Tới 29% trẻ em và thanh thiếu niên gặp vấn đề sức khoẻ tâm thần

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy khó có thể ước lượng một cách chính xác về tỉ lệ mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam nhưng những người tham gia nghiên cứu đều cho rằng vấn đề này đang lan rộng và gia tăng.

Sáng nay 6/2, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội thảo chia sẻ báo cáo kết quả nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam.
Một em học sinh đề nghị mở thêm những phòng tham vấn tâm lý tại trường học để các em có cơ hội được chia sẻ.
Đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam có độ tuổi từ 11 - 24, được nghiên cứu theo 2 phương pháp tiếp cận chính: nghiên cứu tài liệu có sẵn của quốc gia và khu vực và nghiên cứu định tính. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng hai thang đo hạnh phúc có hiệu lực quốc tế đối với 402 học sinh trong hai độ tuổi từ 11 – 14 và 15 -17. Nghiên cứu định tính được tiến hành tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và 2 tỉnh Điện Biên và An Giang.

Tại hội thảo, TS Fiona Samuels - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Phát triển Hải ngoại, báo cáo Kết quả nghiên cứu Sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam cho biết: Tỉ lệ mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, với sự khác biệt về tỉ lệ tuỳ theo tỉnh, giới tính và đặc điểm của người trả lời.

Một khảo sát dịch tễ học gần đây trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh/thành cho thấy mức trung bình các vấn đề sức khoẻ tâm thần trẻ em vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu dịch vụ sức khoẻ tâm thần.

Các loại hình vấn đề sức khoẻ tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là những vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn) và hướng ngoại (tăng động, giảm chú ý).

Tỉ lệ tự tử trong thanh thiếu niên ở Việt Nam được báo cáo là thấp đáng kể so với ước tính toàn cầu. Một trong những nghiên cứu ở 90 quốc gia, tỉ lệ tự tử vị thành niên là 9,1% (Wasserman và cộng sự, năm 2005) trong khi ở Việt Nam tỉ lệ này là 2,3% (Blum và cộng sự, 2012).

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, lạm dụng chất, đặc biệt thuốc lá là phổ biến trong nam vị thành niên Việt Nam (gần 40%).

“Mặc dù tỉ lệ mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần được báo cáo trong các tài liệu có sẵn là tương đối thấp. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia nghiên cứu cùng chung quan điểm cho rằng tuy khó có thể ước lượng được một cách chính xác nhưng cả vấn đề sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội đều đang lan rộng đang lan rộng và gia tăng, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên””- TS Fiona Samuels cho hay.

Những lo lắng, buồn bã và bi quan được thể hiện với tần suất cao hơn trong nhóm trẻ độ tuổi lớn hơn. Và, thường bắt nguồn từ việc cha mẹ đánh lộn, thành viên trong gia đình bị ốm, kết quả học tập ở trường, nỗi sợ bị buộc thôi học, cảm giác không chắc chắn về tương lai và việc phải kết hôn sớm. Biểu hiện của sự lo lắng và buồn phiền gồm có căng thẳng dẫn đến bỏ bữa, đau đầu và nóng giận.

Phổ biến trong mẫu nghiên cứu là những rối loạn cảm xúc, trong đó có trầm cảm và tự tử. Những người tự tử hoặc từng cố gắng tự tử hầu hết là thanh thiếu niên và các em gái.

Và, việc tiếp cận với “lá ngón””sẵn có khiến cho việc tự tử trở lên tương đối dễ dàng. Nguyên nhân dẫn tới ý định hoặc hành vi tự tử của nam và nữ bao gồm sự thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong hôn nhân, các vấn đề trong trường học, gia đình và do sự e dè trong chia sẻ cảm xúc.

Đối với nam giới, nguyên nhân còn bao gồm việc không thể duy trì những đóng góp và hành vi nam tính được kỳ vọng, trong đó bao hàm cả khả năng duy trì gia đình, hộ gia đình.

Nhiều người được khảo sát cho biết những triệu chứng họ đã gặp là cơ thể đau đầu, chán ăn, ngủ kém, gặp ác mộng. Nguyên nhân phần lớn liên quan đến những căng thẳng do áp lực học tập. Riêng đối với các em gái là những căng thẳng do gánh nặng công việc gia đình.

Việc lạm dụng chất rượu, thuốc lá, ma tuý được nhiều người tham gia nghiên cứu đề cập đến và phần lớn liên hệ tới trẻ em trai, nam thanh niên và người chồng.

Báo cáo cũng đưa ra các thông điệp chính. Trong đó, kỳ vọng và áp lực lớn từ gia đình và nhà trường về kết quả học tập tốt, về các chuẩn mực xã hội thường đặt các em gái vào vị thế bất lợi so với các em trai. Sự tăng tiếp xúc với internet là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khoẻ tâm lý xã hội dẫn đến tình trạng cô lập xã hội, lo lắng, buồn phiền, lo âu, trầm cảm, cảm giác tuyệt vọng và trong một số trường hợp là tự tử.