Tinh thần thẳng thắn tự phê bình là truyền thống quý của Đảng

Trần Hà thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt chặng đường 90 năm qua, Đảng luôn tự kiểm điểm nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của mình chứ không phải chỉ nói về thành tựu. Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo thành công nhiều cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, đưa đất nước đi lên, tạo được vị thế quốc gia trên trường quốc tế. PGS.TS Nguyễn Văn Giang (nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng) nhận định trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng.

 PGS.TS Nguyễn Văn Giang
Hiệu quả soi chiếu từ thực tiễn
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, nhìn lại 90 năm qua, theo ông đâu là những thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng Đảng?
- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 90 năm qua đã ghi dấu những thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Một trong những nguyên nhân có thể thấy rằng, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, trong đó xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng, về tổ chức và cả về đạo đức đều đạt được những thành tựu.
Cụ thể như, trong xây dựng Đảng về chính trị, Đảng đã đề ra được đường lối đổi mới đúng đắn và thực hiện thành công đường lối đổi mới ấy, tạo thành bước ngoặt đối với đất nước, như Đại hội XII của Đảng, khi tổng kết 30 năm đổi mới đã đánh giá, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn cũng đã chứng minh, năm 1986 chúng ta đề ra đường lối đổi mới, 10 năm sau, Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) đã tuyên bố, chúng ta đã ra được khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài suốt những năm 80. Đó là một bước ngoặt. Thành công nữa đã được khẳng định tại Đại hội XI (năm 2011), chúng ta tuyên bố đã ra khỏi nhóm các nước nghèo, kém phát triển.
Còn về phát triển đội ngũ của Đảng, quy mô đội ngũ đảng viên tăng nhanh, hiện là hơn 5 triệu đảng viên, độ tuổi được trẻ hóa dần. Đội ngũ cán bộ được xây dựng ngày càng bài bản hơn, nhờ công tác đào tạo, quy hoạch đồng bộ, thích ứng được điều kiện đổi mới hiện nay. Điểm lại những điều ấy để thấy rằng sự phát triển của Đảng là rất đáng tự hào và luôn được soi chiếu từ thực tiễn phát triển của đất nước.
Xây dựng Đảng luôn đi liền với công tác chỉnh đốn Đảng, trước Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI, Đảng ta đã có những đợt chỉnh đốn Đảng nào ghi dấu ấn trong lịch sử Đảng, thưa ông?
- Trong 90 năm qua, Đảng ta chính đốn rất nhiều lần, có thể nói rằng đây là công việc thường xuyên của Đảng. Nếu tính từ dấu mốc khi đát nước bước vào thời kỳ đổi mới, phải kể đến Nghị quyết T.Ư3 Khóa VII (năm 1992), Đảng đã chính thức đặt vấn đề đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đây là cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng đầu tiên sau đổi mới. Sau đó là chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 (Hội nghị T.Ư 6 lần 2) năm 1999 khi đó Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã mở cuộc đại phê bình từ cấp tỉnh trở xuống. Cuộc chỉnh đốn Đảng tiếp theo là Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là cuộc đại phê bình lớn từ T.Ư xuống đến cơ sở. Qua đó, đã thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng "xây" đi đôi với "chống", bồi dưỡng cái tốt, nhắc nhở và có hình thức phê bình, kỷ luật đối với những nơi làm chưa tốt.
Nếu đi cụ thể hơn về công tác chỉnh đốn Đảng theo hai Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI, XII, ông đánh giá thế nào về kết quả cho đến thời điểm này?

- Theo tôi, các Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng. Nếu Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI mới đề cao việc tự phê bình, tinh thần giáo dục, thì đến Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII, chủ trương là đi sâu vào tự phê bình những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, kiểm điểm, phê bình đi với thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tuy là không triển khai một cách ồn ào, nhưng hiệu quả lớn, đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, thực hiện ráo riết, quyết liệt, theo đúng tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp lần lượt được xử lý với tinh thần kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, kể cả đối với cán bộ cấp cao, cán bộ đã nghỉ hưu... Kết quả từ thực tiễn thực sự là những đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Đây là vấn đề rất quan trọng bên cạnh những thành tựu về kinh tế, xã hội.
Đúng tinh thần nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới
Như ông đã nói, Đảng cũng có những lúc mắc sai lầm, nhưng Đảng không né tránh sự thật, luôn nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để sửa chữa những sai lầm đó. Phải chăng, đấy là nguyên nhân tạo nên sức mạnh, thành công của Đảng, thưa ông?
- Đúng như thế. Đảng ta không chỉ có truyền thống đoàn kết, Đảng ta còn có truyền thống tự phê bình, dám nhìn thẳng vào sự thật. Như nhìn tổng thể, mỗi khi Đảng có sai lầm, Đảng đều tự nhận. Như khi có sai lầm trong cải cách ruộng đất, T.Ư họp hẳn một Hội nghị đánh giá sai lầm, đề ra biện pháp sửa sai và sau đó tổ chức mít tinh ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Đảng đã báo cáo trước Nhân dân và khẳng định Đảng đã sai lầm, sai lầm của Đảng là nghiêm trọng và có biện pháp sửa sai. Hay đến Đại hội VI, Đảng đã tự phê bình và chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật thị trường… Nhờ có tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật như vậy, chúng ta mới có đường lối đổi mới. Tinh thần thẳng thắn này tiếp tục được thể hiện rõ trong Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI và Khóa XII như trên tôi đã nói.
Kể lại những sự kiện như thế để chúng ta thấy rằng, mỗi khi có những vấp váp, sai lầm, Đảng ta thể hiện tinh thần rất thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm đề tìm ra biện pháp sửa sai. Đây cũng đúng theo tinh thần nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới. Như Lenin đã từng nói, đó là dấu hiệu của một Đảng chân chính, dám thẳng thắn thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân và hướng sửa chữa. Tinh thần thẳng thắn tự phê bình ấy chính là truyền thống quý của Đảng.
Hiện cũng là lúc Đại hội Đảng các cấp đang được chuẩn bị triển khai để tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Vậy theo ông, có những vấn đề gì trong công tác xây dựng Đảng chúng ta cần lưu ý để viết tiếp những trang sử vẻ vang của Đảng?
- Theo tôi, trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chúng ta đều còn những việc phải làm. Trong đó, quan trọng là xây dựng được đường hướng, chủ trương đúng để tiếp tục có những quyết sách mạnh mẽ, táo bạo trong đường lối đổi mới, lấy hiệu quả cao nhất là phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng được tất cả nguồn lực, năng lực sản xuất, giải tỏa những chính sách kìm hãm sự phát triển. Tôi kỳ vọng rằng, Đại hội sắp tới phải xử lý được vấn đề sâu xa về đường lối cho vấn đề này
Hơn thế nữa, phải tập trung vào vấn đề cán bộ, vì suy cho cùng, cán bộ vẫn là gốc của mọi vấn đề. Làm sao chọn được đội ngũ cán bộ chủ chốt kiên định về chính trị, trong sạch, tài năng, bản lĩnh để tiếp tục sự nghiệp của Đảng. Hiện, Đảng đang triển khai các bước về quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, cũng như ban hành những quy định để răn đe những tiêu cực, hạn chế chạy chức chạy quyền, bảo đảm nhân sự được lựa chọn khách quan. Tôi nghĩ rằng, cứ theo nhịp như hiện nay, chúng ta sẽ có một kỳ Đại hội thành công, viết tiếp được những dấu mốc trong công tác xây dựng Đảng.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần