“Tôi không biết nói gì nữa”

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vòng 6 V.League 2020 lại dậy sóng trước “những tiếng còi lạ” của các ông vua sân cỏ tại sân Thiên Trường, Vinh và Gò Đậu (B.Bình Dương). Sau trận đấu, HLV Thanh Sơn của B.Bình Dương chua chát: “Tôi không biết nói gì nữa. Các bạn đã thấy trên sân hết rồi.”

Khi sân cỏ thế giới trở lại sau đỉnh điểm dịch Covid, FIFA cho phép mỗi đội bóng được phép thay 5 người, tối đa 3 lần. Nhưng mới đây, trọng tài thứ 4 Đỗ Thành Đệ chỉ cho phép B.Bình Dương thay 4 cầu thủ.

Luật của ông Đệ

Phút 74, khi trận đấu đang là 1-0 nghiêng về phía đội khách, Bình Dương thay 1 lượt 3 cầu thủ, trước đó họ đa đưa Đại Dương (45’) và Thanh Thảo (60’) vào sân. Nghĩa là theo luật FIFA, họ có đương nhiên có quyền được thay 3 người. Nhưng rốt cuộc, trọng tài thứ 4 Đỗ Thành Đệ chỉ cho phép Sỹ Giáp và Anh Tỷ vào sân. Với cách hành xử “củ chuối” như thế thì trợ lý Nguyễn Đức Cảnh (B.Bình Dương) đã làm um xùm lên khiến trận đấu phải gián đoạn.

Để rồi giám sát trận đấu Trần Hữu Tường và giám sát trọng tài Trần Khánh Hưng phải rời chỗ ngồi xuống “giải nguy” cho các học trò điều khiển trận đấu này. Nhưng rốt cuộc bóng đã lăn nên chủ nhà B.Bình Dương đành ngầm ngùi chấp nhận cái quyết định oái oăm của trọng tài thứ 4 Đỗ Thành Đệ, cầu thủ Hoàng Phương không được vào sân vì “không có biển thay người”.

 "Xin 3, cho 2- tôi thích thế đấy". Ảnh chụp màn hình.

Sau đó B.Bình Dương còn thua thêm 1 bàn nữa trong sự bức xúc của cả BHL, cầu thủ và khán giả nhà. Còn trọng tài Nguyễn Minh Thuận, báo hại phải có 9 phút bù giờ cho những tranh cãi chỉ có ở Việt Nam. Trận đấu sẽ đi vào lịch sử bóng đá FIFA, và sách giảng về luật cho các ông vua sân cỏ trong mục minh họa cho các tình huống khôi hài.

Khi nghe giải thích do trong tay chỉ có 2 bảng thay người nên trọng tài Đệ chỉ cho thay 2 cầu thủ khiến khá nhiều người bật cười thành tiếng. Trước đây, khi chưa có biển báo thay người, sân cỏ thế giới người ta vẫn tổ chức các trận đấu và việc thay người vẫn được tiến hành ngon lành. Giờ đây, chỉ cần bật tivi xem các trận giao hữu, cùng lúc có khi người ta thay nửa đội bóng mà chả cần biển báo gì hết. Sau trận đấu, HLV Thanh Sơn chua chát: “Tôi không biết nói gì nữa. Các bạn đã thấy trên sân hết rồi.”

Vòng đấu này không chỉ chủ nhà B.Bình Dương bức xúc, tiếng còi của trọng tài Trần Định Thịnh bắt việt vị tình huống phản công của Đình Tiến (SLNA) đã cướp mất cơ hội mười mươi của chủ nhà. Nhìn băng quay chậm thì chính trợ lý trọng tài mới là người “việt vị” vì ông vội chạy xuống sâu đến 2m nên không thể quan sát được tình huống này đành phất cờ “cho lành”.

Tắt dần giấc mơ sân Thiên Trường

Chiến thắng 2-0 của Hải Phòng trên sân Thiên Trường đã có sự “trợ giúp” đắc lực của trọng tài Vũ Phúc Hoan. Bàn thắng của Mpande ở phút 40 chắc chắn là không hợp lệ khi Thế Cường đã việt vị trong 1 tình huống rõ ràng là có can thiệp vào pha bóng này. Pha quay chậm cho thấy Lê Thế Cường, ở thế việt vị, tranh chấp với thủ môn Đinh Xuân Việt sau cú đánh đầu của Đồng Văn Trung.

Trong khi đó, cú ra chân của thủ môn Văn Toản dành cho Đỗ Merlo mà trọng tài trọng tài Vũ Phúc Hoan không rút thẻ đã khiến cho “nhà hát của những giấc mơ” ở Nam Định phải sôi lên. Trước đó, phút 72 thì cú ra đòn của Mạnh Hùng phía Hải Phòng dành cho Mạnh Cường cũng xứng đáng phải nhận thẻ vàng thứ 2 nhưng không hiểu sao trọng tài lại tha bổng.

 Ai cũng thấy, chỉ trọng tài không thấy thì Nam Định vẫn thua. Ảnh chụp màn hình

Tiếng còi lạ đã đẩy sâu Nam Định xuống đáy bảng xếp hạng và HLV Văn Sỹ đã phải từ chức trong đắng cay. Chắc chắn, Ban trọng tài sẽ ra án kỷ luật cho tổ trọng tài này nhưng trọng tài Vũ Phúc Hoan vẫn còn mãi nợ người dân thành Nam 1 lời xin lỗi. Là dân trong nghề, HLV Văn Sỹ sẽ đau mãi những điều không nói thành lời mà chỉ có thể bật ra kiểu, bóng đá Việt nó thế.

Khá ngạc nhiên là 3 sai sót của công tác trọng tài kể trên đều dành cho đội chủ nhà, vốn được coi là “yếu thế” trong cuộc chơi mang tên chuyên nghiệp. Xưa nay, mỗi khi làm chủ nhà mà bị tiếng còi bất lợi thì dân trong nghề toàn đùa nhau: “Oan gia gì đâu, chủ yếu là do ăn ở mà thôi”. Nhưng nếu hỏi mãi cũng chả ai chịu nói “ăn ở” là gì?

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần