Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/12, tại Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và công tác "dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán" trên địa bàn TP Hà Nội.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo Thông báo Kết luận 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị cũng như Căn cứ Kế hoạch số 258/KH-BCĐCVĐTP ngày 28/01/2019 của Ban chỉ đạo cuộc vận động TP về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội; văn bản số 5416/UBND-TH ngày 04/12/2019 của UBND TP Hà Nội về triển khai các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
 Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm trực tuyến tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” trên địa bàn TP Hà Nội.
Tham dự buổi Tọa đàm hôm nay có sự tham gia của các khách mời:
- Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội
- Ông Trần Việt Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội
- Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)
- Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: "Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần giảm đi tâm lý sính hàng ngoại, góp phần giúp các DN trong nước có sự phát triển trên thị trường hàng Việt Nam, khẳng định hàng Việt được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng và gửi gắm tình cảm yêu mến. Trong đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng được người Việt yêu thích.
 Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.
Với vai trò là cơ quan thường trực của UBND TP, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều sự kiện, đa dạng hóa các phong cách sáng tạo, trong đó chúng tôi đánh giá cao các chương trình vận động dùng hàng Việt, hàng nông sản chất lượng cao, các phiên chợ hàng đặc sản để người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội tiếp cận được các sản phẩm độc đáo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi rất mong các khách mời sẽ có những kiến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách để cuộc vận động thực sự đi vào đời sống trong xã hội, tạo ra văn hóa của người Việt trong việc dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là với người dân Thủ đô Hà Nội, đồng thời, góp thêm tiếng nói nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng hàng Việt, góp ý để các DN Việt Nam mang đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm tốt hơn".
KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 3

    Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

    Bà Trần Thị Phương Lan

  • Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 4

    Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội

    Ông Trần Việt Hùng

  • Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 5

    Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)

    Ông Nguyễn Tiến Vượng

  • Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 6

    Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông

    Bà Nguyễn Thị Kim Dung

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Nguyễn An Linh (Vĩnh Tuy, Hà Nội) hỏi:
Xin bà cho biết, Sở Công Thương Hà Nội có hỗ trợ đối với sản phẩm làng nghề trên địa bàn như thế nào?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 7
Bà Trần Thị Phương Lan trả lời:
Hà Nội có sản phẩm làng nghề nhiều nhất nhì cả nước, với 1.300 làng có nghề, cùng các sản phẩm phong phú, thủ công mỹ nghệ, tơ lụa, may mặc...
Trong năm qua, sản phẩm làng nghề được hỗ trợ và đẩy mạnh xuất khẩu nhiều, còn đối với thị trường trong nước, chúng tôi đã hỗ trợ làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu và tuyên truyền. Các làng nghề muốn bán hàng thì phải đáp ứng tiêu chí theo quy định, trừ mặt hàng đồ gỗ, sơn mài, khảm trai... có quy chuẩn và mẫu mã riêng.
HĐND TP Hà Nội cũng có nghị quyết riêng hỗ trợ làng nghề. Ngoài ra, tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước đều có làng nghề tham gia theo chương trình hỗ trợ của TP và khuyến công. Bên cạnh đó, chương trình OCOP (mỗi làng có sản phẩm chủ lực) đã có 36 sản phẩm đạt OCOP 3 sao 4 sao, từ nay đến Tết có khoảng 50 sản phẩm đáp ứng OCOP.
TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương phát triển điểm bán OCOP. Hiện Sở Công Thương đã xác định được 25 điểm, khi có sản phẩm của Hà Nội được công nhận, chúng tôi sẽ đưa vào các điểm bán, kết hợp khai thác với sản phẩm của các tỉnh, vừa hỗ trợ các tỉnh vừa đa dạng nhu cầu người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều làng nghề vẫn còn tư duy tự phát, chưa gắn sản xuất với thị trường nên nhiều sản phẩm làm ra không hợp thị hiếu tiêu dùng nên khó tiêu thụ, nhiều sản phẩm đòi hỏi tiêu chí, chất lượng quốc tế, thì bà con còn ngại làm giấy tờ đáp ứng yêu cầu, nên để đưa vào kênh phân phối hiện đại còn khó, chưa nói đến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sản lượng sản phẩm làng nghề còn nhỏ, các kênh phân phối muốn đặt lượng hàng lớn hoặc cung cấp thường xuyên trên địa bàn thì rất khó khăn, cung ứng không đều theo nhu cầu phân phối định sẵn.
Năm 2020, với góc độ quản lý làng nghề thì Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với trách nhiệm phụ trách chính cần có giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại... cần tiếp tục hỗ trợ, từng bước đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp đưa vào sản xuất tập trung.
Trong 2020 và những năm tiếp theo cần có hướng đi hỗ trợ định hướng, gắn sản xuất thị trường, thông qua xúc tiến thương mại và khuyến công, khuyến nông hỗ trợ sản phẩm làng nghề phát triển bài bản hơn.
Bạn đọc Nguyễn Thu Giang (thugianghn@gmail.com) hỏi:
Do hiện nay mặt hàng bán lẻ trên mạng xã hội nhiều, Sở Công Thương có hỗ trợ cung cấp sản phẩm vùng miền hay không để người dân có thể tiếp cận và mua?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 8
Bà Trần Thị Phương Lan trả lời:
Sản phẩm vùng miền các tỉnh đều rất ngon, chất lượng tốt được người dân ưa chuộng. Để phục vụ nhu cầu người dân, trong suốt 1 năm qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp các tỉnh kết nối đưa sản phẩm phục vụ người dân với phương châm mùa nào thức đấy, cứ có sản phẩm đang chính vụ và sản lượng cao thì đều đưa về Hà Nội.
Ngoài ta, các siêu thị, hệ thống phân phối đều có kết nối với các tỉnh để đưa hàng đặc sản vào siêu thị. Người dân chỉ cần vào siêu thị là có thể mua sản phẩm của các vùng miền.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Sở Công Thương Hà Nội cũng tổ chức hội chợ Tết vào ngày 11/1/2020, tại Công viên Thống Nhất, qua đây đề nghị các tỉnh đưa sản phẩm vùng miền tham dự.
Với mạng lưới thương mại rất đa dạng trên địa bàn TP, người dân có thể yên tâm sẽ mua được sản phẩm vùng miền.
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức sự kiện cũng tổ chức 36 hội chợ phục vụ nhân dân. Người dân thỏa sức mua sắm, còn chất lượng thì khi cung ứng vào Hà Nội, chúng tôi yêu cầu DN có cam kết đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mới cho đưa vào cung cấp ở Hà Nội.
Bạn đọc Nguyễn Bích Hòa (bhoabee@gmail.com) hỏi:
Bà có thể cung cấp thêm thông tin về công tác huy động DN đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 10
Bà Trần Thị Phương Lan trả lời:
Năm nào Sở Công Thương Hà Nội cũng chủ trì, tham mưu TP trong công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp Tết. Từ tháng 6, chúng tôi đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường.
Với lượng hàng hóa gồm 7 mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, hải sản, thực phẩm chế biến... cộng với những mặt hàng có nhu cầu cao như rượu, bia, nước giải khát, may mặc... tổng lượng hàng dự trữ được xác định cho nhu cầu Tết 2020 vào khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết 2019.
Hiện trên địa bàn với 10,3 triệu dân, sức tiêu thụ là rất lớn, trong khi nguồn cung của Hà Nội để đáp ứng còn rất hạn chế, như thủy hải sản chỉ chiếm 13% nhu cầu, thịt bò 11 - 12%, rau củ quả 65%, trái cây 35%. Các mặt hàng khác như thực phẩm chế biến khoảng 30%, còn lại Hà Nội phải nhập từ các tỉnh hoặc từ nước ngoài. Do đó, chúng tôi phải chủ động từ sớm, xác định từng sản phẩm theo nhu cầu người dân, nguồn cung tại chỗ là đáp ứng đến đâu, cần khai thác như thế nào và ở đâu.
Năm nay, thị trường có biến động lớn do dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn phải tiêu hủy chiếm 29 - 30%, do đó, sản lượng thịt lợn bị sụt giảm. Về nguồn cung trên địa bàn TP trong tháng Tết, nhu cầu dự kiến khoảng 22.300 tấn, nhưng TP chỉ đáp ứng được 14.550 tấn, còn lại Hà Nội phải nhập từ các tỉnh.
Để chuẩn bị cho việc nhập hàng và đảm bảo không có biến động lớn, chúng tôi dự tính trong 10 ngày giáp Tết nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng cao, do đó Sở Công Thương đã phối hợp với các tỉnh, TP để cung cấp sản lượng các loại trong 7 mặt hàng thiết yếu. Về thịt lợn, để đủ cung cấp cho Hà Nội trong tháng 1 và tháng Tết, Sở đã cung cấp danh sách nhà cung cấp ở các tỉnh cho DN TP để có sự phối hợp ngay từ đầu tháng, khi có biến động nguồn cung thì kịp cung ứng.
Vào hôm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp cung ứng nông sản và thực phẩm, bao gồm thịt lợn cho Hà Nội trong dịp Tết. Các DN đều cam kết chuẩn bị đủ hàng và phong phú, tăng 7 - 25% so với Tết 2019, riêng với thịt lợn, nhiều DN cam kết đồng hành cùng Chính phủ và TP Hà Nội để giảm giá và đảm bảo nguồn cung thị trường, như BigC cam kết bán giá vốn không lấy lãi, Co.opmart giảm giá mặt hàng thịt lợn từ 8 - 35% phục vụ nhu cầu người dân, các siêu thị khác cũng vậy.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP cũng chủ động trong việc tái đàn, hiện có trên 300.000 con, sản lượng xuất chuồng trong tháng 1 dự kiến đạt 17%. Các sản phẩm khác thay thế như thịt bò, gà đều được tăng cường để sẵn sàng đáp ứng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Đến nay, tôi có thể khẳng định hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết là đa dạng, phong phú, dồi dào trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020. Sở Công Thương cũng liên tục tổ chức tuần hàng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội, với nhiều đặc sản vùng miền phục vụ người dân Thủ đô.
Ngoài việc dữ trữ và đẩy mạnh bán ra, chúng tôi cũng tập trung đảm bảo nguồn cung đầy đủ, trong đó đặc biệt chú trọng thịt lợn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh kết nối giao thương, cung cầu, đưa nguồn hàng từ các tỉnh đảm bảo cho Hà Nội, tuyên truyền cho DN tiếp tục dự trữ nguồn hàng trong tháng 1 để phục vụ nhân dân mua sắm Tết. Cùng với đó là các chương trình tri ân thu hút khách hàng; các siêu thị tập trung bố trí tăng quầy thanh toán đảm bảo không ùn ứ trong dịp giáp Tết. Chúng tôi cũng có gần 1.000 điểm bán hàng phục vụ người dân từ mùng 1 đến mùng 4 Tết để giảm tải lượng dự trữ hàng hóa tăng cao trong dịp Tết.
Đến ngày mùng 2 Tết, hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP đã mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra thị trường, an toàn thực phẩm, phòng chống các mặt hàng nhập lậu như thuốc lá, pháo nổ. TP đã lập các tổ liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm trên 30 quận, huyện; kiểm tra DN có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức hội chợ Tết, các phiên chợ Tết và trên 100 chuyến hàng lưu động phục vụ vùng xâu vùng xa.
Chúng tôi khuyến cáo DN sản xuất tiếp tục mở rộng đại lý, đưa sản phẩm chính hãng phục vụ nhân dân ở ngoại thành, giúp thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, phục vụ đa dạng nhu cầu Tết của người dân.
Sau Tết Dương lịch, Sở Công Thương sẽ tiếp tục giám sát việc phục vụ Tết trong lĩnh vực công thương, yêu cầu DN thực hiện tốt việc phục vụ nhu cầu Tết cho người dân, xử lý nghiêm các DN vi phạm; xây dựng kịch bản đối phó khi có biến động thị trường, điều tiết hàng hóa nhanh nhất khi có biến động; không để xảy ra biến động lớn trong thời gian kéo dài, để người dân yên tâm.
Bạn đọc Hoàng Thanh Thảo (thaohn@gmail.com) hỏi:
Ở góc độ của nhà phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, ông/bà nhận thấy DN đã có sự dịch chuyển như thế nào trong tư duy sản xuất để nâng cao chất lượng hàng Việt?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 11
Ông Nguyễn Tiến Vượng trả lời:
Đối với Hapro - đơn vị bán lẻ, phân phối đã có nhiều năm hoạt động tại thị trường miền Bắc - thời gian qua đã tích cực thực hiện chủ trương của TP, Sở Công Thương, đưa hàng Việt về nông thôn, các địa phương.
Thời gian qua, hàng Việt đã cải thiện cả về mẫu mã và chất lượng, hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Hapro nhận thấy một số vấn đề mà DN cần quan tâm hơn:
Thứ nhất, các DN cần quan tâm cải tiến mẫu mã bao bì. Ví dụ tại một số quốc gia như Hàn Quốc, các hãng luôn chú trọng thay đổi mẫu mã hàng năm, đầu tư đến 40 - 50% vào bao bì nhằm thu hút người mua. Do đó, DN Việt cũng cần quan tâm đầu tư đến vấn đề này, đặc biệt là tùy vào thị trường tiêu thụ mà có những thiết kế phù hợp, theo kịp xu hướng thế giới.
 Ông Nguyễn Tiến Vượng trả lời câu hỏi của độc giả.
Thứ 2, một số mặt hàng, đặc biệt là đặc sản, có chất lượng chưa đồng đều, trong các khoảng thời gian khác nhau. Đây là khó khăn với hệ thống siêu thị trong việc ưu tiên hàng Việt, dù chúng ta đã có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cho rằng các DN cần nâng cao sản suất theo công nghệ hiện đại, nhằm đảm bảo chất lượng lâu dài.
Thứ 3, cần đầu tư tuyên truyền, quảng bá, không thể trông chờ "hữu xạ tự nhiên hương". Điều này sẽ làm nổi bật giá trị khác biệt của hàng Việt trên thị trường, đặc biệt là với thị trường nội địa cạnh tranh cao.
Về thực trạng phản ánh hàng Việt nội địa có chất lượng chưa cao như hàng Việt xuất khẩu đi thị trường các nước, đối với Hapro, chúng tôi đã có những chiến lược cụ thể.
Ví dụ thời gian trước, Hapro chủ yếu xuất khẩu hàng thô và để nước ngoài chế biến và đóng gói bao bì tiêu thụ ở thị trường của họ. Tuy nhiên cách thức này khiến giá trị gia tăng thấp. Vì vậy năm vừa qua, Hapro đã đầu tư vào các nhà máy, vừa sản xuất sản phẩm thô nhưng cũng mạnh dạn cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Kết quả, như mặt hàng gạo Đồng Tháp của chúng tôi đã có mặt tại thị trường Dubai, mang đến giá trị cao và góp phần đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới. Và đặc biệt hơn, trong năm nay, chúng tôi đã chủ động mặt hàng điều rang muối xuất khẩu sang Hồng Kông.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông:

Tư duy sản xuất hàng Việt Nam của các doanh nghiệp mỗi năm đều có sự dịch chuyển đáng kể. Nếu như trước dây, các nhà sản xuất đều quan tâm đến hàng nhập khẩu, thì nay thị trường nội địa cũng được quan tâm không kém, như vậy, chất lượng hàng hóa cũng ngày càng được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bạn đọc Lâm Nguyễn (lamng@gmail.com) hỏi:
Việc đưa hàng Việt về ngoại thành Hà Nội, DN có khó khăn gì? Đặc biệt về chính sách hỗ trợ của TP và trong tâm lý người tiêu dùng?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 13
Bà Nguyễn Thị Kim Dung trả lời:
Co.opmart đã có 2.000 chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu vùng xa, khu công nghiệp chế xuất trong dịp Tết Nguyên đán này.
Đặc biệt, trên địa bàn TP Hà Nội, 6 siêu thị Co.opmart đã nhận được sự hỗ trợ tối đa của Sở Công Thương TP và các cơ quan, ban ngành trong tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các chương trình phục vụ cho nhân dân trên phương diện giá bình ổn.
Đối với vùng sâu vùng xa, chúng tôi cũng mang đến hàng hóa với chất lượng tốt để phục vụ bà con được đầy đủ. Bên cạnh đó, Co.opmart cũng có chương trình ưu đãi, phần quà cho hộ nghèo, khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro):
Hapro đã có nhiều năm hưởng ứng chương trình bán hàng nông thôn, nhận được sự ủng hộ lớn từ Sở Công thương. Hơn hết, chính quyền các địa phương cũng hưởng ứng nhiệt tình, tổ chức các chương trình, đặc biệt là vào dịp trước Tết.
Mặc dù hiệu quả lợi nhuận thấp, nhưng chúng tôi xác định đây là trách nhiệm với cộng đồng của các DN. Thực tế người dân vùng sâu vùng xa, với điều kiện khó khăn, nhiều năm trước không có khả năng tiếp cận hàng thật, hàng chất lượng tốt. Đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu tăng cao dịp cận Tết. Vì vậy, chương trình này đã giúp đỡ được bà con, DN hỗ trợ được đúng người, đúng đối tượng.
Bạn đọc Phạm Văn Bình (phamvanbinh0911@gmail.com) hỏi:
Xin ông/bà cho biết thông tin về công tác kiểm soát hàng đưa vào siêu thị từ chất lượng, mẫu mã?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 14
Ông Nguyễn Tiến Vượng trả lời:
Nguồn cung ứng của các hệ thống siêu thị Hapro luôn được đảm bảo bởi một đầu mối duy nhất - Công ty TNHH MTV bán lẻ BRG retail, có kinh nghiệm, chuyên môn cao về lĩnh vực mua và cung ứng hàng, có quy trình nhập hàng chặt chẽ, đáng tin cậy.
Đối với mặt hàng đặc sản vùng miền, ngoài việc đảm bảo quy trình tiêu chuẩn, Hapro đặc biệt yên tâm với các DN cung ứng, được lãnh đạo các địa phương trực tiếp tiến cử, đề xuất từ những cam kết cụ thể, có uy tín.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông:
Hệ thống Co.opmart có phòng thu mua chính trong TP Hồ Chí Minh và phòng quản lý chất lượng chuyên trách, nên hàng vào hệ thống siêu thị đều được kiểm tra chặt chẽ từ khâu đầu vào đến quy trình sản xuất. Khi hàng đưa vào siêu thị ở TP khác, trong đó có các hệ thống tại TP Hà Nội đều có chuyên viên giám sát chất lượng.
Từ tháng 10, Co.opmart đã tiến hành rà soát và kiểm tra hàng hóa với tần suất 8 - 10 lần để đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2020.
Bạn đọc Mai Thùy Vân (Quận Ba Đình) hỏi:
Dịp Tết này, Co.opmart đã có những chương trình gì để kích thích người tiêu dùng mua sản phẩm do siêu thị cung cấp?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 15
Bà Nguyễn Thị Kim Dung trả lời:
Nhằm giảm áp lực mua sắm những ngày cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2020, Co.opmart đã đưa đến khách hàng những chương trình khuyến mãi, giảm giá, quà tặng hấp dẫn.
Từ ngày 28/11, chương trình khuyến mãi bắt đầu với những mặt hàng gia dụng, mỹ phẩm, đồ dùng…, sau đó là đợt khuyến mãi đối với bánh, mứt kẹo để chuẩn bị cho dịp Tết và sau đó là chương trình khuyến mãi cho dịp cận Tết, giảm giá sâu đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Chương trình khuyến mãi cũng được kéo dài đến sau Tết với các gói giảm 50%, phiếu quà tặng…
Bạn đọc Ngô Bảo Ly (Quận Đống Đa) hỏi:
Với vai trò là cơ quan phân phối đưa hàng tới người tiêu dùng, Co.opmart và Hapro có thông điệp gì gửi lại các doanh nghiệp Việt để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm Việt Nam dựa trên các yếu tố uy tín, chất lượng, thương hiệu?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 16
Bà Nguyễn Thị Kim Dung trả lời:
Hệ thống Co.opmart hiện có 124 siêu thị hoạt động trên 800 điểm với mặt hàng Việt, thuần Việt chiếm 98%. Vào dịp cận Tết và Tết Nguyên đán, mức độ tiêu thụ hàng Việt Nam lớn hơn hàng nhập khẩu rất nhiều, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng vùng miền địa phương. Do đó, Co.opmart đã dự trữ trữ ở số lượng lớn các mặt hàng để phục vụ người dân Thủ đô Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung trả lời câu hỏi của độc giả.
Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, hàng Việt giữ mức tăng trường 15 - 40% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy chất lượng hàng Việt ngày càng được cải thiện, được người tiêu tiêu dùng tin tưởng ưu tiên sử dụng.
Bên cạnh đó, để thu hút thêm người dân đến với hàng Việt, các DN cũng cần chú trọng cải thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Chúng tôi làm thương hiệu thuần Việt có niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển thương hiệu Việt trong thị trường nội địa và kỳ vọng năm tới các nhà sản xuất cung cấp thương hiệu thuần Việt sẽ đổi mới tư duy, nhãn mác để đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Bạn đọc Nguyễn Thị Minh (Quận Hoàn Kiếm) hỏi:
Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này? Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) có kiến nghị gì?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 18
Ông Trần Việt Hùng trả lời:
Trong năm 2019 (tính đến ngày 20/12/2019), lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 8.838 vụ việc, qua đó phát hiện, xử lý với tổng số tiền là hơn 110,17 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 33.529 vụ; xử lý hành chính 31.246 vụ, khởi tố hình sự 113 vụ đối với 141 đối tượng, tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là hơn 4.466,38 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Hùng trả lời câu hỏi của độc giả.
Có thể thấy, năm 2019 là năm có số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu bị xử lý nhiều nhất trong các năm qua. Bên cạnh xử phạt hành chính, QLTT cũng chuyển cơ quan công an điều tra, kiến nghị xử lý hình sự nhiều vụ việc.
Để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị tăng cường công tác truyền thông về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc biệt nhấn mạnh vào những cơ sở, đối tượng sản xuất để chúng "hết đất sống". Vì thực tế, ở nước ta khi bị xử phạt, sau đó các đối tượng có thể thay đổi địa điểm, thay tên để tiếp tục sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, kiến nghị cấp chính quyền cơ sở có sự gắn kết chặt chẽ, trao đổi thông tin với cơ quan chuyên môn, với lực lượng QLTT. Bởi thực tế, vừa qua QLTT thị trường Hà Nội bắt rất nhiều vụ ở quận Hà Đông, huyện Hoài Đức... Những cơ sở này nằm sâu trong khu dân cư, rất khó kiểm tra, nắm bắt, do vậy cần sự phối hợp chặt chễ của cấp phường, tổ dân phố.
Hiện lực lượng QLTT Hà Nội có hơn 500 người, nhưng phải phân bố trên một địa bàn quá rộng, cho nên rất khó cho vấn đề kiểm tra, kiểm soát.
Bạn đọc Trần Phong (phongtran102@gmail.com) hỏi:
Xin ông/bà cho biết cần những giải pháp gì để người tiêu dùng người Việt sử dụng đúng hàng Việt, đảm bảo về cả chất lượng và tiêu chí?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 20
Bà Trần Thị Phương Lan trả lời:
Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Công Thương soạn thảo và ban hành chuẩn Made in Vietnam để người tiêu dùng nhận biết, cũng như các DN bám vào đó sản xuất hàng hóa đúng tiêu chí Made in Vietnam.
Trong thời gian qua, hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường và niềm tin người tiêu dùng trên cả nước, dẫn đến việc một số DN lợi dụng việc này nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc và sửa thành Made in Vietnam. Kể cả mặt hàng cơ bản như trái cây, rau củ quả, người bán đều nói là hàng Việt Nam, nhưng nếu nói là của nước khác thì sẽ rất khó tiêu thụ.
Vì vậy, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo ngăn ngừa hàng nhái, hàng giả được phân phối ra thị trường.
Từ tháng 10/2018, Cục Quản lý Thị trường đã tách ra và hiện trực thuộc Bộ Công Thương, hiện Bộ đã chỉ đạo quyết liệt xử lý vấn đề hàng nhái, hàng giả. Đứng từ góc cơ quan quản lý, tôi thấy việc quản lý kiểm soát đang rất quyết liệt và được xử lý nghiêm minh.
Ông Trần Việt Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội
Càng gần đến Tết Nguyên đán thì nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân càng cao. Các đối tượng lợi dụng việc này để sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt gần đây là hiện tượng hàng nước ngoài giả nguồn gốc xuất xứ Việt Nam.

Cục QLTT được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, TP Hà Nội, sự phối kết hợp với các sở ban ngành TP, chúng tôi đã ban hành Kế hoạch 25 trong tháng 11/2019. Trong đó chỉ đạo cán bộ công chức của các đội QLTT, đặc biệt các đội QLTT địa bàn, gắn trách nhiệm vào trong công tác. Mỗi địa bàn có công chức QLTT kết hợp cùng chính quyền, công an cơ sở, đi sâu đi sát, kiểm tra, nắm tình hình.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2020, chúng tôi tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt chú trọng đến lương thực, như thịt lợn, bánh mứt kẹo, bia, nước giải khát... ngoài ra còn pháo và thuốc lá.
Về an toàn thực phẩm, sáng hôm qua (30/12) chi cục QLTT Tây Hồ kết hợp với C05 tiến hành bắt hơn 7 tấn nầm lợn, gia cầm không giấy tờ. Vụ việc đang được xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục QLTT Hà Nội được UBND TP giao là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 TP, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch số 248 chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo, các sở ngành, quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn TP.

Ngoài các đoàn liên ngành, chúng tôi có thành lập 2 đoàn. 1 đoàn chuyên kiểm tra kho tàng, bến bãi, các điểm tập kết. 1 đoàn kiểm tra toàn bộ về thời trang, gồm quần áo, giày dép...

Về kết quả chung cả năm 2019 (tính đến ngày 20/12/2019), đã kiểm tra 8.838 vụ việc, qua đó phát hiện, xử lý với tổng số tiền là hơn 110,17 tỷ đồng.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi quán triệt cán bộ, công chức trong hệ thống ứng trực 24/24h, tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm. Tiếp đó kiểm tra về giá cả để bình ổn thị trường trong dịp Tết.

Bạn đọc Nguyễn Anh Tú (Láng Hạ, HN) hỏi:
Với vai trò là lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, xin  đánh giá kết quả đạt được sau 10 năm triển khai cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP Hà Nội?
Tọa đàm trực tuyến: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và công tác “dự trữ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán” - Ảnh 21
Bà Trần Thị Phương Lan trả lời:
Năm 2019, chúng ta kỷ niệm 10 năm chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Qua tổng kết của TP, chúng ta khẳng định trong 10 năm qua, Ban chỉ đạo TP đã triển khai rất tích cực nội dung này.
Về công tác tuyên truyền, từ cấp TP đến các đơn vị trực thuộc, các UBND quận, huyện…, đã triển khai nhiều nội dung tuyên truyền phong phú, ví dụ như kêu gọi DN thay đổi mẫu mã và đa dạng hóa sản phẩm để thu hút người tiêu dùng, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, như Hội Phụ nữ vận động chị em phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến hàng Việt và bỏ tư tưởng sính ngoại.
 Bà Trần Thị Phương Lan trả lời câu hỏi của độc giả.
Ngoài ra, các nội dung tuyên truyền trên truyền thông đại chúng cũng giúp truyền tải nội dung chương trình đến người dân.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Hàng năm, Hà Nội đều tổ chức đối thoại với DN trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và nông nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện cho DN phát triển.
Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, TP đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm sạch và an toàn cho người dân, qua đó giảm nhập khẩu thực phẩm.
TP cũng hỗ trợ cơ chế chính sách cho DN sản xuất các sản phẩm chủ lực, các ngành công nghiệp hỗ trợ, đưa ra giải pháp hỗ trợ DN phát triển và giảm nhập khẩu linh kiện nước ngoài, tăng tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng tiêu chuẩn “made in Vietnam”, các hiệp hội trên địa bàn cũng tham gia tích cực xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng.
Kết quả là tỉ lệ hàng việt được DN sản xuất đưa vào các kênh phân phối đã tăng mạnh, theo thống kế, so với thời điểm trước khi triển khai cuộc vận động, ở các chợ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt chỉ là 20 - 30%, trong siêu thị là 60%, nhưng sau khi triển khai, kết quả là tại các chợ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt đã chiếm 70 - 80%, ở siêu thị bình quân là trên 90% hoặc 100% như tại siêu thị Co.op Mart.
Kết quả như vậy đã cho thấy sự hỗ trợ tích cực của chương trình và tạo điều kiện cho DN sản xuất bền vững, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
TP Hà Nội cũng đẩy mạnh kết nối giao thương xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Mỗi năm Sở Công Thương Hà Nội tổ chức 300 chuyến hàng lưu động đến khu vực ngoại thành, các xã miền núi, phục vụ các dịp lễ, Tết, tổ chức các phiên chợ Việt, tuần hàng Việt, với sự tham gia tích cực của các DN như Hapro, Co.opmart, Lan Chi…
Chúng tôi cũng hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, kết nối sản phẩm nguồn cung mà Hà Nội còn thiếu. Mỗi năm, Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh tổ chức khoảng 20 tuần hàng Việt, trong 2019, con số này là nhiều hơn. Công tác kết nối cung cầu trong năm 2019 được coi là điểm sáng kinh tế của Thủ đô, đáp ứng nguồn cung, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn.
Chúng tôi cũng hỗ tợ DN đưa hàng phân phối ra thị trường nước ngoài như Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản, thông qua các đối tác phân phối thận cận.
Hiện nay, nhiều hãng nước ngoài đã có sản phẩm made in Việt Nam, cho thấy hàng Việt đang chiếm lĩnh thị trường cả trong nước và nước ngoài.
Các Ban chỉ đạo ở quận, huyện đã tích cực triển khai đưa sản phẩm hàng hóa từng địa phương đến với người tiêu dùng, đẩy mạnh phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.
Trong năm 2018 và 2019, chúng ta có thể khẳng định tỉ lệ người Việt đã sử dụng hàng Việt là rất cao. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, trên 65% người dân đang sử dụng hàng Việt, trên 80% ngườii được hỏi sẽ tuyên truyền vận động người thân quan tâm sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Sau 10 năm, kết quả cho thấy Cuộc vận động đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn Hà Nội và các địa phương trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần