Tình trạng dạy thêm, học thêm: Cấm cho có

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường tuyệt đối không tổ chức các lớp ôn tập, bồi dưỡng kiến thức văn hóa trong hai tháng nghỉ hè (tháng 6 và 7).

Nhưng trên thực tế, việc dạy thêm, học thêm (DTHT) vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức và phụ huynh vẫn đưa con đến lớp học thêm.
"Lệnh cấm" chỉ nằm trên giấy
Để hạn chế tình trạng DTHT, năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường tuyệt đối không tổ chức dạy học, ôn tập văn hóa trong tháng 6 và tháng 7 cho học sinh (HS), kể cả dạy chữ trước khi vào lớp 1... Thế nhưng, “lệnh cấm” cứ ban hành, còn việc dạy và học vẫn cứ diễn ra. Thời điểm này, hỏi 10 HS thì có đến 9 HS nói rằng đã đi học thêm từ đầu tháng 7, thậm chí có những HS chuẩn bị vào lớp 1 đã học thêm cách đây cả nửa năm.

Cấm dạy thêm, học thêm hiệu quả là thay đổi phương pháp dạy học, thi cử cũng như cải thiện chế độ tiền lương cho giáo viên.  Ảnh:  Trung Quý

Bé Nguyễn Thu Trang, học trường Mầm non Kim Liên (năm nay vào lớp 1) cho biết, cháu được mẹ cho đi học thêm từ trước khi nghỉ Tết. “Con học ở nhà cô, một tuần học 3 buổi vào thứ Ba, thứ Tư và thứ Bảy. Lớp con rất đông bạn học, cô cho chúng con thi viết chữ để chuẩn bị vào lớp 1, con biết làm các phép tính trong phạm vi 10” – Trang "khoe" bằng giọng điệu ngây thơ của đứa trẻ chuẩn bị vào lớp 1 nhưng rất vui sướng vì "đã biết hết chữ rồi". Trường hợp tương tự là một HS năm nay lên lớp 9 của trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Ngay trong buổi tổng kết năm học, ngoài việc thông báo lịch nghỉ hè, cậu còn được cô giáo chủ nhiệm thông báo lịch học 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh sẽ học thêm từ đầu tháng 7, mỗi môn 2 buổi/tuần. Hay như trường hợp của một HS lớp 8 trường THCS Gia Thụy (quận Long Biên) cũng đã học thêm môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh tại nhà cô giáo ngay từ đầu tháng 7...
Đây chỉ là vài nét phác họa trong bức tranh nhiều đường nét về việc DTHT trong kỳ nghỉ hè của HS hiện nay. Nhiều năm trở lại đây, năm nào Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ban hành văn bản, quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng DTHT tràn lan để không bớt xén thời gian nghỉ hè của HS. Trong đó, đáng chú ý là tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2012, nội dung nêu rõ cấm dạy thêm đối với HS tiểu học và HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Thế nhưng, dường như "lệnh cấm" chỉ nằm trên giấy khi việc DTHT vẫn diễn ra, thậm chí diễn ra ngay cả thời gian HS vẫn đang học chính khóa trong nhà trường, còn dịp hè các lớp DTHT “trăm hoa đua nở”.
Khó kiểm soát
Theo kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho HS năm 2017, các trường học của Hà Nội chỉ được tổ chức các lớp ôn tập văn hóa cho HS sau ngày 1/8 trên cơ sở tự nguyện, không được dạy trước chương trình. Lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận chỉ có 1 trong số 8 trường THCS được phép tổ chức DTHT vì chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhưng thời điểm này không có đơn vị nào tổ chức dạy. Tại quận Thanh Xuân, lãnh đạo phòng GD&ĐT quận này cho biết, sau ngày 1/8, các trường trên địa bàn mới tổ chức ôn tập văn hóa, còn hiện nay, 11 trường THCS đều nghiêm túc thực hiện đúng quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Ở trường không dạy thêm là vậy, nhưng phụ huynh vẫn có thể đăng ký ở các trung tâm văn hóa ngoài giờ, những điểm dạy thêm của giáo viên. Có cầu ắt có cung, trên thực tế, việc DTHT ở ngoài trường vẫn rất khó kiểm soát. Không được tổ chức dạy, bồi dưỡng HS trong nhà trường, giáo viên lại thuê địa điểm ngoài nhà trường để tổ chức dạy thêm, hoặc núp bóng các trung tâm... Khảo sát ở một số địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa... không khó để nhận ra những lớp DTHT như lớp dạy thêm ở ngõ 26 Hàng Bài, ngõ Hạ Hồi, ngõ 41 Đông Tác và hàng loạt lớp học thêm được thuê ở quanh các trường Tiểu học Kim Liên, THCS Đống Đa (quận Đống Đa), THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm)… Có thể nói, hiếm ngày vắng bóng các cô cậu học trò đến học trong dịp hè, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, buổi chiều tối những ngày đang học chính khóa.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, “giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường tại những cơ sở đã được cấp phép hợp lệ”. Với cách làm đó, các giáo viên dễ dàng "lách luật" để không vi phạm về nguyên tắc DTHT. Bên cạnh đó, quy định giáo viên không được dạy thêm với HS mà mình dạy chính khóa được coi là biện pháp ngăn chặn hành vi tiêu cực, nhưng thực tế, cả HS, phụ huynh và giáo viên đều muốn được học và dạy chính HS của mình; bởi thầy - trò là người hiểu nhau hơn ai hết. Khi thầy và trò “thu xếp” ổn thỏa, người ngoài rất khó biết được. Do vậy, các Hiệu trưởng cũng không thể kiểm soát hết các giáo viên của mình có dạy thêm hay không.
Không chỉ các chuyên gia mà ngay cả phụ huynh cũng cho rằng, không cha mẹ nào muốn con mình “chạy sô” học hết môn này môn kia trong kỳ nghỉ hè, nếu như việc học ở lớp (giờ chính khóa) luôn được thầy cô đảm bảo dạy đủ chương trình. Đặc biệt, chương trình giáo dục bớt đi những yêu cầu quá sức, kiến thức hàn lâm không cần thiết với HS, hơn nữa, mức lương của giáo viên không quá thấp so với mặt bằng xã hội... mới mong không còn cảnh thầy cô giáo ra sức dạy, HS phải gò lưng đến lớp học thêm.
Trường nào tổ chức cho học sinh ôn tập kiến thức văn hóa trước ngày 1/8 hoặc có hành vi ép buộc học sinh học thêm, học trước chương trình trong dịp hè, Sở sẽ nghiêm khắc xử lý các cá nhân, đơn vị liên quan. Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội  Nguyễn Hữu Độ
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần