Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/9, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị, tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn.

Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải được sản sinh ra đủ phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất.
Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 8 - 10%. Các sản phẩm nhựa và túi nilon đã trở nên phổ biến trong cuộc sống người dân, nhưng lại để lại những hậu quả không nhỏ đến môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh cùng Ban tổ chức.
Thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP Hà Nội về Công tác Phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP Hà Nội; báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị, tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn. Đây cũng là toạ đàm thứ 3 xoay quanh chủ đề rác thải nhựa do báo Kinh tế&Đô thị phối hợp tổ chức.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của:
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội

Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO)

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Lại Bá Hà - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, hôm nay, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm "Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách", nhằm đi vào những câu chuyện cụ thể liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

Tại Hà Nội, từ năm 2019, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng về chống rác thải nhựa, Hà Nội đã có nhiều chính sách, lộ trình thực hiện chương trình chống rác thải nhựa trên địa bàn TP. Cụ thể, tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức của người dân trong việc chống rác thải nhựa như: Không dùng chai nhựa tại các công sở, giảm túi nilon khi đi chợ, giảm bớt sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày, tiêu hủy rác thải nhựa...

Đối với báo Kinh tế & Đô thị, đã thường xuyên phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường trong công tác tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường, với nhiều cuộc tọa đàm và bài viết về vấn đề này.

"Mong rằng, tại buổi tọa đàm hôm nay, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý sẽ đưa ra được những tham vấn chính sách, cùng các cơ quan truyền thông, góp ý cùng với TP và Trung ương để có những giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác hại do sản phẩm nhựa gây ra cho môi trường.

Chúng tôi cũng mong nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu để nâng cao nhận thức của người dân trong tiếp nhận chính sách bảo vệ môi trường và thực hiện tốt hơn chính sách bảo vệ môi trường thông qua việc giảm rác thải nhựa..." - ông Lại Bá Hà nhấn mạnh.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 3

    nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội

    PGS.TS Bùi Thị An

  • Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 4

    Trưởng ban cố vấn, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội

    Bà Trịnh Thị Ngân

  • Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 5

    Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường.

    Ông Mai Trọng Thái

  • Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 6

    Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị (URENCO)

    Ông Phạm Cao Thắng

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Nguyễn Minh Anh (manhhhn@gmail.com) hỏi:
Hiện nay, nhiều DN đã thực hành quản lý và hạn chế rác thải nhựa, cung cấp cho người dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tuy nhiên hiệu quả đem lại chưa cao. Vậy từ phía chính quyền, cần phải có những chính sách, biện pháp cụ thể nào để DN đồng hành lâu dài cùng người dân, chính quyền?
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 7
Ông Mai Trọng Thái trả lời:
Để người dân thay đổi thói quen trong việc tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường giúp các DN phải đồng hành lâu dài cùng người dân và chính quyền, đồng thời tiếp tục triển khai Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP về “Phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Sở TN&MT Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp như:
Tăng cường thực hiện tuyên truyền trên Đài phát thanh và truyền hình các tọa đàm trực tuyến và các tiểu phẩm nhằm tuyên truyền về tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh; hướng dẫn một số biện pháp nhằm khắc phục hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa một lần trong sinh hoạt; phối hợp với Sở Công Thương giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giúp người dân nhận biết được các sản phẩm thân thiện từ đó thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần .
Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cộng đồng, tại danh mục các chương trình, dự án, đề án ưu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu đưa nội dung của Phong trào phòng chống rác thải nhựa và túi nilon vào nội dung sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng, buổi sinh hoạt khu dân cư.
Giao các Sở, Ban, Ngành của TP trong thời gian tới nghiên cứu thực hiện tổ chức lồng ghép trong các hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại để tuyên truyền, phổ biến tác hại của chất thải nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm nhựa, bao gói, túi xách thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy vào đề tài cấp TP có hỗ trợ về kinh phí (các sản phẩm này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định).
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa và túi nilon. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ các DN sản xuất các bao bì thân thiện với môi trường đặc biệt là DN chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường từ 2020. Xây dựng mạng lưới giới thiệu các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường;
Trong đó, đề xuất giải pháp tạo công ăn việc làm cho các đơn vị dừng hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất bao bì dùng từ nhựa sang sản phẩm túi thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí và cơ chế đánh giá cơ sở thương mại, dịch vụ thân thiện môi trường về thay thế sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần.
Xây dựng thử nghiệm chương trình đào tạo nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, không sử dụng vật liệu bao bì nhựa sử dụng một lần cho các cơ sở thương mại, dịch vụ và sản xuất trên địa bàn thành phố. Vận động, hướng dẫn và ký cam kết với tất các đơn vị sản xuất bao bì từ nhựa trong các cụm công nghiệp sang sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Tuy nhiên, để UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung tại Kế hoạch 232/KH-UBND ngày 25/10/2019, đặc biệt liên quan đến chính sách, giải pháp thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện việc ban hành cơ chế, chính sách đã được quy định cụ thể tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Bạn đọc Trương Bích Đào (Quận Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Theo ông/bà đã cần tới luật hóa nghĩa vụ của các DN trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải của các sản phẩm nhựa khó phân hủy mà DN sản xuất?
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 8
Bà Trịnh Thị Ngân trả lời:
Đối với các DN sản xuất trong lĩnh vực liên quan tới nhựa, sản phẩm dùng 1 lần thì việc luật hoá là rất cần thiết. Để nâng cao ý thức của người dân, DN nhận được mặt trái của các sản phẩm nhựa khó phân giải các nhà làm luật cần có chế tài cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách cần đồng bộ, có đánh giá về ảnh hưởng đối với DN sản xuất có sử dụng sản phẩm nhựa khó phân huỷ.
Bên cạnh đó, khâu giáo dục tuyên truyền cũng rất cần thiết, cần đẩy mạnh. Cần giáo dục trẻ em ngay từ trong trường học để hình thành thói quen không sử dụng các vật dụng làm từ nhựa khó phân huỷ.
Do vậy những DN thay đổi công nghệ cần có sự trợ giúp của nhà nước thông qua chính sách hoặc ưu đãi thuế. Hoặc nhà nước có thể đứng ra mua công nghệ về lĩnh vực này từ nước ngoài để áp dụng cho DN trong nước.
PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội: Đây là biện pháp rất cần thiết. Theo tôi, chúng ta cần luật hóa trong tất cả các khâu, các đối tượng.
Từ khâu nhập nhiên liệu là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Hải Quan... Đến khâu sản xuất, chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp và có đánh giá cụ thể để biết họ lợi như nào, thiệt như nào khi áp dụng các chính sách để từ đó chúng ta có những điều chỉnh cho phù hợp.
Với khâu lưu thông, phân phối và kinh doanh cũng cần phải luật hóa một cách rõ ràng.
Cho nên tôi rất đồng tình với quan điểm phải luật hóa, tuy nhiên tôi lưu ý, chúng ta đã đặt ra vấn đề thì phải thực hiện đến cùng và phải phân rõ trách nhiệm.
Bạn đọc Phạm Hương (Minh Khai, Hà Nội) hỏi:
Nhìn nhận cơ chế, chính sách là “1 trong 3” nhóm giải pháp lớn cần tích cực triển khai để giảm thiểu chất thải nhựa, vì vậy chúng ta phải có hệ thống cơ chế, chính sách; cụ thể hóa định hướng kinh tế tuần hoàn. Nhất là đồng bộ từ nỗ lực đến thu gom - phân loại – tái chế, tái sử dụng chất thải đến cơ chế chính sách khuyến khích những công nghệ “biến rác thải thành tài nguyên”. Vậy theo ông/bà làm thế nào để việc phân loại, tái chế, tái sử dụng đồng bộ từ người dân, hộ gia đình tới DN?
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 9
PGS.TS Bùi Thị An trả lời:
Hiện nay, các nhóm giải pháp đang được tích cực triển khai để giảm thiểu chất thải nhựa. Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của cơ quan quản lý và người được giao thực hiện phải làm quyết liệt, thường xuyên, đến cùng, mọi nơi mọi chỗ, mọi loại hình, thì mới giải quyết được vấn đề.

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường trả lời: Theo Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP, để đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, UBND TP giao cho các Sở, Ban, Ngành trong thời gian tới nghiên cứu việc đầu tư các điểm  thu gom chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy từ hoạt động sinh hoạt.
Từ đó, xây dựng mạng lưới các đơn vị thu gom, tái chế chất thải nhựa và  túi nilon khó phân hủy từ hoạt động sinh hoạt và kết nối với các hộ gia đình, tập thể cá nhân và các đơn vị tạo chu trình khép kín giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh; Đầu tư nhà máy thu hồi, tái chế chất thải nhựa theo chu trình tuần hoàn. Công tác thu gom là giai đoạn quyết định thành công, vì vậy phải  xây dựng từng lộ trình, kế hoạch cụ thể

Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội sẽ thực hiện các mô hình thí điểm thu gom, phân loại rác thải tại một số nơi công cộng, cụ thể:

- Tiếp tục phát huy hiệu quả từ kế hoạch 232/ KH-UBND sẽ tiến hành phân loại rác tại nguồn tại nơi công sở, nơi làm việc, phân loại rác hữu cơ để người thu gom có thể chủ động được.

- Thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác thải và tuyên truyền vận động hạn chế sử dụng  túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP cụ thể: Chùa Quán Sứ, Chùa Hà, Chùa  Hương; Phủ Tây Hồ; Văn Miếu Quốc Tử Giám.

- Thực hiện thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác tại nhà ga, bến xe trên địa bàn TP; đồng thời kêu gọi các đơn vị quản lý nhà ga, bến xe ký cam kết không sử dụng  túi nilon và đồ nhựa sử dụng một lần trên xe khách, tàu.

Tôi cho rằng, khi chúng ta làm được với những lộ trình đưa ra như vậy, từ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, đặc biệt là khâu tái chế, thì khi đó chúng ra sẽ có bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề này. Hi vọng việc phân loại rác thải sẽ đạt được những hiệu quả tích cực hơn, từ đó sẽ có những chính sách phù hợp, trong đó nâng cao ý thức cộng đồng để người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, việc xây dựng cơ thế chính sách sẽ góp phần đưa ra những giải pháp công nghệ phù hợp để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi truờng.

Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm, đó là rác thải làng nghề là một trong những đối tượng cần được nâng cao,quản lý tập trung xử lý chất thải, khí thải.

Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị (URENCO): Đây là bài toán đồng bộ tiến tới xây dựng thành công xền kinh tế tuần hoàn mà mỗi Quốc gia đều đang hướng tới. Tuy nhiên để bài toán này được giải quyết hiệu quả thì tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của mỗi địa phương cần xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn phù hợp từ thấp đến cao: Ngăn chặn việc phát sinh chất thải; tiếp theo là tái sử dụng và tái chế chất thải; cuối cùng, nếu không thể tái chế, phải xử lý chất thải theo cách ít tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng nhất. 

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả cần các giải pháp tổng thể, tuy nhiên với góc độ là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ VSMT chúng tôi thiết nghĩ: ngoài việc chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền, sự tham gia vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực từ phía người dân thì:

Việc phân loại rác phải phù hợp với công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương. Ví dụ, năm 2008, dự án JICA phân loại rác thành 3 loại tái chế, hữu cơ và vô cơ… theo công nghệ xử lý rác của Hà Nội ngày đó là chôn lấp tại bãi Nam Sơn và Nhà máy xử lý phân vi sinh tại Cầu Diễn, hiện nay, TP sắp hoàn thành Nhà máy đốt rác phát điện tại Nam Sơn công suất 4.000 tấn/ ngày. Việc phân loại sẽ được chia thành 3 loại tái chế, đốt được và không đốt được.

Các chính sách hỗ trợ về thuế xuất, mặt bằng, trợ giá đối với các hoạt động xử lý rác tái chế mà thị trường không thể điều tiết được… Sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động phân loại – thu gom – tái chế - tái sử dụng rác hiệu quả. 

Bạn đọc Ngô Bảo Ly (Quận Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận sẽ sẵn sàng nhập nguyên liệu tái chế từ nước ngoài, đây là vật liệu độc hại từ các nước đổ sang Việt Nam với giá rẻ. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, cần phải có chính sách tăng thuế với sản phẩm nhựa, qua đó nâng cao giá thành đối với túi nhựa và cấm nhập vật liệu này. Ông/ bà đánh giá như thế nào xoay quanh vấn đề này?

Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 10
Bà Trịnh Thị Ngân trả lời:
Tôi cho là hoàn toàn chính xác. Trước đây có DN nhập chất thải nhựa về tái chế, sản xuất nhưng điều này rất độc hại cho môi trường. Do đó quản lý thị trường cần kiểm tra, giám sát các DN tiêu dùng bởi sử dụng những tùi ni lon dạng này.
Bộ TN&MT cần có chế tài cấm nhập khẩu các dạng túi ni lon như vậy.

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường trả lời:  Theo Quy định tại khoản 2 Điều 55 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu được sửa đổi, bổ sung tại khoản 28 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường quy định Tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu đáp ứng các yêu cầu sau đây được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất:

- Đáp ứng các yêu cầu và trách nhiệm về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường;

- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với các dự án đã đi vào vận hành.

Đối với dự án mới xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 16b và Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

- Có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.

Những loại phế liệu được phép nhập khẩu phải nằm trong danh mục phế liệu quy định tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Như vậy, đối với các Tổ chức, cá nhân phải nhập khẩu phế liệu là nhựa đều phải nằm trong danh mục tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chinh phủ và Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.

Theo tôi giải pháp chính sách tăng thuế chỉ là một phần nhưng giải pháp hữu hiệu là cấm nhập khẩu các nguyên liệu tái chế từ nước ngoài mà tập trung đẩy mạnh công nghệ tái chế chất thải nhựa trong nước làm nguyên liệu tái chế sản xuất trong nước nhằm giảm lượng phát sinh chất thải nhựa, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Hà NộiTrên báo chí đã phản ánh, những năm qua, có những lúc chúng ta tồn đọng cả nghìn container phế liệu, phế thải "vô chủ" tại các cảng. Vì sao lại như vậy?

Theo tôi, nguyên nhân do chính sách của nước ngoài muốn "tuồn" các phế liệu, phế thải này ra các nước khác, thậm chí đẩy đi với giá "0 đồng", bên nhập về có khi còn được tiền. Vì lợi ích trước mắt, nhiều người cam tâm nhập những thùng phế thải đó về Việt Nam. Không chỉ nhựa, còn nhiều chất thải rất nguy hại trong số đó.

Cho nên theo tôi đầu tiên vẫn là chính sách, Chính phủ phải cấm nhập tuyệt đối các chất thải gây độc hại cho sức khỏe người dân Việt Nam, kể cả để tái chế. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt, quyết đoán của Chính phủ và hành động đồng bộ của các cơ quan thực thi.

Tiếp đó, đến các quy trình, công nghệ tái chế, chúng ta phải kiểm soát được vấn đề này. Doanh nghiệp nào không đủ điều kiện, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm thì phải cấm luôn.

Tiếp nữa là vấn đề kinh doanh, trong khâu này quản lý thị trường của ngành Công Thương có vai trò lớn.

Như vậy tôi cho rằng vấn đề ở đây là đồng bộ, là vấn đề chính sách. Chứ để dồn đến cho người tiêu dùng thì rất dễ.

Bạn đọc Hoàng Minh Tuấn (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Thời gian gần đây, một số đơn vị thu gom rác thay vì thu gom, xử lý tại các địa điểm theo quy định, họ đã chọn giải pháp đốt rác tại chỗ, trong đó có rác thải nhựa, ông/bà đánh giá thế nào về hành động này? Đối với hành vi đốt rác, trong đó có rác thải nhựa, các văn bản pháp luật đã có quy định nào để xử lý hay chưa?. Theo ông/bà mức xử phạt hiện nay, đối với cá nhân và công ty thu gom rác có đủ sức răn đe?
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 11
Bà Trịnh Thị Ngân trả lời:
Về đốt rác thải có một số làng nghề như ở Phúc Thọ (Hà Nội) tận dụng để làm tái chế, không biết huyện có kiểm tra xem có đảm bảo vệ sinh môi trường không?
Ở trong cụm dân cư tình trạng này cũng không phải là hiếm tuy nhiên cũng chỉ ở quy mô nhỏ.
 Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội trả lời câu hỏi.
Phải nói rác thải nhựa khi đốt lên rất là độc, do đó công ty môi trường cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, đặc biệt là trong các cụm dân cư.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường: Hành động một số đơn vị thu gom rác tại chỗ trong đó có rác thải nhựa mà chọn giải pháp đốt sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và vi phạm quy định trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý.
Nguyên nhân một số đơn vị chưa đủ để thu gom chuyển về đơn vị tập trung, theo tôi, mức xử phạt hiện nay đối với cá nhân và Công ty thu gom rác chưa đủ sức răn đe, cụ thể:
Theo khoản 9 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo về môi trường quy định: Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt”. Mức thấp nhất là “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000kg” và cao nhất là “Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 100.000 kg trở lên”.
Ngoài ra, theo khoản 10 Điều 20: Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% số tiền phạt so với mức phạt tiền tương ứng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này trong trường hợp gây ô nhiễm môi trường hoặc có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường xung quanh. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng.
Tuy nhiên, chưa giải quyết triệt để, trong thời gian tới, chính những nội dung này Bộ TN&MT tiếp thu và chỉnh sửa,  Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các sở, tham mưu UBND TP để đưa ra những chính sách thiết thực, có hiệu lực, hiểu quả hơn, đặc biệt phải nâng cao ý thức của người dân.
Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị (URENCO): Có thể khẳng định, việc đốt rác tại chỗ là hành vi vi phạm pháp luật về giữ gìn vệ sinh, gây ảnh hưởng đến môi trường công cộng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của mọi người xung quanh. Tình trạng đốt rác thải sinh hoạt là một trong những tác nhân làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí, bên cạnh nguồn khí thải từ việc đốt các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và hoạt động giao thông. Đáng chú ý, hành động đốt rác này phần lớn diễn ra ở khu vực nông thôn và chưa được kiểm soát triệt để.
Quy định về xử phạt: Người có hành vi đốt rác tại khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1 - 2 triệu. Tuy nhiên, với mức xử phạt này đối với các tổ chức, cá nhân vẫn chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa việc thực thi xử lý các vi phạm chưa triệt để khiến cho tình trạng này vẫn tiếp diễn. 

PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội: Các hoạt động đốt rác ngoài trời phát sinh nhiều chất ô nhiễm độc hại như dioxin, cyanide, phenol… ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Liên quan đến sức khỏe người dân thì không có gì cân đong đo đếm được, nên cần phải có những chế tài, các mức phạt nặng hơn để răn đe.

Bạn đọc Trịnh Vân (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi:
Ông đánh giá thế nào về công tác phân loại rác mà đơn vị đang thực hiện trong thời gian qua?         
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 13
Ông Phạm Cao Thắng trả lời:
Ông Phạm Cao Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị (URENCO) trả lời câu hỏi độc giả.
Chương trình phân loại rác thải tại nguồn, đổi rác lấy quà tặng là chương trình mà URENCO đang phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện từ khoảng 1 tháng trở lại đây, đến nay lượng rác thải nhựa thu được ở các điểm tại các phường khoảng 600kg - đây là lượng rác rất ít, chỉ chiếm khoảng 1 - 2% lượng rác phát sinh.
Rút kinh nghiệm từ các chương trình khác (luôn rơi vào thế bị động, chính quyền ít quan tâm), URENCO khởi động lại chương trình này với sự tham gia của DN, đồng thời tham mưu cho quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành nghị quyết, kế hoạch phân loại rác để công tác phân loại rác tại nguồn đem lại hiệu quả thiết thực.
Bạn đọc Dương Kiều My (duongthuyhn@gmail.com) hỏi:
Được biết, Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay thực tế giá bán 1kg túi nilon trên thị trường chỉ khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg thấp hơn so với mức thuế môi trường quy định. Theo ông/bà, đây có phải là lý do mà người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng túi nilon vì giá rẻ?
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 15
PGS.TS Bùi Thị An trả lời:
Theo cá nhân tôi đánh giá, để nói mức thuế trên thấp hay cao thì rất khó, vì nó liên quan đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó, ở đây quan trọng nhất là vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng, người dân. Tuy nhiên, có một thực tế, các mức trên vẫn chưa đủ sức răn đe, hạn chế các công ty sản xuất các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường trả lời: Theo cá nhân tôi, lý do người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng túi nilon chủ yếu là do các nguyên nhân sau:
- Sự tiện lợi của túi nilon khó phân hủy khi sử dụng, khi đi chợ không phải mang túi theo.
- Đối với giá thành của túi nilon rẻ cũng là một trong các nguyên nhân làm cho người tiêu dùng khó thay đổi thói quen sử dụng túi nilon trong sinh hoạt.
Ngoài ra, các sản phẩm thân thiện với môi trường còn chưa được bán phổ biến tại các cửa hàng tiện lợi và các sản phẩm này cần công nhận chất lượng đạt chuẩn của cấp có thẩm quyền cấp phép, đẩy mạnh việc tuyên truyền và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và bắt buộc các Trung tâm, siêu thị, cửa hàng nói không với việc sử dụng túi nilon trong việc đựng hàng hóa.
Tuy nhiên, tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nilon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nilon.
Bạn đọc Nguyễn Văn Linh (Quận Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Theo bà, những chính sách mà TP Hà Nội đưa ra đã hữu hiệu, cụ thể, đem lại kết quả như thế nào trong vấn đề phòng, chống chất thải nhựa trên địa bàn TP?
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 16
PGS.TS Bùi Thị An trả lời:
Theo kế hoạch số 232/KH-UBND, về triển khai phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP Hà Nội, 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ cuối năm 2019.
Cá nhân tôi đánh giá, từ đó đến nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội trong các cuộc họp tại các đơn vị đều không sử dụng chai nhựa dùng 1 lần. Từ một việc rất nhỏ như vậy nhưng thể hiện được hiệu quả hoạt động điều hành của TP Hà Nội. Hành động phải xuất phát từ chính các cơ quan, đơn vị của TP.
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Hà Nội trả lời câu hỏi của độc giả.
Bên cạnh đó, ý thức người dân đã được nâng cao. Như tôi quan sát, người dân khi đi chợ đã chủ động mang theo đồ đựng để tránh sử dụng túi nilon tại chợ.
Ngoài ra, thời gian qua Sở TN&MT Hà Nội đã thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn TP năm học 2019 - 2020. Tôi đánh giá chương trình rất hiệu quả và cần duy trì, nhân rộng.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đầu tiên, do thói quen của người dân khó thay đổi trong một thời gian ngắn; Nhà nước cần có chính sách tăng thuế với các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa, TP cần có chính sách khuyến khích các đơn vị giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa. Ngoài ra, một số địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt.
Với các doanh nghiệp, Nhà nước nên có những đánh giá tác động về phía doanh nghiệp, họ bị ảnh hưởng như thế nào khi chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; bên cạnh đó, phải có sự lựa chọn thay thế cho người tiêu dùng để giảm thiểu sử dụng túi nilon.
Bạn đọc Phạm Thanh Tiên (Quận Ba Đình, Hà Nội) hỏi:

Bà có thể cho biết, vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách mà Nhà nước đặt ra đối với vấn đề phòng, chống rác thải nhựa?

Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 18
Bà Trịnh Thị Ngân trả lời:
Về vai trò của DN trong việc thực hiện chính sách giảm chất thải nhựa, yếu tố sản xuất chiếm tới 50%. Ví dụ như lĩnh vực may và da giày có tới 90% chất thải là nilon. Bởi vậy, việc thay đổi quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm không hề đơn giản.
Đối với sản phẩm nhập khẩu, để thay thế phần đóng gói, bao bì, vận chuyển cần có sự trợ giúp từ chính sách cho việc thay đổi công nghệ.  
Đối với cơ quan quản lý, cần cho phép DN đổi mới bao bì khi vay ngân hàng không lãi suất, siêu thị dùng túi thân thiện môi trường được giảm thuế thu nhập DN. Đây cũng là một trong những hành động phù hợp với việc hỗ trợ công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển.
Tôi cũng có đề xuất các đơn vị kinh doanh ăn uống không được sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, cần phạt nặng nếu để diễn ra tình trạng này. Có thể sử dụng cốc, túi bằng giấy, DN nào sử dụng có thể được ưu đãi về thuế để bù cho sản phẩm này so với nhựa.
Bên cạnh đó cũng cần giám sát hàng hóa nhập khẩu, không cho phép các sản phẩm có sử dụng túi nilon. Đây cũng là hành động cần thiết để hạn chế chất thải nhựa.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Anh (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:
Thưa ông, thời gian qua, Chính phủ và Bộ TN&MT, TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và những chương trình hành động cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Vậy, xin ông/bà cho biết, những chính sách mà TP đưa ra đã hữu hiệu, cụ thể và đem lại kết quả như thế nào trong vấn đề phòng, chống chất thải nhựa trên địa bàn TP?
Tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách” - Ảnh 19
Ông Mai Trọng Thái trả lời:
Ngày 25/10/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về “Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Tại Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP đã quy định, đạt được những kết quả cụ thể như: Toàn bộ, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trực thuộc UBND TP không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong quá trình hoạt động tại công sở, tổ chức họp, hội nghị, hội thảo,... từ tháng 11/2019. Nội dung này được các Sở ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện và Sở Tài chính không bố trí và duyệt nguồn vốn ngân sách cho việc mua chai nước nhựa phục vụ tại cuộc họp, hội thảo.
* Để triển khai Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức đến người dân trong phong trào chống rác thải nhựa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với:
- Phối hợp với Sở Công Thương kêu gọi các siêu thị, cửa hàng cam kết không sử dụng bao bì túi nilon, chuyển dần sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
 Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường trả lời câu hỏi của độc giả.
- Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và một số chuyên gia tổ chức tuyên truyền cho các hội viên hội phụ nữ thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP về tác hại của rác thải nhựa nhằm thay đổi thói quen và giảm thiểu sử dụng  túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần. Đồng thời để khuyến khích hội viên hội phụ nữ tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng túi nilon khó phân hủy trong hoạt động sinh hoạt thường ngày đã giới thiệu túi thân thiện môi trường có thể sử dụng nhiều lần và dễ phân hủy cho hội viên hội phụ nữ thuộc các quận, huyện, thị xã.
- Để không bị lãng phí tài nguyên và góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, các Sở TN&MT, GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công ty CP Tetra Pak Việt Nam, Công ty CP Lagom Việt Nam cùng một số đơn vị tái chế tại Việt Nam đã triển khai chương trình thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2019. Đến nay, đã có 19/30 quận, huyện, thị xã đăng ký tham gia chương trình và duy trì thu gom vỏ hộp sữa tại 803 trường học. Đặc biệt, chương trình đã huy động được sự tham gia và tác động đến 30.000 giáo viên, hơn 500.000 học sinh mầm non, tiểu học.
Tổng khối lượng vỏ hộp sữa thu gom được tại các trường học tham gia chương trình đến tháng 7/2020 là 244.061kg, tương đương khoảng 25 triệu vỏ hộp. Từ đó, chương trình đã tái chế và góp phần giảm thiểu được trên 244 tấn rác thải vào bãi chôn lấp tập trung của TP Hà Nội. Ngoài ra, các nhà trường tham gia chương trình cũng giảm được phí rác thải sinh hoạt hàng tháng. Lượng khí thải CO2 từ việc thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giảm hơn 2.711 tấn từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020.
Lượng thu gom đạt 83%, còn khó khăn trong việc quá trình vận chuyện, thu gom. Thời gian tới, Sở TN&MT đề xuất TP hỗ trợ cùng với các Sở ban ngành để việc thu gom đạt 100%.
- Phối hợp với các chuyên gia thực hiện tuyên truyền thí điểm tại 5 trường tiểu học: Thanh Xuân Trung, Hạ Đình, Phương Liệt thuộc địa bàn quận Thanh Xuân; trường tiểu học: Phú Đô, Phú Diễn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm để thực hiện tuyên truyền tới các em học sinh về tác hại của rác thải nhựa và nhằm thay đổi thói quen và giảm thiểu sử dụng  túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần. Nhằm khuyến khích các em hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần, đã giới thiệu bộ ống hút inox có thể sử dụng nhiều lần tới các em học sinh.
* Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Tại Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về cơ bản các nội dung tại kế hoạch triển khai thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tường Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg nêu trên. Tiếp tuc tham mưu TP để phong trào phòng, chống rác thải nhựa đạt kết quả tốt nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần