Đến năm 2025, 50% doanh nghiệp Việt sẽ kinh doanh trên nền tảng số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp phải kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP.

Giá cước truy cập băng rộng sẽ dưới 2% thu nhập của người dân
Đây là những mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho nền kinh tế số của Việt Nam trong quãng thời gian tới. Thông tin này đã được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 đang diễn ra ở Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia và giao Bộ TT&TT soạn thảo Theo dự thảo lần một, phạm vi chuyển đổi số gồm 3 lĩnh vực chính là với DN, cơ quan nhà nước và xã hội với 3 giai đoạn từ khi có hiệu lực đến năm 2022, 2022 - 2025 và 2025 - tầm nhìn 2030.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng

Trong đó, đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công sẽ ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, DN với cơ quan quản lý là trên môi trường số hóa. Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp. Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, dự thảo đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp phải kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP.

Ngoài đề án trên, Bộ TT&TT cũng đang triển khai một số nhiệm vụ khác để tham mưu, trình Chính phủ, tạo điều kiện nền tảng cho sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Phía cơ quan quản lý nhà nước cũng xác định rõ nền kinh tế toàn cầu, cũng như Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, những công nghệ mới, những điều kiện hội tụ dẫn đến sự chuyển đổi ngày càng nhanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.

Nếu như nền kinh tế thông thường, hạ tầng giao thông là sự kết nối cho sự phát triển thì trong nền kinh tế số, hạ tầng số là điều kiện kiên quyết. Hạ tầng số không chỉ phục vụ những nội dung số như truyền thống, mà còn các nội dung sáng tạo, những mô hình kinh tế mới. Những phương tiện, dịch vụ mới được tạo ra nhờ hạ tầng số.

Tuy nhiên, để phát triển, phải xây dựng được sự tin cậy trong hạ tầng số. Người tiêu dùng không thể giao dịch, người tham gia không thể tạo ra sự liên kết nếu không có sự tin cậy. Vì thế, an toàn an ninh mạng, sự đảm bảo trong giao dịch là điều kiện quan trọng để xây dựng hạ tầng số và cho sự phát triển của kinh tế số, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định.

Do đó, trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ chú trọng vào những giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng, tăng cường các giải pháp để chống mã độc, giảm các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài vào Việt Nam, Thứ trưởng chia sẻ.

Thách thức của kinh tế số là khoảng cách từ chính sách đến triển khai

Trả lời trước câu hỏi "Thách thức của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế số là gì?", ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc đi vào triển khai.

Ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch HĐQT FPT
"Chẳng cứ lĩnh vực kinh tế số, mà ở nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam, việc nói và làm không đi cùng nhau", ông Bùi Quang Ngọc nói và cho rằng Chính phủ đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ 2 thập kỷ trước nhưng thực tế, những chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu. Những chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả.
Lấy ví dụ về sự phát triển của kinh tế số tại khu vực công, Phó Chủ tịch FPT cho rằng đây là một lĩnh vực quan trọng để tạo cầu cho sự phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh... lại được triển khai "rất nửa vời". "Khoảng cách giữa hoạch định và triển khai là thách thức của Việt Nam, đó là khoảng trống rất lớn", Phó chủ tịch FPT kết luận.
Bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý, theo ông Bùi Quang Ngọc, cũng là vấn đề cần khắc phục. Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số. Việc chuẩn hóa là sự bắt buộc.
Có cùng quan điểm, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel Nguyễn Việt Dũng cho rằng, để phát triển kinh tế số, nên xây dựng pháp lý theo nguyên tắc cơ bản nhằm tạo nên nhiều tự do, sáng tạo rồi bổ sung, không nên ngồi tưởng tượng các vấn đề để xây dựng pháp lý.
Lấy ví dụ là đầu tư hạ tầng vật lý, theo ông Nguyễn Việt Dụng việc này chắc chắn sẽ yêu cầu nguồn tài chính rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội. Trước đây phần hạ tầng này chủ yếu do DN viễn thông triển khai nhưng hiện nay các dự án chung cư, khu công nghiệp các chủ đầu tư đều tham gia thực hiện. Trưởng ban Chiến lược của Viettel lưu ý nếu quá chú trọng pháp lý trong việc triển khai này thì tiến độ sẽ bị chậm.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel
Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, một vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số là xây dựng hạ tầng văn hóa. Bởi theo nhiều chuyên gia, văn hóa chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro, thất bại là điều kiện quan trọng để đưa ra, phát triển những ý tưởng mới.
Nhà nước cũng nên mạnh dạn để xã hội hoá dịch vụ công, hạ tầng số được cung cấp tới mọi người với chi phí rẻ. Ví dụ doanh nghiệp hiện phải đóng gần một triệu đồng với dịch vụ chữ ký số, song với người dân thì tôi cho rằng nên miễn phí, chi phí không đáng bao nhiêu cả để phổ cập, Trưởng ban Chiến lược của Viettel nói.