Tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên bãi sông Hồng: Không mạnh tay sẽ nhiều hệ lụy

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông Hồng trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay tại một số quận, huyện ven sông của Hà Nội.

Nhất là khi có thông tin quy hoạch phân khu đô thị 2 bên sông Hồng, câu chuyện lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, cho dù đồ án quy hoạch chưa thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều nhưng việc siết chặt quy định cần sớm được chấn chỉnh lại.

Tồn tại khó xử lý

Ghi nhận thực tế dọc bãi sông Hồng thuộc địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm... cho thấy, tình trạng lấn chiếm bãi sông Hồng đang diễn ra vô cùng phức tạp. Như tại quận Long Biên, khu vực từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Long Biên rất nhiều công trình được dựng lên bằng khung sắt quây tôn, làm nhà ở, xưởng chứa hàng. Tại phường Tứ Liên (Tây Hồ), do đặc thù có vùng bãi rộng trồng hoa, cây cảnh, thời gian qua được sự tạo điều kiện của quận nhiều gia đình đấu thầu những khu đất được phép sản xuất để trồng cây cảnh. Nhưng trong quá trình hoạt động đã tự ý xây dựng công trình nhà ở cấp 4 kiên cố không đúng với quy định về sử dụng đất nông nghiệp.
Công trình xây dựng lấn chiếm hành lang đê điều của Công ty Gốm sứ Quang Vinh tại khu vực Bát Tràng. Ảnh: Doãn Thành
“Chúng tôi đã nhiều lần ra quân tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, cùng với đó là vận động, tuyên truyền, nhưng việc quản lý trật tự xây dựng ven bãi sông gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do những người đang sử dụng đất không phải là đối tượng được chính quyền giao đất, mà thuê lại “qua tay” nhiều người, nên việc truy tìm chủ sở hữu để xử lý không dễ dàng” - Chủ tịch UBND phường Tứ Liên Nguyễn Việt Cường cho hay.

Không chỉ có người dân, mà còn cả DN, tổ chức việc lấn chiếm hành lang bãi sông Hồng. Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tại Bát Tràng do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh làm chủ đầu tư ở khu vực Bát Tràng (Gia Lâm) giáp ranh với huyện Văn Giang (Hưng Yên); Trạm trộn bê tông Việt Đức của Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức hay Nhà hàng Tre Place thuộc phường Phú Thượng (Tây Hồ)... đang quản lý hàng nghìn mét vuông đất bãi ven sông Hồng để phục vụ kinh doanh với nhiều loại hình khác nhau như xây dựng khu trưng bày sản phẩm, ẩm thực, vật liệu xây dựng.

Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (Tây Hồ) Bùi Tuấn Dương cho biết, đối với 2 công trình nổi cộm trên địa bàn trong thời gian qua là Trạm trộn bê tông Việt Đức và Nhà hàng Tre Place, chính quyền địa phương đã báo cáo và xin ý kiến cơ quan cấp trên về phương án xử lý. Về công tác quản lý hiện nay đã cấm mọi hoạt động sửa chữa, cơi nới.
“Riêng đối với Trạm trộn bê tông Việt Đức do đã hết thời gian được phép hoạt động, nhưng không chấp hành, lực lượng chức năng nhiều lần lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đã xử phạt với mức cao nhất theo quy định là 100 triệu đồng” - ông Bùi Tuấn Dương thông tin.

Mạnh tay để ngăn chặn

Theo thống kê, những năm gần đây, số lượng vụ sạt lở đê, kè trên địa bàn TP Hà Nội liên tục tăng, có thể kể đến sự cố sạt lở kè Chu Minh, kè Cam Thượng (huyện Ba Vì); cống Cẩm Đình, mái kè Cẩm Đình, cơ kè Xuân Phú (huyện Phúc Thọ)... Đặc biệt vào năm 2017, xảy ra sự cố đê Bùi 2 trên địa bàn huyện Chương Mỹ khiến nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện bị cô lập trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Thành phố có thêm 17 sự cố sụt lún đê, kè, cống; sạt lở bờ sông... “Xảy ra những sự cố trên ngoài nguyên nhân do thiên tai, bão lụt, một phần lớn xuất phát từ yếu tố chủ quan của con người. Việc xây dựng công trình, tập kết vật liệu, đổ đất thải, phế thải san lấp mặt bằng, tôn nền ở bãi sông trong hành lang thoát lũ… không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô” - chuyên gia quy hoạch đô thị, Thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều ven sông Hồng vốn đã rất “nóng”, thời gian gần đây khi có thông tin Thành phố triển khai đồ án quy hoạch khu đô thị 2 bên sông Hồng càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều người dân đổ về khu vực bãi bồi ven sông đầu cơ đất trái phép để “lướt sóng” hoặc chờ khi hạ tầng được xây dựng sẽ bán với giá cao.
“Trong khoảng thời gian chờ quy hoạch chính thức được phê duyệt, hiện nay, chúng tôi đang tích cực ra quân để xử lý những vi phạm tồn đọng, không cho phép phát sinh mới. Cùng với đó, quận cũng lên kế hoạch ngăn chặn những đối tượng đầu cơ đất đai làm rối loạn thông tin, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, an ninh trật tự tại địa bàn” - ông Nguyễn Mạnh Trình cho hay.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan xử lý tình trạng chiếm đất ven sông Hồng, không chỉ đe dọa lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong công tác phòng, chống lũ lụt… UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn gây bức xúc cho dư luận.
Về vấn đề này theo Luật sư Hoàng Văn Đạo - Hội Luật gia Việt Nam, hiện nay, mức xử phạt hành chính tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều là 100 triệu đồng hoặc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ buộc khôi phục hiện trạng ban đầu, nhưng thực tế tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, thậm chí theo chiều hướng phức tạp, khó quản lý hơn.

“Theo tôi, cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với những đối tượng vi phạm, đặc biệt với các tổ chức, DN. Vi phạm hành lang đê điều ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống thiên tai, tính mạng tài sản của người dân và sự phát triển của kinh tế - xã hội, vì vậy cần phải truy tố hình sự mới có thể răn đe” - luật sư Hoàng Văn Đạo nhìn nhận.

"Hàng tuần, phường đều tổ chức ra khu vực Bãi Giữa thuộc quản lý để kiểm tra, nếu phát hiện nhà dựng trái phép thì tháo dỡ. Trong những đợt tháo dỡ như vậy, đã không ít lần nhận phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Thực tế cho thấy, dù phường có tích cực tháo dỡ thì những nhà dựng mới vẫn mọc lên bất chấp việc này là vi phạm pháp luật." - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (Long Biên) Lê Thị Bích Hoài

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần