Nhìn lại toàn cảnh về điểm nóng BOT Cai Lậy

Đức Thọ - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trạm thu phí BOT Cai Lậy sau nhiều ngày trở thành điểm nóng của dư luận đã chính thức dừng thu từ 1 - 2 tháng theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ.

 Vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy. Đồ họa: Zing.vn.
Các mốc thời gian
Năm 2014, trạm BOT Cai Lậy được khởi công tại Km 1999+300 trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, do Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư. Trạm được đặt ra để thu hồi vốn cho dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh TX Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1.

Ngày 1/8/2017, dự án chính thức triển khai việc thu phí với giá vé từ 35.000 - 180.000 đồng, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng khiến các tài xế phản đối vì cho rằng mức giá quá cao.

Từ ngày 6/8, các tài xế bắt đầu dùng tiền lẻ mua vé khiến giao thông qua trạm ùn tắc buộc chủ đầu tư phải xả trạm nhiều lần.

Ngày 11/8, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giảm phí.

Ngày 15/8, trước sự phản ứng quyết liệt của các tài xế, BOT Cai Lậy quyết định dừng thu phí.

Ngày 16/8, Bộ Giao thông vận tải đồng ý giảm mức phí 30% cho các phương tiện qua trạm, thấp nhất là 25.000 đồng, cao nhất 160.000 đồng và miễn phí cho các xã ở gần trạm thu phí.

9h ngày 30/11, BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Kể từ mốc thời gian trên đến chiều 4/12, cánh tài xế liên tục dùng nhiều "chiêu" để đối phó với trạm thu phí khiến BOT Cai Lậy phải xả trạm 20 lần.

Tối 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy từ 1 - 2 tháng để làm rõ mọi vấn đề và đề xuất phương án.
Nhiều "chiêu trò" của tài xế

Từ ngày 6/8, để phản đối trạm thu phí, các tài xế bắt đầu dùng tiền lẻ mua vé nhằm kéo dài thời gian qua trạm. Điều này khiến giao thông ùn tắc buộc trạm phải mở barie không thu phí tiếp.
 Yêu cầu trả lại 100 đồng làm khó nhân viên thu phí
Trong lần thu phí trở lại vào ngày 30/11, chủ đầu tư đã có biện pháp đối phó khi mở thêm làn chờ dành riêng cho tài xế trả tiền lẻ nhưng phương án trên hoàn toàn thất bại.

Lúc này các tài xế đã dùng "chiêu" mới, khi đồng loạt đưa tiền 24.500 đồng và 3 tờ tiền 200 đồng, tổng cộng 25.100 đồng để trả mức phí 25.000 đồng và yêu cầu các nhân viên trạm phải trả lại họ đúng số tiền 100 đồng tiền thừa, nếu không sẽ không đi.

Do không có 100 đồng trả lại các tài xế, nên họ không di chuyển xe khiến giao thông qua trạm bị ùn tắc.

Ngay khi chủ đầu tư thông báo đã chuẩn bị sẵn 1.500 tờ tiền mệnh giá 100 đồng để đối phó với "chiêu" mới của các tài xế. Lúc này cánh tài xế lại áp dụng phương án "để quên tiền" để đối phó lại.

Đỉnh điểm trong ngày 2/12 nhiều tài xế cho xe chạy đến khu vực barie rồi nằm ì đó phản đối; đôi co với nhân viên trạm hoặc chất vấn chủ đầu tư việc đặt trạm thu phí sai chỗ; một số khác dừng lại lau xe... Thậm chí một nhóm tài xế thông báo đã chuẩn bị sẵn số lượng lớn tiền xu để tiếp tục "làm khó" trạm thu phí.
Nguyên nhân chính

Sở dĩ các tài xế phản ứng gay gắt như vậy vì họ cho rằng vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy không hợp lý.

Theo họ dự án BOT là để người dân lựa chọn, muốn đi nhanh, đường tốt thì chọn đường BOT. Việc đầu tư, thu phí làm đường là điều tất nhiên. Tuy nhiên, tuyến tránh Cai Lậy chỉ dài 12km, cùng với phần sửa chữa hơn 26km mặt đường Quốc lộ 1A, vị trí đặt trạm là không phù hợp.

Những người phản đối nói BOT Cai Lậy chỉ là tuyến tránh tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 nhưng lại đặt trạm thu phí trên Quốc lộ, dù có đi tuyến tránh hay không họ vẫn phải trả tiền.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật trả lời: Tháng 8/2017, khi trạm thu phí BOT Cai Lậy dừng, Bộ đã tiến hành rà soát toàn bộ dự án này, đặc biệt là dựa vào kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ. Kết quả, thủ tục đầu tư dự án này không sai.
 Hỗn loạn tại BOT Cai Lậy
Tiếp đó, đến tối 4/12, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tiếp tục khẳng định: Tuyến tránh Cai Lậy là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT.

Đây là các dự án được xây dựng theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài xã hội để hiện đại hóa hạ tầng giao thông. Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đang kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả Bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc".

Trong khi đó, trả lời báo chí Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư BOT Cai Lậy đã thực hiện đúng quy định, quy trình nhưng khi có ý kiến băn khoăn, chưa đồng tình, có kiến nghị từ phía nhân dân, doanh nghiệp thì phải lắng nghe để xem xét, đánh giá toàn diện từ đó đề ra những giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Việc luôn tôn trọng ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp để có giải pháp thấu tình, đạt lý, có sự đồng thuận, sự đồng cảm cao và chia sẻ từ phía xã hội là hết sức cần thiết".
Những bất cập

Theo ghi nhận của lực lượng CSGT, từ 7h30 ngày 30/11 đến 18h ngày 3/12, có 14 ô tô ở những tỉnh khác nhau chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối.

Cụ thể, có 4 xe mang biển kiểm soát TP Hồ Chí Minh với các hành vi gây rối không di chuyển và đưa tiền lẻ, số lần gây rối từ 2 - 4 lần.

1 xe mang biển kiểm soát Đồng Nai 2 lần đưa tiền lẻ và gây rối không chịu di chuyển. 3 ô tô mang biển kiểm soát Tiền Giang cũng với các hành vi trên, số lần gây rối là 2 lần.

Ngoài ra, CSGT còn ghi nhận 2 xe mang biển kiểm soát Cần Thơ, 2 xe mang biển kiểm soát Bạc Liêu, 1 xe ở Sóc Trăng và 1 xe ở Cà Mau.

 Nhóm người lạ mặt đe dọa các tài xế
Trong 1 diễn biến khác được báo chí ghi nhận, từ khi BOT Cai Lậy thu phí trở lại thì bắt đầu xuất hiện tại đây những người lạ. Khi thấy xe nào dừng lại lâu, tài xế đôi co với nhân viên thu phí hoặc thắc mắc thì họ lập tức tiếp cận, hăm dọa và đuổi ra khỏi khu vực.

Thái độ của nhóm người này rất dữ tợn và toàn bộ nội dung đe dọa này đã được phóng viên ghi hình. Từ đây dẫn đến việc nhóm tài xế "Bạn hữu đường xa" tổ chức truy tìm nhóm người lạ mặt trên khiến sự việc càng thêm căng thẳng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư BOT Cai Lậy) thông tin, nhóm người lạ không phải là người của trạm mà ở nơi khác, đồng thời cho biết lực lượng bảo vệ của công ty chỉ có trách nhiệm bảo vệ trạm chứ "không thể can thiệp" vào các đối tượng bên ngoài.

Tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy từ 1 - 2 tháng
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành kiểm tra, rà soát một cách toàn diện về dự án này và sẽ báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất. Người đứng đầu ngành GTVT cam kết nếu phát hiện ra cá nhân hoặc tập thể nào sai phạm trong dự án này sẽ kỉ luật nghiêm khắc. Kể cả người sai phạm là Bộ trưởng Bộ GTVT cũng không ngoại lệ.

Sau khi lắng nghe Bộ GTVT trình bày 3 phương án đối với Trạm BOT Cai Lậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định sẽ tạm dừng hoạt động của trạm thu phí này trong vòng 1 - 2 tháng. Đây là thời gian để Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá tổng thể cơ chế chính sách đầu tư đối với các dự án BOT, đẩy mạnh triển khai việc thu phí không dừng ở những tuyến có điều kiện.

Sau khi Thường trực Chính phủ quyết định phương án cuối cùng đối với dự án tuyến tránh Cai Lậy, Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức họp báo để công bố công khai, minh bạch phương án này.

Đánh giá về những vấn đề đang tồn tai ở Trạm BOT Cai Lậy hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.

Trên tinh thần đó, trong khi Bộ GTVT hoàn thiện phương án cuối cùng trình Thường trực Chính phủ quyết định, các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm như khai tăng khối lượng, cũng như xem lại mức phí và vị trí đặt trạm thu phí để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân vừa góp phần thúc đẩy các dự án BOT giao thông. Kiên quyết không được để vấn đề kinh tế phát sinh thành các bất ổn xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần