Tòa gia đình và người chưa thành niên: Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên (GĐ&NCTN) là một trong những nỗ lực của ngành Tòa án trong việc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Giải pháp tính đột phá

Theo quy định tại Điều 30, 38, 45 của Luật Tổ chức TAND, trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện có Tòa GĐ&NCTN. Việc tổ chức Tòa này ở TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện căn cứ vào yêu cầu công việc và thực tế xét xử của mỗi Tòa án; căn cứ vào biên chế đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của từng Tòa án và do Chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định.

 Nhân viên tư pháp tư vấn pháp luật miễn phí cho trẻ

Để việc tổ chức các Toà chuyên trách nói chung, Tòa GĐ&NCTN nói riêng được thực hiện thống nhất trong cả nước, ngày 21/1/2016, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Thông tư số 01 quy định việc tổ chức các Toà chuyên trách tại TAND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và tương đương. Trong đó, quy định cụ thể về thẩm quyền và quy trình tổ chức Tòa GĐ&NCTN.

Tháng 4/2016, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước lập Tòa GĐ&NCTN. Tháng 6/2018, Tòa này tiếp tục được thành lập ở Đồng Tháp. Theo Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, thời gian qua, hệ thống TAND đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tổ chức lại hệ thống các Tòa chuyên trách. Đây là giải pháp có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tòa án nói chung, công tác xét xử, giải quyết các vụ việc về GĐ&NCTN nói riêng. Bên cạnh đó, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái, sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật; tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách; góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất như hiện tại, việc lập các Tòa GĐ&NCTN cũng phải có lộ trình, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Phòng xử án bố trí thân thiện

Hiện, TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi, thuộc thẩm quyền của Tòa GĐ&NCTN .

Theo dự thảo, những vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi không thuộc thẩm quyền của Tòa GĐ&NCTN gồm: Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng; Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS; Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người đủ 18 tuổi trở lên, nhưng người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy là người đủ 18 tuổi trở lên; Vụ án hình sự không có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập.

Dự thảo cũng quy định: Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Tòa án xét xử kín đối với vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục hoặc bị mua bán.

Đối với những vụ án khác nếu có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đáng chú ý, khi xét xử vụ án có bị cáo, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, phòng xử án phải bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của TAND Tối cao quy định về phòng xử án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần