Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/10, Báo Kinh tế&Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn.

Theo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tại Việt Nam sẽ giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt…

Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp. Bởi vậy, Việt Nam rất cần áp dụng công nghệ xử lý rác vừa thân thiện môi trường vừa tạo sản phẩm hữu ích. Điều này không chỉ đặt lên vài trách nhiệm của những nhà quản lý mà cả các doanh nghiệp, đó là phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường hoặc tạo ra sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy.
 Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Lại Bá Hà tặng hoa các khách mời tham gia buổi tọa đàm
Thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP Hà Nội về Công tác Phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn; Báo Kinh tế&Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn. Đây cũng là toạ đàm thứ 4 xoay quanh chủ đề rác thải nhựa do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức.

Tham dự buổi Tọa đàm có:
Bà Nguyễn Thị Hưởng- Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội
Bà Lại Hà Phương – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông

Bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG (BRG Retail), thuộc Tập đoàn BRG. 

Ông Đỗ Thanh Bái – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các DN hóa chất Việt Nam (VRCC).
KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 2

    Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các DN hóa chất Việt Nam (VRCC).

    Ông Đỗ Thanh Bái

  • Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 3

    Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội

    Bà Nguyễn Thị Hưởng

  • Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 4

    Phó Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG (BRG Retail), thuộc Tập đoàn BRG.

    Bà Nguyễn Thùy Dương

  • Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 5

    Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông

    Bà Lại Hà Phương

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Nguyễn Vinh (Quận Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Bà có thể đề xuất một số giải pháp “gỡ nút thắt” cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường hiệu quả?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 6
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Để giải pháp đưa ra khả thi, đề nghị Bộ TN&MT sớm hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa).
Xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng; tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa để UBND TP xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các bao bì thân thiện với môi trường đặc biệt là doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường;
- Nghiên cứu xây dựng tiêu chí và cơ chế đánh giá cơ sở thương mại, dịch vụ thân thiện môi trường về thay thế sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần;
- Sở Công thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập chuỗi liên minh liên kết giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần (cốc nhựa, ống hút,...), túi nilon khó phân hủy, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu,..., hóa chất trong sản xuất nông nghiệp,...
- Tổ chức đào tạo, tập huấn tuyên truyền các sản phẩm trên các kênh truyền hình, báo chí để người tiêu dùng biết và sử dụng các cơ sở thương mại, đơn vị sản xuất trên địa bàn TP.
- Thiết lập điểm thu gom tập trung chất thải nhựa tái chế để đưa về nhà máy xử lý tái chế chất thải nhựa. Thực hiện thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch theo đúng quy định,...
- Tiếp tục vận động các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch.... trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni-lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện mô hình thí điểm tại các địa điểm như danh lam, thắng cảnh, nhà chùa, bến xe, nhà ga, tại đó sẽ đặt những thùng rác có 3 ngăn để phân loại rác vô vơ, hữu cơ, rải thác nhựa tái chế.
Sau khi Bộ TN&MT có chính sách, cơ chế, chúng tôi sẽ tham mưu UBND TP, sao cho thu gom thành một chuỗi liên kết. Vừa qua, Công ty Urenco 10 đã đầu tư 1 dây chuyền phân loại, tái chế chất thải nhựa. Tuy nhiên chỉ mình URENCO tham gia thì không hiệu quả. Cần có sự tham gia của tất cả doanh nghiệp thu gom. trên cơ sở đó, cần đề ra cơ chế xử phạt, thứ nhất đối với nhà thu gom, thứ 2 đối với những hộ gia đình ko phân loại cũng đưa ra xử phạt.
Ông Đỗ Thanh Bái: Không thể có một giải pháp đơn lẻ mà cần song song, từ phía siêu thị và cả người tiêu dùng.
Vấn đề về mặt chính sách, nếu chỉ trên bàn giấy thì khó khả thi. Chúng ta không thể bỏ vật liệu bằng nhựa, thì câu chuyển ở đây là cần khuyến khích 3R như thế nào, trong đó có trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối, cơ quan môi trường, trong đó các bên cần thống nhất với nhau.
Về khía cạnh người tiêu dùng, họ không hiểu, họ chỉ cần biết cái nào thuận tiện và rẻ tiền, vậy cần tuyên truyền từ các hội, từ các đơn vị thu gom. Họ phải được đào tạo huấn luyện, khi phân loại rác không đúng, thì nhắc nhở như thế nào, phạt như thế nào.
Ngoài ra, cũng phải chỉ cho người dân hiểu quá trình phân loại, trong đó cần 1 hệ thống bắt nguồn từ người tiêu dùng, đến trung gian thu gom và cuối cùng là tái chế. Trong đó, có hệ thống kiểm soát từ cơ quan môi trường, các cơ quan quản lý, Sở Xây dựng... để có thông tin cho người dân.
Trước mắt nếu chúng ta chưa làm được ở cả TP thì cần thí điểm từ 1 phường hay 1 quận, và cần chứng minh với người tiêu dùng là làm như vậy sẽ mang lại lợi ích nào cho sức khỏe của người dân.
Bà Lại Hà Phương: Đúng như các diễn giả có ý kiến, phải có biện pháp đồng bộ, các cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ từ tầm vĩ mô đến cơ sở có như vậy mới có hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện đơn lẻ sẽ không thể giải quyết được triệt để vấn nạn rác thải nhựa, gây tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu. Vấn đề tôi thấy là, hiện nay nhiều nơi đã có việc phân loại rác từ đầu nguồn nhưng công tác thu gom, xử lý nếu không đồng bộ thì không có kết quả, có làm cũng bằng không.
Bạn đọc Bá Trường (Láng Hạ, HN) hỏi:
Xin ông/bà đưa ra các giải pháp và khuyến nghị về chống rác thải nhựa?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 7
Bà Nguyễn Thùy Dương trả lời:
BRG có hàng nghìn nhân viên và hàng ngày đang phục vụ hàng triệu khách hàng nên chúng tôi nhận thấy vai trò của chúng tôi rất lớn trong chiến lược phát triển doanh nghiệp xanh, thay đổi hành vi và lối sống của nhân viên và khách hàng. Chúng tôi sẵn sàng tham gia cùng các doanh nghiệp đang triển khai các dự án thân thiện môi trường.
Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng TP, tự nguyện là doanh nghiệp thí điểm xây dựng các điểm bán xanh, cũng như xây dựng và thực hiện các chính sách và chủ trương của TP Hà Nội về các sản phẩm thân thiện môi trường, nếu TP đề nghị.
Bạn đọc Kiều Thị Lan Hương (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
Với góc độ là một người công tác trong lĩnh vực sát với cơ sở, người dân, chị em phụ nữ, những người trực tiếp sử dụng túi nilon, bà cho biết quận Hà Đông đã có mô hình môi trường thân thiện nào, để nhân rộng bà có đề xuất gì?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 8
Bà Lại Hà Phương trả lời:
Đối với Hội LHPN quận Hà Đông ngoài mô hình "3 nhớ", còn phát động thùng rác thân thiện, thùng rác từ thiện nhằm thu gom những loại rác có thể tái chế. Nguồn thu từ rác tái chế được chúng tôi sử dụng mua những sản phẩm thân thiện môi trường như chai thủy tinh, túi vải đi chợ để tặng các hội viên.
Ngoài ra, Hội còn sử dụng các đồ nhựa tái để tạo không gian xanh, trồng cây hoa cảnh ở ban công, cầu thang công sở, khu điểm công cộng. Tạo các đồ chơi tặng các cháu trường mầm non. Xóa điểm chân rác làm vườn hoa sân chơi…
Qua các hoạt động thiết thực như thế người dân đã không ngại chung tay với các hội viên trong các hoạt động ý nghĩa bảo vệ môi trường. Đặc biệt, giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ bảo vệ môi trường và tạo ý thức tiết kiệm cho các cháu.
Để nhân rộng các mô hình hay trong công tác bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cần có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính trong quá trình sản xuất đầu tư. Hỗ trợ một phần kinh phí khuyến khích doanh nghiệp tham gia với các địa phương để thành lập các mô hình phù hợp với từng địa bàn.
Có những cuộc phát động nhằm huy động những người trẻ, doanh nghiệp nghiên cứu có những sản phẩm tái chế thân thiện môi trường.
Về phía người tiêu dùng, cần tập trung công tác tuyên truyền, phải coi tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân là sự sống còn trong việc đảm bảo sức khỏe cho người dân của địa phương đó.
Ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các DN hóa chất Việt Nam (VRCC):
Tôi thấy ở nước ngoài làm đơn giản hơn mình, ví như khi mua bia uống hết người dân chỉ cần thả vào các thùng của siêu thi để lấy lại tiền đặt cọc. Điều này cũng tương tự như giáy báo hay các vật liệu khác.
Tôi rất ủng hộ ý kiến chị Lại Hà Phương khi thành lập thùng rác "3 nhớ", nhưng tôi thấy chúng ta phải có hệ thống hỗ trợ người dùng làm điều này, trong đó cần thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa người bán và người dùng.
Vậy làm thế nào để khuyến khích người dùng, chúng ta phải giúp người dân nắm rõ tác hại của chất thải nhựa với môi trường hay sức khỏe con người. Người dân có thể không biết tác động của rác thải nhựa với môi trường, nhưng người dân rất quan tâm tới tác động sức khỏe, thì cần người bán hàng để giải thích cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần quy định các mức độ trên nhãn sản phẩm nêu rõ tác hại và tác động của vật liệu nhựa đối với môi trường.
Ví dụ khi người tiêu dùng đến siêu thị mua chai nhựa thì người bán có thể khuyên nên dùng sản phẩm nào, tại sao túi này hơn túi kia. Do đó, công tác đào tạo cần bắt nguồn từ người tạo ra sản phẩm, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia.
Tôi đã đi thăm nhiều cơ sở tái chế tại Hà Nội, chúng ta chỉ đo độ bụi, nhưng khi ép nhựa, có nhiều hóa chất phát ra và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người công nhân trực tiếp và cộng đồng sinh sống xung quanh. Những tác động này không thấy ngay mà tiềm ẩn và sẽ phát tác sau nhiều năm. Đã có nhiều trường hợp tại Trung Quốc nhiều người dân tại các làng nghề bị ung thư hay các bệnh về nội tạng.
Các cơ quan quản lý cần nâng cao ý thức cho người dân, các kênh truyền hình, báo chí, kênh phân phối, trường học đều quan trọng. Nhưng để truyền tải cho học sinh, người dùng thì chúng ta không thể sử dụng từ ngữ khoa học mà bằng hình ảnh dễ hiểu dễ nhớ. Để làm điều đó thì cần hệ thống, từ Bộ Khoa học và Công nghệ, tới Bộ Công Thương và liên kết để làm việc này.
Nhưng tất cả những điều trên chỉ mới là lý thuyết, người tiêu dùng sẽ đặt câu hỏi cần bỏ bao nhiêu tiền, thì cần phân tích chi phí lợi ích rõ ràng. Trong chuyện này các cơ quan quản lý chuyên ngành, người làm môi trường… để tạo ra nguồn thông tin ngắn gọn dễ hiểu cho người dùng cuối cùng, bao gồm người mua hàng và học sinh.
Nhưng điều này sẽ chỉ khả thi ở đô thị, còn vùng xa xôi thì còn khá nhiều thách thức và sẽ mất một thời gian nhất định. Nhưng chúng ta phải có điểm sáng, ví như ở Hà Nội hay cụ thể là quận Hoàn Kiếm với 3R để có thể nhân rộng.
Quan trọng là khôn được làm nửa vời, ví như người dân phân loại rác ở chung cư 3 - 4 loại nhưng rồi tất cả lại vào 1 xe rác.
Về tiết giảm người dùng có thể làm, nhưng các trách nhiệm khác thì cần sự chung sức của các bên. Chúng ta cần một hệ thống tốt để đảm bảo cách làm bền vững, hiệu quả, trong đó có cây gậy và củ cà rốt, khuyến khích cả người sản xuất và người sử dụng, từ cơ quan chức năng kiểm soát người sản xuất, và phía người bán nâng cao ý thức người tiêu dùng.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hòa (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:
Là doanh nghiệp đưa các sản phẩm thân thiện vào kệ hàng, theo bà việc thay đổi nhận thức của người dân đối với việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường có phải do giá thành cao hay do họ chưa tin việc sử dụng sản phẩm?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 9
Bà Nguyễn Thùy Dương trả lời:
Theo tôi, sản phẩm nhựa đã được sử dụng khá lâu trên thị trường và không thể phủ nhận vai trò của sản phẩm nhựa là bao bì đóng gói vì nó vẫn là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Các sản phẩm thân thiện môi trường cần có lộ trình thay thế sản phẩm nhựa, bản thân sản phẩm nhựa được phân loại tốt thì nó sẽ được tái sử dụng tốt.
Tôi cho rằng điều này nên được thực hiện song song cùng lúc, một mặt ưu tiên sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường và hai là tái sử dụng các sản phẩm nhựa vì không thể thay thế ngay trước mắt.
Bà Nguyễn Thùy Dương tại buổi tọa đàm
Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp đang góp phần cho việc định hướng nhu cầu tiêu dùng. Ví dụ khi sử dụng đồ uống tại Starbuck, tôi sẽ định vị đây là doanh nghiệp đóng góp vào việc nâng cao nhận thức và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường chứ không phải là một quán cafe bình thường. Với các doanh nghiệp nhất là trong ngành ăn uống, họ tiên phong sử dụng các sản phẩm thân thiện chính là góp phần định vị hình ảnh của họ đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Bạn đọc Phí Thị Thu (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Ông (bà) nhận định thế nào về những sản phẩm thân thiện môi trường hiện nay đang thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần, ví như túi đựng, ống hút, cốc uống nước,…?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 11
Bà Lại Hà Phương trả lời:
Về các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần hiện nay được bày bán trên thị trường đang từng bước có tác động đến ý thức, làm chuyển biến hành động của người dân trong việc dùng các sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần. Đối với Hội LHPN quận Hà Đông, đang tích cực tuyên truyền đến các hội viên và người dân trên địa bàn sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Đánh giá về chất lượng của các sản phẩm thân thiện môi trường hiện nay, theo tôi phải là các cơ quan chuyên môn. Dưới góc độ người tiêu dùng, quá trình sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường hiện nay chỉ căn cứ vào những sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, được bán tại các cửa hàng có uy tín. Để các sản phẩm này được sử dụng nhiều hơn, công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn về nguồn gốc, chất lượng của những sản phẩm này để từ đó người dân yên tâm sử dụng.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội:  Trước những lo ngại về sự gia tăng của đồ nhựa dùng một lần, những sáng chế vì môi trường ra đời đang được người tiêu dùng hưởng ứng. Hàng loạt các sản phẩm tiện ích thân thiện với môi trường, như: Ống hút Inox, bình thủy tinh, bình Inox, ống hút tre, ống hút gạo, ống hút tự hủy, ống hút sậy, ly giấy, hộp xốp bằng bã mía hay các sản phẩm có thể tự phân hủy… đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Hiện nay, tại nhiều nhà hàng, quán cafe sử dụng các sản phẩm ống hút bằng giấy mía thay vì sử dụng ống hút nhựa như trước. Theo đó, tại nhiều các siêu thị sử dụng lá chuối bọc sản phẩm tươi sống thay vì túi nilon thay vì những túi nilong như trước đây.

Một số quán cafe trên địa bàn TP Hà Nội còn trưng bày và bán các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút inox, túi vải, túi giấy,…Việc xuất hiện nhiều sản phẩm tiện ích thân thiện với môi trường là một bước tiến tốt, thể hiện sự quan tâm và thay đổi thói quen trong sản xuất lẫn tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Người dân ngày càng ý thức được việc cấp thiết phải bảo vệ môi trường sống nên việc sử dụng các sản phẩm môi trường trong thời gian gần đây đang có chiều hướng tăng mạnh. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”.

Tuy nhiên, cần phải có cơ chế, chính sách và các giải pháp để kiểm soát chất lượng của các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế các sản phẩm nhựa dùng 1 lần túi nilông khó phân hủy nêu trên, phải có cơ quan tổ chức cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm theo quy định.

Hiện nay, chưa có cơ quan tổ chức chứng nhận theo thẩm quyền, sắp tới Bộ Y tế sẽ vào cuộc ban hành các tiêu chuẩn chất lượng về vệ sinh đối với sản phẩm nhựa tái chế, bao bì đựng thức ăn. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần đưa ra các nguyên liệu làm bao bì, không dùng các sản phẩm liên quan đến nhựa.

Vừa qua, Bộ TN&MT đã công bố một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi nilon được chứng nhận, người dân có thể vào trang web của Bộ để biết thêm thông tin. Tuy nhiên, các sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần cần được kiểm định chất lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng. Từ đó mới tạo được sự lan toả trong cộng đồng.

Ngoài việc tuyên tuyền, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công Thương để giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp người dân hiểu biết được các sản phầm này, từ đó mới từng bước thay thế sử dụng.

Bạn đọc Nguyễn Văn Trọng (Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Các cơ sở làng nghề chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Vậy hiện nay, TP đã có chính sách gì để hỗ trợ các cơ sở tái chế chuyển đổi công nghệ hiện đại?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 13
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Nhìn chung, quy trình sản xuất của 2 làng nghề này vẫn theo phương pháp thủ công. Các chất thải tập hợp được cơ sở phân loại, rồi xay rửa (hoặc xay khô), không có hệ thống sấy mà được phơi khô ngoài trời và đưa vào thùng chứa tạo hạt. Đáng nói, trong quá trình hoạt động nước thải phát sinh không qua xử lý, chảy thẳng ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế chất thải, trong báo cáo rà soát, đánh giá, phân loại lang nghề năm 2019, Sở TN&MT đã đưa ra một số nhóm giải pháp.
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời câu hỏi của độc giả.
Nhóm giải pháp trước mắt là các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh, tái chế chất thải nhựa:
- Về vấn đề xử lý nước thải, đối với từng hộ gia đình, có thể xây một hố ga lắng sơ bộ các chất lơ lửng nhằm giảm lượng bùn ở cống rãnh thoát nước chung. Sau đó, toàn bộ lượng nước thải được dẫn ra là các ao hồ tự nhiên. Người dân có thể tận dụng các ao hồ để xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học.
- Về xử lý khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại các cơ sở tái chế nhựa, cần lắp đặt hệ thống quạt thông gió trong các nhà xưởng sản xuất và sau đó cần được loại bỏ ô nhiễm hữu cơ bằng tháp than hoạt tính trước khi xả và môi trường.
- Đối với rác thải ở làng nghề nhựa có thể giải quyết theo hướng tạo ra các loại vật liệu mới từ hỗn hợp các loại nhựa thải kém phẩm chất. Việc tái sinh chất dẻo theo phương pháp mới cho phép chế biến tất cả các loại vật liệu chất dẻo có điểm nóng chảy khác nhau từ 60 - 400 độ C. Hơn thế nữa, phương pháp này còn cho phép trộn thêm vào chất dẻo thải tới 50% nhiều loại vật liệu thải khác như cao su, mùn cưa, giấy... Các vật liệu mới này có thể được ép hay đúc gia công trong máy ép đùn.
Nhóm giải pháp lâu dài là sản xuất sạch hơn cho làng nghề tái chế nhựa
- Cải tiến kỹ thuật:
+ Cải tiến khâu trộn bột màu với hạt nhựa giúp giảm được lượng bột màu phát tán.
+ Cải tiến máy xay nhựa nhằm tăng hiệu quả gia công giúp tăng năng suất, giảm tiêu hao nước, khi đó sẽ giảm được lượng nước thải ra môi trường.
- Giải pháp tuần hoàn: Tuần hòa nước làm nguội để cấp cho quá trình giặt, xay nghiền nhựa giúp tiết kiệm nước.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Một khi, người dân làng nghề tái chế chất thải hiểu được những tác hại trong sản xuất gây ra với chính họ và cộng đồng, buộc họ sẽ thay đổi nhận thức trong bảo vệ môi trường làng nghề.
Đặc biệt, khi Bộ TN&MT có cơ chế chính sách, sẽ là cơ sở cho các tỉnh thành triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả cao hơn.
Bạn đọc Cao Hải Viên (Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Xin bà cho biết tập đoàn BRG Retail thời gian qua đã triển khai những giải pháp nào để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chống rác thải nhựa, túi nilon? Kết quả đến nay như thế nào?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 15
Bà Nguyễn Thùy Dương trả lời:
BRG là nhà một trong những nhà bán lẻ uy tín tại Việt Nam nên chúng tôi nhận thức rõ vai trò của các công ty bán lẻ, vừa là người sử dụng và người phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng. Chúng tôi luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò của mình.
Thứ nhất là đứng trên vai trò của người sử dụng, chúng tôi quan tâm đến 2 trách nhiệm reduced (giảm sử dụng) và reused (tái sử dụng). Với các cán bô nhân viên liên quan đến đóng gói hay công việc tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng chúng tôi đưa luôn tuyên truyền tỷ lệ % của vật phẩm reduced trong quá trrình sử dụng ở cửa hàng, cải tiến quá trình đóng gói làm sao giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Đứng ở vai trò là nhà bán lẻ, hiện tại một số sản phẩm chúng tôi không còn đưa vào kệ hàng như ống hút nhựa hay cốc nhựa dùng một lần không còn sử dụng trên kệ của BRG, được thay thế bằng cốc giấy, ống hút nhựa bằng tre làm bằng bột mì. Chúng tôi nhận thấy nhận thức các khách hàng thay đổi rõ rệt và họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Sự chuyển biến rõ rệt của khách hàng về các sản phẩm môi trường và đây chính là tác động truyền thông của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước về vấn đề sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Nếu như không có sự truyền thông mạnh mẽ trong thời gian vừa qua thì không thể tạo ra sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức của người tiêu dùng.
Vấn đề kiểm định chất lượng sử dụng môi trường, bản thân BRG không phải là cơ quan kiểm định nhưng tôi cho rằng các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm cần lắng nghe người tiêu dùng từ đó điều chỉnh các sản phẩm cho phù hợp hơn, bản thân họ cũng phải cải tiến chất lượng sản phẩm của họ. Ví dụ, ống hút để trong cốc nước không sử dụng được trong 2 giờ thì họ phải điều chỉnh về sản phẩm của mình.
Chúng tôi hy vọng, Nhà nước sẽ có chính sách tốt hoặc hỗ trợ vốn đầu tư đối với các nhà sản xuất để tạo ra các sản phẩm giá thành rẻ và mẫu mã tiện dụng, đẹp mắt. Họ có thể đầu tư và có chiến lược marketing để mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các DN hóa chất Việt Nam (VRCC):
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của đại diện BRG, nhưng Nhà nước nên đóng vai trò điều tiết, trong đó kiểm soát tiêu chuẩn, bởi người tiêu dùng chỉ biết nghe bên phân phối sản xuất, và cơ quan chức năng.
Do đó, chúng ta cần minh bạch trong xây dựng chính sách.
Về tiêu chuẩn, cho bất cứ sản phẩm nào thì cũng cần 2 yêu tố, cần dùng làm gì và tác động như thế nào với người sử dụng.
Về ống hút nhựa, ít nhất là cần lưu trữ được vài năm, do đó cần tiêu chuẩn về độ bền. Nhưng đây là về phía bán hàng, còn về người tiêu dùng thì là độ an toàn, như khi ngậm ống hút thì chất lỏng đi qua ống hút có hòa tan các chất trong ống hút không thì điều này người tiêu dùng không thể biết.
Nếu ống hút để tự nhiên thì rã ra, thì cho vào sử dụng để uống thì dung dịch đi qua có gây nguy hiểm cho người sử dụng không. Tóm lại cần đánh giá kỹ các yếu tố về độ bền cơ học, thẩm mỹ, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, trong đó Chính phủ cần đóng vai trò điều tiết.
Ở đây, vai trò của người làm khoa học là rất quan trọng, đặc biệt là về hóa học liên quan đến sức khỏe và môi trường.
Ngoài ra, khi nhà nước đồng ý cho sản phẩm bán ra, thì phải có công cụ chính sách để khuyến khích và nâng cao nhận thức người tiêu dùng.
Hiện, Quốc hội đang thẩm định bản cuối cùng về Luật môi trường mới, trong đó nói nhiều về chất thải rắn và có 1 chương về chất thải nhựa. Tôi cho rằng chúng ta đang quá chú trọng khi nhìn vào mặt chất thải, mà vấn đề chính là quản lý, thì đòi hỏi cơ quan Chính phủ, các cơ quan truyền thông, bán lẻ... cần tuyên truyền cho người sử dụng để hiểu rõ cách sử dụng hiệu quả chất thải nhựa, trong đó trước tiên là hạn chế thải sản phẩm nhựa.
Bạn đọc Trần Hồng Thái (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Sau hơn 1 năm phát động phong trào không dùng túi nilon, tình trạng sử dụng túi nilon, đồ nhựa của các chị em phụ nữ trên địa bàn quận Hà Đông hiện nay như thế nào?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 16
Bà Lại Hà Phương trả lời:
Với tổ chức Hội phụ nữ trong quá trình triển khai nhiệm vụ , luôn quan tâm đến công tác triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Hội gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt quan tâm các chương trình do TƯ, TP và cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, trong đó có công tác bảo vệ môi trường.
 Bà Lại Hà Phương tại buổi tọa đàm.
Gắn với việc phát động phong trào hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, sau 1 năm triển khai tôi nhận thấy hiệu quả có từng bước biến chuyển rõ nét, nhất là đối với các hội viên Hội phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn quận.  Người dân từng bước nhận thức được tác hại của việc sử dụng các sản phẩm nhựa có hại cho môi trường và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt, Hội Phụ nữ quận Hà Đông đã tổ chức phát động, xây dựng phong trào 3 nhớ từ tháng 3/2017, đó là nhớ phân loại rác từ đầu nguồn, nhớ đổ rác đúng giờ, nhớ để đúng nơi quy định, đến nay là nội dung được chị em nhiệt tình hưởng ứng, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường.
Để giảm thải chất thải nhựa độc hại ra môi trường, tôi cho rằng vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức cộng đồng. Nhờ những tích cực trong tuyên truyền, người dân, chị em phụ nữ trên địa bàn quận Hà Đông đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức từ đó có những hành động đúng trong việc sử dụng các sản phẩm nhựa, thậm chí có nhiều bà mẹ đã chủ động dùng cắp lồng inox đi mua cháo cho con chứ không phải là cặp lồng nhựa như trước.

Bạn đọc Đồng Minh Thư (Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Được biết, hiện ở Hà Nội có nhiều làng làm nghề tái chế chất thải nhựa. Xin hỏi, hiện nay trên địa bàn Hà Nội đã thống kê được bao nhiêu làng nghề và bao nhiêu hộ gia đình, cơ sở tham gia sản xuất tái chế chất thải nhựa?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 18
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội cũng có gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê đến nay trên địa bàn TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề với 305 làng nghề được công nhận nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ.
Theo báo cáo rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016, thuộc Đề án "Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" do Sở TN&MT Hà Nội thực hiện, trên địa bàn TP Hà Nội nhóm làng nghề tái chế chất thải, đặc biệt là tái chế chất thải nhựa chủ yếu tập trung tại 2 làng nghề Trung Văn và Triều Khúc. 2 làng nghề này đều nằm ở vị trí gần trung tâm Thủ đô.
Công nghệ thu gom tái chế tại làng nghề này như sau: Công nghệ tái chế nhựa sử dụng nước trong một số công đoạn như xay nghiền, tạo hạt và làm sạch phế liệu. Các chất thải nhựa được thu gom và được phân loại. Sau khi phân loại, nguyên liệu được xay rửa (hoặc xay khô) và phơi khô, tạo hạt. Để sản xuất túi nilon, hạt nhựa được bổ xung bột màu theo tỷ lệ 0,1% vào thùng chứa, sau đó nhựa được gia nhiệt nấu chảy và được đẩy vật liệu đến bộ phận cán kéo, tạo màng bằng trục vít. Quá trình sản xuất dây thừng tương tự như sản xuất túi nilon. Nhựa sau khi ép đùn thành sợi được làm nguội bằng nước lạnh qua một hệ thống trục nén, sau đó được gia nhiệt lần hai để kéo dãn sản phẩm, cuối cùng được đưa qua hệ thống trục cán trước khi được cuộn thành sản phẩm.
Bạn đọc Phạm Lan (Minh Khai, Hà Nội) hỏi:

Là người nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, chuyên gia Đỗ Thanh Bái có thể cho biết thực trạng của bức tranh tái chế rác thải nhựa của Hà Nội?

Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 19
Ông Đỗ Thanh Bái trả lời:
Tôi cho rằng, việc sáng chế nhựa và sản phẩm nhựa là tiến bộ và gắn liền với sự phát triển xã hội, phát triển ngày cành nhanh thì sẽ càng có nhiều vật liệu mới. Nhựa thực chất không có tội, mà chính việc quản lý nhựa sau khi sử dụng mới là nguyên nhân chính tác tác động tới môi trường xã hội. Cần nói rõ tái chế không phải xử lý, xử lý đúng nghĩa là vứt nó đi, nhưng tái chế là làm thế nào để giúp các sản phẩm đã qua sử dụng quay ngược trở lại với mục tiêu ban đầu.
Về việc này, Hà Nội đã làm trong nhiều năm, có nhiều công ty môi trường uy tín và đủ khả năng. Ngoài ra, Hà Nội cũng là TP đầu tiên tại Việt Nam nhận viện trợ của Nhật về 3R (Tiết giảm - Tái chế - Tái sử dụng).
Vậy thì chúng ta cần tái chế nhựa như thế nào? Nhựa như nhiều vật liệu khác, cơ bản làm từ dầu mỏ, tài nguyên hữu hạn, khác với tài nguyên vô hạn, chúng ta cần làm như thế nào để tận dụng các giá trị của nó mà không gây tác động tới môi trường.
 Ông Đỗ Thanh Bái trả lời câu hỏi của độc giả.
Nhựa có tái chế được không, nhìn công nghệ tái chế ở Việt Nam và Hà Nội, hiện quy trình phổ biến là mang sản phẩm nhựa về ép ra sản phẩm mới. Nhưng với quy ôm lớn thì chưa có. Tôi cũng được Sở TN&MT từng giới thiệu nhiều cơ sở và họ đều đảm bảo quy trình nhất đinh. Ví dụ như nếu muốn chuyển từ chai nước ra sợi polyester thì công nghệ cần sẽ khác với công nghệ đưa chai nhựa đốt ra hạt. Do đó, mục đích khác nhau thì đòi hỏi công nghệ khác nhau.
Chính phủ, mà cụ thể là Bộ TN&MT, hay các bộ chuyên ngành khác đang tạo ra cơ sở pháp lý cho các công nghệ mới phát triển. Trong đó, sự hình thành của Hiệp hội Tái chế Nhựa tại Việt Nam với trụ sở ở Hồ Chí Minh là sự trợ giúp lớn cho chính phủ, hỗ trợ DN vừa và nhỏ thu gom tái chế và thực hiện các mục tiêu đề ra.
Chúng ta đã có gần 10 năm ban hành tiêu chuẩn túi nilon. Đây thực chất là màng plastic, càng dầy thì càng sử dụng nhiều lần, nhưng đồng nghĩa với chi phí sản xuất lớn. Để sản xuất ra 1kg túi nilon thì ước tính chi phí là 30 - 40.000 VNĐ, do đó, nếu sản xuất càng mỏng thì sẽ làm được càng nhiều túi, dẫn đến các gia đình càng sử dụng nhiều thì càng thải ra nhiều. Do đó, cần tiêu chuẩn chỉ sản xuất túi nilon với độ mỏng nhất định, điều này sẽ giúp túi được sử dụng nhiều lần hơn và ít thải ra môi trường nhiều hơn.
Hiện, Hà Nội và nhiều nơi tại Việt Nam đang chuyển từ 3R sang 5R, trong đó có 1R là trách nhiệm của nhà sản xuất, của người tiêu dùng. Ngoài ra, sắp tới đây luật môi trường mới sẽ đưa vào khái niệm kinh tế tuần hoàn, với công cụ chính sách buộc người tiêu dùng đến nhà sản xuất có trách nhiệm hơn trong việc tận dụng các vật liệu đã qua sử dụng.
Hiện chúng ta đang có 3 công nghệ tái chế chính.
Công nghệ tốt nhất như các nước tiên tiến đang làm là thu gom, làm sạch, phân loại theo từng loại nhựa và chuyển hoá thành hoạt chất căn bản, ví như từ chai nước thành sợi polyester.
Thứ hai là làm sạch lại, băm ra thành mảnh nhựa nhỏ, nhựa nguyên sinh, sau đó cho vào máy đùn để ép ra sản phẩm khác. Nhưng rủi ro là với nhựa y tế, khi cho vào máy đun thì mức nhiệt không đủ để diệt hết vi trùng, mầm bệnh, nên cần có sự kiểm soát chặt.
Công nghệ thứ 3 là biến chất thải nhựa thành 1 phần của vật liệu xây dựng, trong đó có bêtông, hiện TP Hồ Chí Minh đang áp dụng công nghệ này.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn cần một số công nghệ khác. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là vấn đề phân loại, không chỉ đảm bảo giá trị kinh tế mà còn giảm đặc tính độc hại cho người dùng, trong đó trách nhiệm chính là các nhà bán lẻ và hộ tiêu dùng, trong đó vai trò của người phụ nữ, các siêu thị... là đặc biệt quan trọng trong phân loại tại nguồn các nguồn rác thải.
Bạn đọc Hoàng Minh Tuấn (Láng Hạ, HN) hỏi:
Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội có đánh giá thế nào về thực trạng tái chế hiện nay, nhất là tái chế chất thải nhựa của Hà Nội?
Tọa đàm trực tuyến: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” - Ảnh 21
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Thời gian qua, với mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa, Sở TN&MT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành văn bản, công văn yêu cầu các sở, ban ngành về việc thực hiện các giải pháp giảm thiếu chất thải nhựa.
Theo đó, từ ngày 1/11/2020, các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường...
Có thể thấy, việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh...; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...
Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.
Như vậy, ngành Công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn.
Mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành Công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí "tài nguyên rác" như hiện nay.
Nguyên nhân là do việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào tái chế rác thải.
Để thực hiện được, Sở TN&MT Hà Nội đã kiến nghị Bộ TN&MT sớm có cơ chế, chính sách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần