lương tháng của mình để gửi sang cho hai em học ở Pháp trong suốt 6-7 năm trời. Tình chị em như thế cũng thật hiếm. 

Thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình, hai anh em, đặc biệt là Nguyễn Văn Huyên vốn có tư chất thông minh hơn người cùng với nỗ lực học hỏi, rèn luyện, ông đã sớm có những thành công trong nghiên cứu khoa học ở Pháp. Nhưng khi về Việt Nam, ông đã từ chối việc ra làm quan cho chính quyền thực dân, mà chuyên tâm dạy học và nghiên cứu khoa học.

Sau người mẹ kính yêu của mình, bên cạnh sự nghiệp của GS Nguyễn Văn Huyên luôn có sự sát cánh, đồng hành của người vợ hiền, bà Vi Kim Ngọc. Bà là người gây dựng và gìn giữ được một nền tảng gia đình vững vàng, nuôi dạy con cái trưởng thành qua những năm tháng nhiều biến chuyển lớn lao của xã hội.

Bà là con gái của quan Tổng đốc Vi Văn Định, một tiểu thư xinh đẹp khuê các, nổi tiếng là giai nhân “cầm kỳ thi họa”. PGS Nguyễn Văn Huy kể: Hồi mẹ tôi 13 tuổi, ông ngoại nhận gả mẹ cho một người họ Dương Thiệu. Năm 16 tuổi, khi biết chuyện, mẹ đòi ông sêu trả 3 năm. Tục lệ xưa, khi đã nhận lời hứa hôn, hằng năm nhà trai biếu tết nhà gái chờ con gái họ đến tuổi gả chồng. Nhà gái phải trả lễ nếu phá bỏ lời ước. Lễ đó gọi là sêu trả. Bà Nguyễn Thị Thịnh, một cô giáo dạy học ở Thái Bình, là người bạn thân của mẹ (sau này là phu nhân GS Bác sĩ Thiếu tướng Đỗ Xuân Hợp) có lần nhận xét: “Cái làm tôi thích thú nhất là Ngọc đánh dương cầm hay, lại biết vẽ, tính tình ý nhị, nhẹ nhàng. Theo tôi, thật là một người lý tưởng. Tôi còn nhớ một nhà văn Pháp có nói một tấn học thức, có khi chưa chắc đã mua được một gam  thông minh. Trường hợp này ứng với Ngọc.” 
Tinh thần giáo dục trong gia đình Giáo sư Nguyễn Văn Huyên - Ảnh 1
 
Năm 1936, qua một người bạn giới thiệu, chàng Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và cô tiểu thư Vi Kim Ngọc nên duyên chồng vợ. Trong nhật ký của mình, bà đã viết: “Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh quyết chọn được người tài đức mới dám trao gửi thân. Thế là em đã được toại nguyện.”

Bà Ngọc hay viết nhật ký, viết thư gửi các con, ở đó là những lời tâm sự, căn dặn điều hơn lẽ thiệt. Qua thư, các con bà cũng thấu hiểu tình cảm, suy nghĩ, mong mỏi của người mẹ để nỗ lực phấn đấu.

Rồi đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp, bà Ngọc đã cùng chồng đưa các con đi tản cư. Những năm tháng kháng chiến biết bao gian khổ, nhưng bà vẫn nỗ lực học tập, làm y tá rồi tham gia nghiên cứu ở bộ môn ký sinh trùng, Trường Đại học Y khoa. Ở vai trò nào bà cũng ham học hỏi, luôn phấn đấu làm tốt công việc mà vẫn đảm đương việc nhà, tròn bổn phận với chồng con. 

Làm nên nghiệp nhà

Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống hiếu học, trải qua tuổi thơ lam lũ, GS Nguyễn Văn Huyên tuy được học tập ở trời Tây nhưng luôn đau đáu về số phận của đất nước, về quê hương xứ sở. Theo PGS Nguyễn Văn Huy, hướng nghiên cứu đầu tiên của ông không phải là lĩnh vực dân tộc học, mà ông muốn đi sâu nghiên cứu vấn đề quan hệ Pháp và Đông Dương ở giai đoan 1800 - 1880, những năm tháng bản lề để Đông Dương trở thành thuộc địa của Pháp. Tiếc rằng, do chính quyền Pháp khi đó có tâm lý sợ một người trí thức An Nam động đến kho tài liệu mật và có nhiều điều “tế nhị” của Pháp về Đông Dương nên đã không chấp nhận cho ông tiếp cận tài liệu tại các cơ quan lưu trữ thuộc địa và quốc gia.

Sau đó, ông hướng sang nghiên cứu về dân tộc học cũng là xuất phát từ tinh thần tự tôn dân tộc, muốn hiểu và lý giải căn nguyên làm nên sức mạnh dân tộc, bản lĩnh và bản sắc của người Việt Nam. Năm 1934 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne (Paris) với luận án chính "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam" và luận án phụ "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Hai bản luận án này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan...
Nhiều người tiếp xúc với bà Ngọc đều có chung nhận xét rằng bà xuất thân lá ngọc cành vàng, lại là phu nhân của bộ trưởng, nhưng rất bình dân, giản dị, không hề thể hiện tầng lớp của mình.
Nhiều người tiếp xúc với bà Ngọc đều có chung nhận xét rằng bà xuất thân lá ngọc cành vàng, lại là phu nhân của bộ trưởng, nhưng rất bình dân, giản dị, không hề thể hiện tầng lớp của mình.
Mười năm nghiên cứu khoa học tiếp đó, nhiều lĩnh vực lịch sử - xã hội của  đất nước được ông quan tâm. Ông khẳng định người Việt đã xây dựng nên một nền văn minh độc đáo trên bờ biển Thái Bình Dương này, độc lập với nền văn minh Trung Hoa. Công trình Những vấn đề của nông dân ở Bắc Kỳ (1939) là một tiếp cận xã hội học trong phân tích xã hội đương đại. Bằng những tư liệu sống động thu thập trong các cuộc điền dã dân tộc học và điều tra xã hội học, ông phân tích tình trạng cơ cực của nông dân và chỉ rõ sự yếu kém của chính quyền đương thời. Ông nhấn mạnh: “Việc làm cơ bản, nếu không thì sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc, chính là giáo dục nông dân. Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ quặt quẹo và nghèo khổ này và thử làm cho chúng trở thành những người có hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, có một ý thức hiện đại hơn về đời sống làng xã. Thì đó sẽ là một bước dài theo hướng thực hiện một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn”. Có thể thấy những vấn đề ông đặt ra đến nay vẫn phần nào mang tính thời đại.

Cùng với những thành tựu về nghiên cứu khoa học, suốt gần 30 năm đảm trách cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS Nguyễn Văn Huyên đã có nhiều đóng góp chấn hưng nền giáo dục, văn hóa của nước nhà. Thực hiện hàng loạt những chính sách đổi mới, cải cách giáo dục thành công. Ông cũng là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ông còn là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khoá 2 đến khoá 6, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. GS Nguyễn Văn Huyên qua đời ngày 19/10/1975 tại Hà Nội khi còn đang tại vị Bộ trưởng Giáo dục.

Để bày tỏ lòng thành kính cha mẹ, cùng với mong muốn lưu giữ lâu dài rất nhiều hiện vật quý về cuộc đời và sự nghiệp của GS Nguyễn Văn Huyên, góp phần giáo dục truyền thống gia đình; PGS Nguyễn Văn Huy và đông đảo anh chị em, con cháu họ hàng đã chung sức xây dựng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, khánh thành dịp cuối năm 2014.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có phần trưng bày trên một diện tích khoảng 150m2, giới thiệu hơn 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc, với nhiều bút tích của các nhân vật khác nhau, được gia đình lưu giữ một cách cẩn thận. Cùng với các kỷ vật của ông Huyên là những kỷ vật của bà Vi Kim Ngọc. Trưng bày được tổ chức theo 4 chủ đề chính bố trí trên 4 tầng của tòa nhà: Nền tảng gia đình, Tuổi trẻ của bố mẹ, Bố chúng tôi – một nhà bác học, và Bố chúng tôi – một người hành động.

Suốt hơn một năm qua, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên đã thường xuyên đón nhiều đoàn khách, hoạt động trong mọi lĩnh vực, ở mọi lứa tuổi về thăm. Bảo tàng thu hút sự quan tâm đặc biệt của học sinh, sinh viên. Những ngày nghỉ đây là một nơi đến thăm lý tưởng của gia đình, nơi bố mẹ cùng con cái có thể chia sẻ nhiều điều. Cùng với những tư liệu và ký ức về một con người, một gia đình, người xem sẽ có thêm hiểu biết về lịch sử, xã hội và văn hóa của một thời kỳ, rộng hơn là một đất nước. Và, hẳn điểm nổi bật của bảo tàng là góp phần tôn bồi nên những giá trị truyền thống tốt đẹp về gia đình, về giáo dục trong gia đình - nền tảng cho mỗi người phát triển.