Tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn phức tạp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 13, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019.

Tài xế ô tô quây trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình gây mất trật tự an toàn giao thông ngày 8/5. Ảnh: Vũ Điệp
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy đã được kiềm chế, giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự, đáng chú ý là xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT… Các lực lượng chức năng đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018), 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018). Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản.

Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương cũng được nhận định có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công an, tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và DN.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cũng chỉ ra nhiều biểu hiện phức tạp về tội phạm, trật tự an toàn xã hội như vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo; đặc biệt có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, gây lo lắng trong Nhân dân. Số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nhiều hơn so với cùng kỳ, gây bức xúc trong xã hội... Ghi nhận các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha cũng cho rằng, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực chưa tương xứng với tình hình thực tế… Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 84,8%…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục cần có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực trật tự xây dựng, thương mại, giao thông, công nghệ thông tin... để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm. Đồng thời, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này…