Wednesday, 22:10 13/01/2021
Tôi bị nhiễm Covid-19 tại Anh và nỗi sợ hãi của người Việt
Kinhtedothi - Tôi là Trần Sỹ (Jack Tran), sinh ra và lớn lên ở TP Vinh, Nghệ An, sang học và định cư tại London, Anh từ năm 2002 đến nay. Năm 2020, chúng tôi đã trải qua một năm đầy biến động. Hôm nay là ngày thứ 15 kể từ khi tôi phát hiện mình bị dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tình hình dịch Covid-19 ở Anh đang rất phức tạp, mỗi ngày hàng chục ca nhiễm mới, hàng trăm ca tử vong. |
Những gì trải qua thật khủng khiếpCả 2 vợ chồng tôi đều bị nhiễm Covid-19, nhưng rất may 3 đứa con không bị lây. Nhiều gia đình Việt bên này cũng bị nhiễm bệnh, nhưng tất cả đều tự cách ly và theo dõi tại nhà. Sau khi mấy gia đình người Việt xuất hiện triệu chứng giống cảm cúm, chúng tôi tự đi xét nghiệm, và được trả kết quả qua email thông báo là chúng tôi dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là lần thứ 3 Chính phủ Anh phong tỏa để phòng chống Covid-19. Lần thứ nhất phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ ngày 25/3/2020 kéo dài đến giữa tháng 7/2020. Trong thời gian đó, bệnh viện quá tải, trường học đóng cửa, số ca nhiễm cứ ngày sau lại tăng kỷ lục so với ngày trước, số người tử vong mỗi ngày vài trăm ca. Chưa bao giờ có một dịch bệnh nào khủng khiếp đến vậy. Ai cũng lo sợ, có phần hoang mang.Sau khi hết lệnh phong tỏa, phố xá nhộn nhịp hơn, người dân dần trở về cuộc sống bình thường. Nhưng khi bắt đầu năm học mới vào tháng 9/2020, dịch Covid-19 tiếp tục đợt bùng phát mới. Khi không hạn chế được số ca mắc mới, toàn bộ nước Anh phong tỏa lần thứ 2 vào ngày 5/11. Ở lần này, người bản địa cùng như người Việt tại Anh có phần thờ ơ hơn, bắt đầu thích ứng với dịch bệnh và có tâm lý chủ quan. Trường học vẫn mở cửa, nếu học sinh nào nhiễm bệnh thì tự cách ly ở nhà. Và học sinh khối nào nhiễm Covid-19 thì chỉ khối đó nghỉ 10 ngày, còn các khối khác vẫn đi học bình thường. Đến đầu tháng 12, Chính phủ dần nới lỏng lệnh phong tỏa để “cứu” lễ Giáng sinh, người dân hân hoan được đi làm. Lúc này lại tiếp tục là đợt lây nhiễm mới khủng khiếp nhất từ trước đến nay với 20.000 - 30.000 nghìn ca nhiễm mới và 300-400 người tử vong mỗi ngày, thậm chí có ngày hơn 1.000 người tử vong.
Đường phố vắng vẻ những ngày nước Anh phỏng tỏa lần thứ 3 (ảnh chụp chiều 12/1/2020 tại đường Deptford thuộc quận Greenwick South East London) |
Chiều 12/1, sau 14 ngày tự cách ly, tự theo dõi điều trị ở nhà, tôi đã khỏe lại và lái xe ra đường ngắm phố phường và đi siêu thị mua thực phẩm |
Siêu thị được trang bị nước rửa tay sát khuẩn, người Anh đã bắt đầu có ý thức đeo khẩu trang, nhưng nhiều người dù nhiễm Covid-19 vẫn không đeo khi ra nơi công cộng. |
Những nơi công cộng ở đây đều được trang bị dung dịch sát khuẩn, có khuyến cáo đeo khẩu trang nhưng không bắt buộc. Người Việt mình thì có ý thức đeo khẩu trang, phòng chống dịch tốt hơn. Còn người Anh có lối sống tự do, coi thường dịch bệnh, không thích đeo khẩu trang. Kể cả bị nhiễm, họ vẫn tung tăng ra đường, vào siêu thị, đi mua sắm mà không đeo khẩu trang. Thời gian đầu, họ còn kỳ thị với cả những người đeo khẩu trang.
Các siêu thị ở London thực phẩm luôn đầy ắp và vô cùng phong phú, tuy nhiên, lượng người mua thưa thớt bởi nước Anh đang trong tình trạng lockdown lần thứ 3 |
Những năm trước, năm nào tôi cũng về quê một lần, nhưng riêng năm 2020 đành gác lại mọi nỗi nhớ niềm mong. Giờ đây, tình hình dịch Covid-19 ở Anh đang rất phức tạp, chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Mong lắm!Tôi được biết, hiện Việt Nam đang hạn chế người nhập cảnh về, đặc biệt là cấm các chuyến bay từ các nước có chủng virus biến thể mới, nhất là từ Anh. Kể cả khi được nối chuyến bay trở lại, nếu dịch còn phức tạp, chúng tôi vẫn sẽ không về, bởi mỗi hành khách nhập cảnh về, lại vất vả cả hệ thống chính trị, bản thân người về cũng phải cách ly nghiêm ngặt, chẳng may nhiễm bệnh hay tái nhiễm, làm phiền rất nhiều người. Tôi sẽ đợi khi hết dịch, chắc chắn sẽ về thăm quê, nhớ lắm rồi!