Tọa đàm “Làm gì để Kinh tế Việt Nam phát triển sau dịch Covid-19”: Cơ hội tái cấu trúc khi thế giới biến đổi

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải đến đại dịch Covid-19 thế giới mới thay đổi. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự đảo lộn tương quan sức mạnh trên phạm vi toàn cầu, thế giới đã thay đổi căn bản cấu trúc và logic phát triển. PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại buổi thảo luận “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau dịch Covid-19” do Câu lạc bộ Cafe Số và báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức cuối tuần qua.

TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại buổi tọa đàm.
“Tìm cơ trong nguy” để phát triển
TS Trần Đình Thiên cho biết, trước dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã trải qua 3 năm tăng trưởng tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng sự chuyển động gần đây đang bộc lộ nhiều "nguy" hơn là "cơ". Cụ thể, trong năm 2019, số lượng dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 20% nhưng tổng số vốn đăng ký đầu tư mới giảm tới 16%. Như vậy, quy mô dự án FDI tại Việt Nam giảm tới 40%. Điều này cho thấy dòng vốn dịch chuyển là từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng các dự án này đa phần có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với chính các DN nhỏ và vừa của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam phụ thuộc giao thương vào 2 nền kinh tế lớn này.
Covid-19 làm đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, với Việt Nam điều này rất quan trọng do Việt Nam có kinh tế mở, tham gia rất nhiều các FTA. Bên cạnh đó, thu hút khách du lịch đang có đóng góp ngày càng quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Song nguồn khách của Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên khi dịch bệnh Covid xảy ra, ngành du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. “Việt Nam có cơ hội nào để thoát khỏi thực trạng hiện nay, vượt lên đẳng cấp khác hay không? Câu trả lời đó là nền kinh tế tự cường” - ông Thiên nhấn mạnh.
Thế giới đang trong quá trình thay đổi trước sự phát triển của kinh tế số, vì có xung đột thương mại Trung Quốc - Mỹ, vì nước biển xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu… ông Thiên chỉ ra để nói: “Covid chỉ là yếu tố kích phát, bởi chúng ta đang sống trong giai đoạn bất bình thường. Covid-19 đẩy nhiều vấn đề trở nên quyết liệt hơn, từ đó nhận diện những hạn chế để phát triển mới cho Việt Nam.
"Tôi nhìn thấy trong "nguy nan" có "cơ hội". Đó là sau dịch Covid-19, dòng đầu tư FDI từ ngoài vào, nhu cầu hàng hóa thị trường đang lên. Việt Nam mở cửa, thị trường đa dạng hơn... Khi xảy ra xung đột thương mại, ta bàn xem cơ hội thế nào? Mà nếu bỏ lỡ cơ hội lại thành nguy" - TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề, kinh tế hậu Covid-19 phải là “bình thường mới chứ không phải là bình thường cũ”.
Nhật Bản “thoát Á” để thành rồng, Việt Nam như thế nào?
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt ra hai khái niệm "cởi trói" nền kinh tế nước nhà là "thoát Trung" và "thoát Ta" trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Theo ông, nếu làm được điều trên, đất nước sẽ càng tự cường, phát triển mạnh mẽ hơn. Đó cũng là một trong 4 cơ hội lịch sử đang mở ra cho Việt Nam.
Những cơ hội đó bao gồm việc Việt Nam có thể thoát khỏi những tư duy phát triển, trói buộc cũ, tận dụng khả năng tiến vượt để đuổi kịp rồi đi cùng với thế giới. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để không còn lệ thuộc vào Trung Quốc, ví dụ như vấn đề nguyên liệu đầu vào tồn tại nhiều năm trở lại đây. Cuối cùng, ông Thiên đề cập tới việc tạo dựng đẳng cấp mới cho đất nước.
Lý giải thêm, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, "thoát Trung" ở đây được hiểu là thoát khỏi những trói buộc xã hội, tập tục, quy định kiểu phương Đông truyền thống. Với kinh tế, câu chuyện được hiểu theo chiều hướng thoát khỏi những sự lệ thuộc phát triển, bẫy nợ, bẫy đầu tư, thâm hụt thương mại nặng nề.

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Công Hùng
Ông Thiên lấy ví dụ về lịch sử của nước Nhật thời Minh Trị, quốc gia sử dụng khái niệm "thoát Á" nhằm vươn lên. Cái lõi của "thoát Á" chính là Nho giáo, mà cụ thể là văn hóa Trung Quốc. "Nhật Bản vượt qua được nên họ là đất nước đầu tiên của châu Á nhập vào danh sách 20 quốc gia phát triển nhất toàn cầu. Phải hàng chục năm sau mới đến Hàn Quốc" - ông Thiên chia sẻ.
Về "thoát Ta", có thể hiểu nôm na như việc vượt qua chính giới hạn của bản thân. Bởi hàng chục năm nay, nền kinh tế Việt Nam, không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ - do quen nhập khẩu “đầu vào” từ Trung Quốc – vừa rẻ, vừa sẵn, lại “tiện đường”. Thế là có một nền công nghiệp “ăn sẵn”, thiếu hụt nền tảng, chỉ gia công, lắp ráp. Vì vậy, có bứt phá được hay không phụ thuộc vào chính bản thân Việt Nam.
Liệu ta có thoát được cái bẫy đó không? Rất khó. Nhưng phải khẳng định: tự ta cả thôi, tất cả tùy thuộc vào chính ta. Ta có thực sự muốn thoát lệ thuộc hay không, có dám chịu trả giá để có nền kinh tế tự chủ, tự cường – tất nhiên là tương đối – tất cả là do ta cả. Chả có “ông bạn vàng” nào sẵn lòng giúp ta việc đó. “Đã đến lúc ta phải “thoát Ta” rồi!. “Thoát ta” chứ không phải “thoát Trung” chính là như vậy.
TS Trần Đình Thiên nói thêm: Mạch logic “thoát Á”, “thoát Trung” đó dẫn tôi tới một luận điểm được coi là rất quan trọng về mặt phương pháp luận và chiến lược: không chỉ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc)… muốn phát triển đều phải “thoát Trung”. Ngay cả Trung Quốc, muốn phát triển được theo logic hiện đại, cũng phải “thoát Trung”.
Việc ông Đặng Tiểu Bình sang Mỹ, đội mũ cao bồi, mặc quần áo bò, tuyên bố từ bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đi theo kinh tế thị trường, chính là đọc lời tuyên ngôn đoạn tuyệt với nước Trung Hoa cũ. Chính nhờ đó, Trung Quốc trỗi dậy – một sự trỗi dậy phi thường, ghê gớm mà lịch sử loài người chưa từng thấy. Trung Quốc còn phải thoát khỏi chính Trung Quốc mới phát triển được, huống hồ Việt Nam.
Nền kinh tế phải bay lên bằng tất cả sức lực
Đại dịch có thể là cơ hội để nền kinh tế thay đổi, bước sang một trạng thái mới, với một thể trạng mới, tranh thủ cơ hội để thay đổi cấu trúc kinh tế. Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là Việt Nam nên tập trung giải ngân đầu tư công, bơm tiền ngân sách ra để cứu nền kinh tế qua các dự án đầu tư công và bắt buộc chi ngân sách ít đi. "Chúng ta đang thiếu nguồn lực vốn nhưng lại tồn đọng mấy trăm nghìn tỷ đồng tiền đầu tư công. Nếu ta giải ngân được, bơm được “dòng máu” này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xã hội và DN”- TS Thiên khẳng định.
Hoặc vấn đề FDI, phải thoát khỏi và thoát luôn phụ thuộc từ bên ngoài. Nhưng sẽ không thoát được phụ thuộc bên ngoài, nếu chúng ta không có công nghiệp hỗ trợ. Vậy bây giờ tự Việt Nam phải tạo ra công nghiệp hỗ trợ, và phải nhờ FDI giúp tạo được công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Muốn vậy phải thu hút các nhà đầu tư lớn, bằng cách chúng ta phải có năng lực tối thiểu, phải làm một môi trường thể chế công khai minh bạch. Hiện nay khả năng di chuyển đầu tư mạnh lắm, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đầu tư khác, và rất quyết liệt.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm, sức bật của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào khả năng "đứng dậy" của bộ phận DN. 96% số DN hiện tại là nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Cấu trúc kinh tế này, phải đặt vấn đề tạo ra hệ thống DN mới chứ không phải chỉ là phục hồi DN.
"Cứu DN ốm yếu không phải đổ nhiều sâm, sữa vào là họ khỏe. Đổ rất nhiều nhưng vẫn yếu và không đứng nổi thì cứu để làm gì? Vừa tốn kém và không hiệu quả. Hãy xem đây là cơ hội thay máu kinh tế. Chúng ta nên giành nguồn lực thỏa đáng cho bộ phận mang lại hiệu quả" - ông Thiên nhận xét. Đồng thời nói thêm, một phần nguồn lực cũng nên sử dụng để khuyến khích các DN khởi nghiệp, tạo ra một bộ phận DN mới. Việt Nam cần tập trung tạo cơ hội cứu cánh cho các DN thông qua các chính sách mới phù hợp, qua đà này, chúng ta cần "thay máu" tạo sức mạnh cho lực lượng DN mới.
Ở góc độ DN, một số DN thảo luận đồng tình, bên cạnh sự hỗ trợ, luôn cần tinh thần khởi nghiệp. Các DN nhỏ, có ưu thế về sự linh hoạt, theo kiểu truyền thống ông cha nói "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", nên tự tái cấu trúc lại, chuyển đổi và hồi phục dần. “Trước mắt cần chủ động sắp xếp bộ máy cơ cấu tổ chức DN hợp lý hơn, giảm chi phí phát sinh và phải cần chủ động về công nghệ. Trong tình trạng khó khăn rất cần sự nội lực, tinh thần khởi nghiệp chủ động và hành động, không chỉ ngồi chờ Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ” - Chủ tịch Tập đoàn Thời gian Vàng (Gold Time Group) Nguyễn Khắc Đồi bày tỏ.
Việt Nam phải xác định nạn dịch Covid-19 chính là cơ hội để cải cách. Thứ nhất, những trói buộc về thể chế lâu nay không thay đổi được, thì nay, trong “hoàn cảnh đặc biệt”, có thể làm được. Thứ hai, cấu trúc thương mại đầu tư phải thay đổi. Lâu nay nói đến công nghiệp 4.0, như là một cơ hội đuổi kịp thế giới.
Dịch Covid-19 rõ ràng cũng là một cơ hội thúc đẩy xu hướng CMCN-4.0. Muốn vậy, phải tính đến cải cách giáo dục theo một định hướng và nguyên lý khác. Bài toán cải cách giáo dục đặt ra ở Việt Nam mấy chục năm rồi, mà vẫn không làm được. Đây chính là cơ hội để làm, vì đòi hỏi mới đối với nguồn nhân lực. Hậu dịch theo nghĩa đứng dậy, có tầm nhìn xa hơn để bước vào một quỹ đạo phát triển khác. 
PGS.TS Trần Đình Thiên

Cần thiết phải thành lập một tổ đặc nhiệm giải thoát nền kinh tế, từ cấp Thủ tướng đến các cấp chính quyền địa phương. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển thông tin DN lên mạng, số hóa và thực hiện theo cơ chế một cửa. Việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Cho nên, Thủ tướng Chính phủ cần phải quyết liệt trong câu chuyện này. 

Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN Phạm Xuân Hòe

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần