Tính toán của lãnh đạo Mỹ, Triều trước hội nghị thượng đỉnh

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau động thái tích cực từ hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, thế giới tiếp tục ngóng đợi cuộc gặp đã được lên kế hoạch của lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên.

Cả Hàn Quốc, Triều Tiên và cả Mỹ đều có động lực khác nhau trong quá trình tiến hành các nỗ lực ngoại giao. Vì vậy, mỗi bên đều có tính toán riêng cho mình.
Tổng thống Trump: “Bắt cá 3 tay”
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, từ đầu năm, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã dịu đi. Hiện chưa biết động cơ của ông Kim là gì nhưng ít ra động thái này cộng đồng quốc tế cũng ủng hộ vì tình hình bán đảo Triều Tiên hòa dịu có lợi cho mọi quốc gia trong khu vực.
 
Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Denny Roy - chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Đông - Tây, có trụ sở tại Hawaii, Mỹ cho biết, việc Mỹ và Hàn Quốc giảm thời lượng các bài tập quân sự hàng năm cho thấy thiện chí cho một giải pháp ngoại giao.
Bình Nhưỡng cũng đã cố gắng dọn đường cho các cuộc đàm phán kể từ đầu năm, quan trọng nhất là việc kiềm chế các vụ thử hạt nhân và tên lửa, cho thấy cả hai bên đều muốn và đã sẵn sàng đối thoại.
Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, các động thái này mang tính tích cực nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước. Thiếu tướng Cương nhấn mạnh, đội hình mới được bổ nhiệm của ông Trump trong đó có Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia là ông Mike Pompeo và Bolton, đều là những người thiên về dùng biện pháp quân sự mạnh, cứng rắn, phù hơp tư tưởng diều hâu của đảng Cộng hòa.
Điều này chứng tỏ bản thân ông Trump cũng không tin cuộc gặp với ông Kim giải quyết được vấn đề. “Cho nên ông Trump tiến hành bắt cá 3 tay: thứ nhất, tăng cường sức ép, bao vây cấm vận trừng phạt; thứ 2 là sẵn sàng đối thoại, thứ 3 là chuẩn bị vũ trang khi cần thiết. Đối với ông Trump là thế”, Thiếu tướng Cương nói với Kinh tế&Đô thị.
Triều Tiên “gửi lời” qua Hàn Quốc
Ông Denny Roy cho rằng, sự khác biệt quan trọng nhất là nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nói, mặc dù qua trung gian của Hàn Quốc, rằng ông sẵn sàng bàn bạc về việc phi hạt nhân hóa.
Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi lời tới Mỹ qua Hàn Quốc cũng được các chuyên gia xem là động thái khôn ngoan.
Ông Denny Roy cho rằng, quá trình nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên lạc cá nhân với các quan chức Hàn Quốc sau đó, phía Seoul trình bày báo cáo trực tiếp tại Washington dường như được thiết kế để chứng tỏ sự chân thành của Bình Nhưỡng. Trong thực tế, đây gần như là một giao tiếp trực tiếp từ ông Kim đến Tổng thống Trump, nhưng thông qua trung gian.
 
Bằng cách từ chối xác nhận thông điệp công khai, Bình Nhưỡng vẫn có toàn quyền từ chối hợp lý nếu kế hoạch hội nghị thượng đỉnh không được vừa ý, ông Roy lý giải.
Đồng tình rằng, hành động của nhà lãnh đạo Triều Tiên như vậy là rất khôn ngoan, ông Cương giải thích, Một sự kiện lớn như cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ thì Triều Tiên còn phải nghe ngóng, còn bạn bè, đồng minh, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Động thái này không hề khó hiểu.
Bên cạnh đó, với quan điểm của Mỹ, việc Bình Nhưỡng buộc phải liên quan đến chính phủ Hàn Quốc trong quá trình này là một tín hiệu tích cực kết quả hòa bình lâu dài nào trên bán đảo Triều Tiên đều liên quan đến sự hòa giải giữa Seoul và Bình Nhưỡng, nhà nghiên cứu Mỹ nói.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Hoặc được ăn cả, hoặc ngã về không
Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá, triển vọng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un hiện chỉ là 50-50. Nhà lãnh đạo Triều Tiên không mời trực tiếp ông Trump mà thông qua đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae-in, điều này khiến cuộc gặp dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 chưa thể chắc chắn.
Trong trường hợp giả sử có cuộc họp thì kết quả 90% mang tính xã giao, chủ yếu thăm dò thái độ của nhau. “Kết quả tích cực nhất là hẹn cuộc gặp khác. Hai bên đều còn phải câu giờ. Còn nghe ngóng, còn thăm dò thái độ của nhau”, ông Cương dự báo.
Giữa Donald Trump và Kim Jong-un là vực thẳm mất lòng tin. Hai bên hoàn toàn không tin tưởng nhau. Hàn Quốc và người Mỹ vẫn tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tích lũy kho vũ khí hạt nhân như một phần của kế hoạch dài hạn nhằm kiểm soát bán đảo. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lo ngại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là một ý định xâm lược Triều Tiên. “Một vực thẳm như vậy thì chỉ một cuộc gặp cũng như một vài xẻng đất sao có thể khỏa lấp được”, ông Cương nói.
Ông Denny Roy cũng cho rằng, không thể đoán trước liệu hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ -Triều có thực sự xảy ra hay không. Cả hai bên dường như đang lên kế hoạch, nhưng tình hình vô cùng mong manh và bất cứ một động thái nào không phù hợp cũng có thể dễ dàng hủy hoại kế hoạch.
Nếu cuộc gặp thực sự diễn ra, kết quả sẽ rất đa dạng. Đó có thể là "cú nổ" lớn nhưng không để lại tác động lâu dài nào đáng kể (như họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jong và ông Kim Jong Il năm 2000).
Kết quả có thể là một thỏa thuận mang lại hi vọng nhưng sẽ sớm bị phá vỡ hoặc cũng có thể là một số nhượng bộ ông Trump dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. Hoặc cũng có thể là một bước đột phá giải quyết đc cuộc khủng hoảng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần