Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/10, Ban Biên tập báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi tọa đàm - tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả báo điện tử Kinh tế & Đô thị tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề: “Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối, gây phẫn nộ trong xã hội. Nhiều năm qua, tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện cả ở khu vực thành thị. Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự.... Hôm nay, Ban Biên tập báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm - tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả báo điện tử Kinh tế & Đô thị tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tham dự buổi tọa đàm - tư vấn pháp luật trực tuyến gồm:
- Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội
- Luật sư Nguyễn Quốc Việt - Hội Luật gia TP Hà Nội
- Luật gia Phạm Thu Hương - Hội Luật gia TP Hà Nội
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lại Bá Hà - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết: Báo Kinh tế & Đô thị thường xuyên phối hợp cùng Hội Luật gia TP Hà Nội phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật bằng nhiều hình thức như bài viết, hình ảnh và video trên báo in, báo điện tử theo đúng tinh thần tự tôn pháp luật, hỗ trợ cho người dân kiến thức pháp luật.
Theo ông Lại Bá Hà, bạo lực gia đình luôn là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm và báo Kinh tế & Đô thị cũng có nhiều buổi tọa đàm để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
"Hôm nay, với hơn 30 câu hỏi của bạn đọc đã được biên tập liên quan đến các nội dung sát với cuộc sống thực tiễn, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến, tư vấn của các luật sư, luật gia để công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình nói riêng đến Nhân dân được tốt hơn và sẽ được thực thi một cách tốt hơn trong thời gian tới" - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh.
KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 2

    Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến

  • Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 3

    Luật sư

    Ông Nguyễn Quốc Việt

  • Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 4

    Luật gia

    Bà Phạm Thu Hương

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Nguyễn Thị Ngọc Lam (Huyện Hoài Đức) hỏi:

Đề nghị Luật sư cho biết quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình?


Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 5
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Theo Điều 41 Luật Phòng,chống bạo lực gia đìnhđược Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2008 quy định trách nhiệm của cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát trong phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
Cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.
Như vậy các cơ quan trên có 3 trách nhiệm rõ: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan; chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời; xử lý nghiêm minh các vi phạm. 
Bạn đọc Trịnh Nguyên (nguyentrinh1810@yahoo.com.vn) hỏi:

Trong tháng 9 vừa qua, trên một số diễn đàn, mạng xã hội đăng tải clip ghi lại cảnh người phụ nữ bị chồng đánh, dìm xuống hồ bơi đã gây xôn xao dư luận. Vụ việc được xác định xảy ra tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Thưa Luật sư, hành vi trên của người chồng sẽ bị xử lý với hình thức nào theo quy định của pháp luật hiện hành?

Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 6
trả lời:
Trên một số diễn đàn, mạng xã hội đăng tải clip ghi lại cảnh người phụ nữ bị chồng đánh, dìm xuống hồ bơi thì hành vi của người chồng đã vi phạm nghiêm trọng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008.
Tại Điều 42 quy định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình:
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Theo đó: Điều 49 quy định hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Ngoài ra Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Tuy nhiên nếu đã bị xử phạt hành chính rồi còn tái phạm thì sẽ bị xem xét khởi tố hình sự theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:
- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Đối với trường hợp cụ thể này, người vợ nên có trình báo đến cơ quan công an để lập biên bản về hành vi vi phạm của người chống, sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với người chồng. Nếu người chồng vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình (quy định cụ thể tại Điều 2, Luật phòng chống bạo lực gia đình) có thể bị khởi tố hình sự.
Trường hợp này cần xem xét thực tế đánh giá mực độ hành vi vi phạm do hành vi người chồng đánh, dìm người vợ xuống hồ bơi gây nguy hiểm đến tính mạng của người vợ. Nếu chỉ dìm xuống rồi nhấc lên chỉ là hành vi vi phạm pháo luật về bạo lực gia đình. Nhưng nếu cố ý dìm xuống dẫn đến ngạt thở thì xem xét về tội danh giết người. Nếu thời gian dìm lâu, nhấc lên gây tổn thưởng phổi,... thì xem xét về tội danh cố ý gây thương tích.
Bạn đọc Trương Thủy (Quận Hoàn Kiếm) hỏi:

Việc bạo hành gia đình đến lúc ra tòa ly hôn thì ngoài việc ly hôn có bị xử lý gì nữa không? Nếu 1 người vợ hoặc chồng không đồng ý ly hôn thì có được xin tòa thời gian sống xa nhau như ly thân có thời hạn, ví dụ 1 hoặc 2 năm được không?

Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 7
Bà Phạm Thu Hương trả lời:
Hành vi bạo lực gia đình là một trong các căn cứ để yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Ly hôn theo yêu cầu của một bên khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại toà án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo Luật phòng chống bạo lực gia đình, có quy định về cấm tiếp xúc đối với nạn nhân bạo lực gia đình. Theo Quy định tại Điều 21 Luật phòng chống bạo lực gia đình thì toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.
Còn về việc bạn xin toà thời gian sống xa nhau như ly thân thì hiện nay Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chưa có quy định về khái niệm sống ly thân.
Bạn đọc Phạm Hương (Bắc Giang) hỏi:
Vợ chồng tôi chung sống với nhau được 4 năm và có một con trai 27 tháng tuổi. Có lần, giữa hai vợ chồng co xảy ra cự cãi qua lại, tôi tức quá nên đã dùng tay tát vợ nhưng vợ tôi tránh được. Cũng có lần xô xát, tôi đẩy vợ khiến cô ấy bị ngã dẫn đến sưng ở vùng gáy. Tôi đã đưa vợ vào bệnh viện để khám nhưng không có việc gì. Đến ngày hôm sau có người báo ra công an là tôi có hành vi bạo lực gia đình. Ngay sau đó công an ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong biên bản làm việc giữa công an với vợ tôi, vợ tôi cũng khẳng định giữa hai người chỉ cự cãi qua lại chồng tôi có đẩy tôi, mất đà nên tôi bị ngã, cũng không đau đớn gì nhiều. Vậy tôi bị xử phạt vi phạm như vậy có đúng không?

Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 8
Bà Phạm Thu Hương trả lời:

Trường hợp bạn có hành vi tát vợ, xô đẩy vợ ngã đã vi phạm điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, quy định những hành vi sau được coi là bạo lực gia đình:

a, Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b, Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

Do là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình nên vợ bạn có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền để được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình trước hành vi bạo lực gia đình cũng như có các biện pháp để ngăn chặn hành vi bạo lực tiếp tục xảy ra.

Việc bạn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xô ngã vợ như vậy là đúng quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013 ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "Xâm hại sức khỏe thành viên gia đình". Điều luật quy định cụ thể như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một hành vi không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Như vậy hành vi đánh vợ của bạn là trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Rất mong qua đợt này bạn sẽ sửa đổi tính cách, yêu thương vợ mình nhiều hơn. Nếu đã bị xử phạt hành chính rồi còn tái phạm thì sẽ bị xem xét khởi tố hình sự theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:

- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến bổ sung:

Trong trường hợp bạn đọc hỏi cần xem xét lại trình tự xử lý vi phạm hành chính. Trước khi ra quyết định xử lý vi phạm hành chính cần phải có biên bản xác nhận vi phạm hành chính.

Bạn đọc Đào Thị Chung (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
Chị bạn tôi thường xuyên bị chồng quát tháo, đập phá đồ đạc. Sự việc xảy ra cũng đã được hàng xóm xung quanh can thiệt, khuyên ngăn nhưng cũng chỉ được vài ba hôm. Nếu sự việc còn tiếp diễn, tôi muốn trình báo đến cấp có thẩm quyền để xử lý dứt điểm việc bạo lực với vợ như vậy thì tôi phải trình báo đến đâu để được giải quyết?
Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 9
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình. Trường hợp phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm, phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Riêng với cá nhân chị, khi phát hiện và chứng kiến sự việc về bạo lực gia đình thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình, chị có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quy định như: Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình để yêu cầu chấm dứt hành vi bạo lực gia đình. (Khoản 2 Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). 

Bạn cần báo với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, như: Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình; cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân, sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân...

Bạn đọc Trần Thu Phương (Quận Hà Đông) hỏi:
Vợ chồng tôi có một ngôi nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên hai người. Vợ chồng tôi đang ở cùng hai con trong ngôi nhà này. Hiện nay, chồng tôi có ý định bán nhà để mua một ngôi nhà nhỏ hơn, phần còn lại chia cho mỗi con một ít nhưng tôi không đồng ý vì các con còn nhỏ, sau này lớn hơn, nhu cầu về chỗ ở phải rộng hơn nên không thể mua nhà nhỏ hơn. Vậy tôi xin hỏi, tôi không đồng ý thì chồng tôi có đứng ra bán được không?
Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 10
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

Một là, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Hai là, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Ba là, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Theo đó, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận; việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Hiện nay chồng bạn có ý định bán nhà thì vợ chồng bạn cùng nhau bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau để bán nhà. Trong trường hợp bạn không đồng ý thì người chồng cũng không thể đứng ra bán được.

Mong các bạn đồng thuận, giải quyết hài hòa mong muốn, nhu cầu của gia đình.

Bạn đọc Hoàng Minh Tuấn (Hà Tây) hỏi:
Vợ chồng tôi có một ngôi nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên hai người. Vợ chồng tôi đang ở cùng hai con trong ngôi nhà này. Hiện nay, chồng tôi có ý định bán nhà để mua một ngôi nhà nhỏ hơn, phần còn lại chia cho mỗi con một ít nhưng tôi không đồng ý vì các con còn nhỏ, sau này lớn hơn, nhu cầu về chỗ ở phải rộng hơn nên không thể mua nhà nhỏ hơn. Vậy tôi xin hỏi, tôi không đồng ý thì chồng tôi có đứng ra bán được không?
Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 11
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

Một là, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Hai là, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Ba là, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Theo đó, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận; việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Hiện nay chồng bạn có ý định bán nhà thì vợ chồng bạn cùng nhau bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau để bán nhà. Trong trường hợp bạn không đồng ý thì người chồng cũng không thể đứng ra bán được.

Mong các bạn đồng thuận, giải quyết hài hòa mong muốn, nhu cầu của gia đình.

Bạn đọc Vũ Duy Đông (Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Tôi và chồng ly hôn đã được 4 năm nay. 2 con gái đều do tôi nuôi cả. Thỉnh thoảng tôi đưa con về chơi với bố vào dịp cuối tuần. Gần đây, anh ta thường xuyên nhắn tin xúc phạm danh dự của tôi, lại còn liên tục nhắn tin vào 2 đến 3 giờ sáng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của tôi. Tôi bị căng thẳng tột độ mỗi khi nghe thấy tin nhắn của anh ta. Vì công việc, vì các con tôi không thể khóa điện thoại được. Vậy hành vi của anh ta có bị xử lý không?
Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 12
Bà Phạm Thu Hương trả lời:
Mặc dù hai bạn đã ly hôn nhưng theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi mà người chồng cũ hành xử với bạn vẫn bị coi là có hành vi bạo lực gia đình. Theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì Các hành vi bạo lực gia đình gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Để ngăn chặn việc thường xuyên bị chồng cũ quấy rối bằng điện thoại, bạn có thể gặp trực tiếp anh ấy nói chuyện trực tiếp để anh ấy hiểu. Nếu không được bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của cơ quan công an, UBND phường sở tại nơi bạn cư trú với điều kiện bạn phải lưu giữ toàn bộ tin nhắn, cuộc gọi để làm căn cứ khi xử lý.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Đoàn (Thái Nguyên) hỏi:
Bố mẹ em thường xuyên la mắng em về tội không chịu học bài, hay dùng điện thoại... Nhưng thực sự nhiều bài tập em phải lên mạng mới tra cứu được, hoặc em chỉ chơi sau khi đã học bài xong. Có lần thấy em cầm điện thoại chơi, mẹ em giằng lấy rồi ném vỡ. Từ đấy em vẫn chưa được mua điện thoại lại. Nếu em lấy tiền mừng tuổi của mình ra mua điện thoại có được không? Bố mẹ em mà làm hỏng điện thoại của em thì có bị coi là có hành vi bạo lực đối với em không?
Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 13
Bà Phạm Thu Hương trả lời:
Mẹ em giằng điện thoại của em rồi ném vỡ đó là hành vị bạo lực gia đình, vi phạm Điểm g, Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống  bạo lực gia đình: “Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình”.
Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định:  Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Theo quy định của pháp luật nêu trên nếu em đủ 15 tuổi em có thể tự mình xác lập thực hiện giao dịch Dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký. Cần tuyên truyền, phổ biến nhằm giúp trẻ em sử dụng điện thoại đúng mục đích, hiệu quả.

Bạn đọc Nguyễn Hồng Tuyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tình nghĩa vợ chồng là việc vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau, cùng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.


Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 14
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Hiện nay chồng bạn có mong muốn sinh thêm một người con nữa, mà lại muốn người con đó là trai thì cũng khó mà thành hiện thực. Hiện nay, Pháp lệnh Dân số khuyến khích vợ chồng dừng lại ở hai con để nuôi dạy con cho tốt. Nếu bạn là Đảng viên thì sẽ có những quy định riêng về xử lý đối với trường hợp đảng viên sinh con thứ 3.
Còn việc người chồng muốn xin ly hôn thì theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình, ly hôn theo yêu cầu của một bênkhi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo quy định này, pháp luật cho phép vợ hoặc chồng đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, người chồng đơn phương ly hôn thì Tòa án lại xem xét chủ yếu dựa vào căn cứ mà người chồng đưa ra. Điều luật quy định rằng: "hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được".
Hôn nhân của vợ chồng lâm vào tình trạng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
Như vậy, khi nộp đơn ly hôn tại Tòa án chồng bạn phải chứng minh về việc cuộc hôn nhân của vợ chồng bạn không hạnh phúc và không thể kéo dài được nữa. Lý do sinh con thứ 3 của anh chồng đưa ra sẽ không được Tòa án xem xét xử ly hôn.
Tuy nhiên Luật vẫn còn chung chung đơn cử như: Như thế nào là “tình trạng trầm trọng”, “đời sống chung không thể kéo dài”, “mục đích hôn nhân không đạt được”. Các nội dung này cần phải được quy định cụ thể hơn.
Bạn đọc Ngô Thị Bích (Quận Hoàng Mai) hỏi:

Người chồng thường xuyên chửi bới, xúc phạm danh dự của vợ, con thì có bị xử lý không và mức xử phạt như thế nào? Có biện pháp nào ngăn chặn dứt điểm thói vũ phu, côn đồ của người chồng không?

Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 15
Bà Phạm Thu Hương trả lời:
Hành vi của của người chồng thường xuyên chửi bới, xúc phạm danh dự vợ con đó là hành vi bạo lực gia đình vi phạm điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: “lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
 Luật gia Phạm Thu Hương trả lời câu hỏi của độc giả.
Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra, bao gồm:
a) Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;
b) Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;
d) Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (sau đây gọi là biện pháp cấm tiếp xúc).
Theo quy định tại Nghị định 167/2013 ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi của người chồng đã vi phạm Điều 51về xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình. Với hành vi vi phạm này thì người chồng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Tuy nhiên, có thể giúp người chồng tham gia các hoạt động xã hội, định hướng hành vi cho người chồng, giúp người chồng có thêm niềm vui trong cuộc sống, từ đó, giảm các hành vi bạo lực gia đình.

LS Nguyễn Hồng Tuyến bổ sung: Trong Luật phòng chống bạo lực gia đình có biện pháp tư vấn. Trong đó có 4 đối tượng cần đặc biệt lưu ý để tư vấn đó là:

- Người có hành vi bạo lực gia đình

- Nạn nhân bạo lực gia đình

- Người nghiện rượu, ma túy, đánh bạc

- Người chuẩn bị kết hôn

Luật giao cho UBND cấp xã tổ chức tốt cuộc góp ý phê bình, chủ yếu là để người có hành vi bạo lực gia đình thay đổi nhận thức, từ đó không có những hành vi bạo lực gia đình. 

 
Bạn đọc Hoàng Vũ (Vĩnh Tuy, Hà Nội) hỏi:
Tôi tham gia đội văn nghệ của tổ dân phố. Vì không có chỗ tập nên tôi đã mời các thành viên trong đội về nhà mình tập. Có hôm chồng tôi ở nhà, thấy đội múa hát, ông tỏ ra khó chịu và yêu cầu tôi phải dừng ngay tập múa hát. Cũng từ đó không cho tôi tham gia sinh hoạt với câu lạc bộ nữa. Tôi muốn biết việc chồng tôi cấm đoán như vậy có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì tôi có căn cứ để giải thích cho chồng tôi biết việc làm đó của chồng tôi là sai.

Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 17
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Đây là trường hợp xảy ra rất nhiều trên thực tế. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình: Chồng bạn cấm bạn không được tham gia câu lạc bộ, việc ngăn cản bạn là hành vi bạo lực gia đình được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình “Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.

Để được giúp đỡ bạn có thể đến các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình để được bảo vệ và hỗ trợ.

Ngoài ra, người chồng còn vi phạm Điều 52 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Thứ nhất, cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó. Thứ hai, không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc. Thứ ba, không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh. 

Hy vọng với thông tin pháp luật ít ỏi này thì sẽ giúp chồng bạn sáng tỏ nhiều vấn đề, sống hòa đồng, cởi mở hơn và sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội khác.

Tuy nhiên, cần thấy rằng vấn đề xử phạt này cũng tương đối khó vì sự việc đã xảy ra, người chồng phải ký vào biên bản mới có thể xử phạt được.

Bạn đọc Triệu Thị Mai (Quận Hai Bà Trưng) hỏi:

Chồng tôi không biết uống rượu, cờ bạc, hay ngoại tình bồ bịch. Cái làm tôi căng thẳng mỗi ngày là mỗi khi anh ta đi làm về thường chửi bậy với vợ con, nói những câu rất khó nghe. Nay con gái tôi đã lớn, chứng kiến bố nói bậy, cháu cũng thấy xấu hổ. Có lần tôi đã làm đơn xin ly hôn, vậy lý do tôi đưa ra như vậy có được ly hôn không?

Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 18
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Trước tiên, chúng tôi rất cảm thông với hoàn cảnh của bạn. Người chồng thường lăng mạ, chửi bậy với vợ con đó là hành vi bạo lực gia đình vi pham điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: “lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Với hành vi vi phạm của người chồng như vậy, bạn có quyền làm đơn đề nghị công an, UBND phường hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi bạn đang cư trú để trình báo về việc bị bạo lực gia đình và yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý người chồng.
Còn về việc bạn muốn ly hôn, theo quy định của pháp luật hiện hành, bạn có quyền làm đơn xin ly hôn. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình (khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự); Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định việc ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Theo đó, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên, với trường hợp của bạn hỏi, lý do của bạn đưa ra như vậy là có cơ sở để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, cần thấy rằng những trường hợp như thế này xảy ra rất nhiều, nên Tòa án thường rất thận trọng khi giải quyết cho ly hôn. Thực tế, với những mâu thuẫn trầm trọng (về kinh tế, hành vi đánh đập...) giữa hai vợ chồng thì Tòa mới giải quyết nhanh hơn. 
Bạn đọc Phí Thị Thu (Kim Mã, Hà Nội) hỏi:
Chị Nguyễn Thị Hằng thường xuyên bị chồng đánh, mỗi lần đi uống rượu say về nhà lại đe dọa, chửi bới mẹ con chị Hằng. Có lần ngay giữa đêm khuya, anh chồng đuổi chị ra khỏi nhà. Những lần như vậy chị không biết đi đâu chỉ ngồi ở ghế đá của khu dân cư gần nhà để qua đêm. Chị rất muốn tìm đến một địa chỉ tin cậy để giúp chị vượt qua những lúc khó khăn này, thì có thể liên hệ với ai?
Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 19
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Chồng chị Hằng thường xuyên đánh đập, đe dọa vợ con, còn đuổi vợ ra khỏi nhà trong đêm khuya là hành vi bạo lực gia đình vi phạm các điểm a, b, i khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể anh chồng chị Hằng vi phạm 3 hành vi: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự nhân phẩm; có hành vi trái Pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Như vậy, chị Hằng thường xuyên là nạn nhân của bạo lực gia đình; Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây: Một là, yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Hai là, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này. Ba là, được ược cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật. Bốn là, được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này. Năm là, các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Chị Hằng là nạn nhân bạo lực gia đình, được bảo vệ hỗ trợ ở các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Từ viện dẫn quy định pháp luật nêu trên, bạn có thể làm đơn yêu cầu đến Chủ tịch UBND xã, phường nơi bạn cư trú để được bảo vệ hỗ trợ (theo Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình).
Về chế tài xử phạt hành vi bạo lực gia đình này, theo quy định của Điều 57 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ vị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ. Trong trường hợp người chồng có hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ thì phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến: 
Tôi xin trao đổi thêm về vấn đề này. Khi xảy ra bạo lực gia đình, nạn nhân phải báo ngay cho công an gần nhất hoặc UBND cấp xã để có biện pháp bảo vệ. Các biện pháp bao gồm: Biện pháp cấm tiếp xúc giữa người thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân. UBND cấp xã và TAND có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc này với thời hạn là 3 ngày và chỉ thay đổi khi có đơn yêu cầu của nạn nhân. Biện pháp thứ hai là đưa đến nhà tạm lánh hoặc các địa chỉ tin cậy trong cộng đồng. Cấp Trung ương có quyền hạn này.
Hiện nay Hội LHPN Việt Nam có xây dựng ngôi nhà bình yên tại 20 Thụy Khuê; Hoàn Kiếm có xây dựng nhà tạm lánh ở phường Chương Dương; các quận huyện khác xây dựng địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Thực tế khi có xảy ra bạo lực gia đình vào ngày 30 Tết, Chủ tịch xã đã nhanh trí đưa nạn nhân đưa vào Trạm y tế giao cho kíp trực hỗ trợ nạn nhân. 
Bạn đọc Phạm Nguyên (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Những hành vi bạo lực gia đình như thế nào thì bị nghiêm cấm?
Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 20
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
1. Các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 của Luật này.
2. Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Thực tế các hành vi bạo lực gia đình còn xảy ra rất nhiều.
3. Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
4. Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.Thực tế nhiều người dù phát hiện ra các hành vi bạo lực gia đình nhưng không dám báo tin.
5. Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
6. Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.
7. Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình. Việc xử lý hoặc xử lý không đúng còn diễn ra, dẫn đến không thể ngăn chặn được bạo lực gia đình
Một số biện pháp được đưa ra để phòng chống bạo lực gia đình, bao gồm: Thông tin truyền thông về bạo lực gia đình; hòa giải trong gia đình; đưa ra góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư và tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó hòa giải là biện pháp quan trọng nhất dựa trên những nguyên tắc nhất định. Cụ thể là: 
1. Kịp thời, chủ động, kiên trì.
2. Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 
3. Tôn trọng sự tự nguyện tiến hành hòa giải của các bên.
4. Khách quan, công minh, có lý, có tình. 
5. Giữ bí mật thông tin đời tư của các bên. 
6. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
7. Không hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Luật này trong những trường hợp sau đây:
a) Vụ việc thuộc tội phạm hình sự, trừ trường hợp người bị hại yêu cầu không xử lý theo quy định của pháp luật hình sự; 
b) Vụ việc thuộc hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính. 
Cần lưu ý rằng cần hòa giải trong gia đình trước tiên, nếu không thành thì mới đưa ra xã hội.
Bạn đọc Dương Kiều My (Láng Hạ, HN) hỏi:

Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình được quy định như thế nào trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình?


Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 21
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
Một là, yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
 Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời câu hỏi của độc giả.
Hai là, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này.
Ba là, được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật.
Bốn là, được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này (nhưng ở các phường xã hiện hầu như chưa có nơi tạm lánh).
Ngoài ra là các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Bạn đọc Phạm Phương Thùy (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Xin hỏi luật sư, người có hành vi bạo lực gia đình thì phải có nghĩa vụ gì?
Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 23
Ông Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Người có hành vi bạo lực gia đình có các nghĩa vụ:
Thứ nhất, phải  tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực.
Thứ hai, chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Tòa án, UBND cấp xã…).
Thứ ba, phải kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Thứ tư, phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật (rất ít xảy ra, như trường hợp vợ đánh chồng, chồng đánh vợ nhưng người chồng không có đơn từ gì đến cơ quan chức năng…).
Bạn đọc Nguyễn Thị Hòa (Quận Đống Đa) hỏi:

Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình?

Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 24
Bà Phạm Thu Hương trả lời:
Theo quy định tại Điều 3, Luật Phòng chống bạo lực Gia đình được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008, nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình là:
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
1. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
2. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
3. Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ.
4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Thủy (Minh Khai, Hà Nội) hỏi:

Trong những năm gần đây, về cơ bản tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền pháp luật về bạo lực gia đình ở Việt Nam còn khó khăn, mặc dù đã phát hiện nhiều các vụ việc nhưng việc xử lý răn đe các hành vi bạo lực còn chưa đảm bảo. Xin ông cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định các hành vi nào là bạo lực gia đình?

Tọa đàm trực tuyến: Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 26
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Tại Điều 1 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 nêu rõ:
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời câu hỏi của độc giả.
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Trong đó, hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục diễn ra phổ biến, chủ yếu ở miền núi do người dân còn thiếu hiểu biết; tình hình tảo hôn còn diễn ra phức tạp tại các đồng bào dân tộc ít người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần