Tồn kho sản phẩm cao, sản xuất chưa bền vững?

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

10 tháng năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 2,6% tỷ lệ tăng 2015. Bên cạnh ngành khai khoán giảm sản lượng thì tồn kho ngành giấy, điện tử, máy vi tính tăng từ 45 đến 55,4% so với cùng kỳ.

Sản xuất tăng, sản phẩm tồn kho tăng theo

Tháng 10, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 12%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng gần 9%; ngược lại ngành khai khoáng lại giảm hơn 11%.

Tính chung 10 tháng 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn 2,6% so với cùng kỳ năm 2015. Một số ngành có chỉ số tăng cao vẫn giữ vững được nhịp độ tăng liên tục, đó là: Ngành sản xuất kim loại tăng 17,7%; dệt tăng 16,7%; sản xuất xe có động cơ tăng hơn 14%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 14%; sản xuất, phân phối điện tăng 11,8%; công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng hơn 7%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 7,5%.
 Một số ngành sản xuất tiêu thụ hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho cao.
Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đó là: Quảng Nam tăng hơn 29%; Thái Nguyên tăng 26,6%; Hải Phòng tăng 16,6%; Đà Nẵng tăng hơn 12%; Cần Thơ tăng 11%; Bình Dương tăng hơn 9%; Bắc Ninh, Hải Dương và Đồng Nai cùng tăng hơn 8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,3%; Hà Nội tăng 6,8%; Quảng Ninh tăng 5%; Vĩnh Phúc tăng 4,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm hơn 3%.

Chỉ số tiêu thụ 9 tháng của toàn ngành công nghiệp chỉ tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2015; kém tỷ lệ tiêu thụ của cùng kỳ năm 2015 gần 5%.

Sản phẩm của một số ngành tiêu thụ tăng cao nhất đó là: Sản phẩm quang học tăng 16,4%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại, đồ uống cùng tăng hơn 11%; dệt tăng 10,5%.

Ngược lại với đó, có nhiều ngành sản phẩm tồn kho lại tăng khá cao, đó là: Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 55,4%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 45%; sản phẩm xe có động cơ tăng 42,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng hơn 24%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng hơn 23%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2016 là 67,6%, giảm 6% (cùng kỳ năm trước là 73,6%); một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn gần 129%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu hơn 113%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 106,8%.

Nhìn vào những con số kể trên, hầu hết các ngành sản xuất còn gặp khá nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra. Chỉ số chung toàn ngành đã giảm 2,6% so với cùng kỳ.

Cụ thể từng ngành cho thấy: Sản phẩm tiêu thụ của ngành tăng cao nhất là quang học tăng 16,4%, nhưng sản phẩm tồn kho lại tăng 45%. Tiêu thụ sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng hơn 11%, nhưng tồn kho của ngành này lại tăng hơn 23%. Ngoài ra còn nhiều ngành khác cũng có nghịch lý sản xuất tăng ít nhưng sản phẩm tồn kho tăng nhiều hơn.

Như vậy, sản xuất ra nhiều, nhưng tiêu thụ thấp thì lượng vốn đầu tư ứ đọng tăng lên, áp lực lãi suất vốn vay của doanh nghiệp lại đè nặng lên giá vốn hàng bán. Mặt khác vốn chậm lưu thông, thời gian quay vòng vốn trên mỗi chu kỳ sản phẩm dài thêm cũng là gánh nặng tài chính của doanh nghiệp.

CPI tăng là do giá dịch vụ tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,83% so với tháng 9, tăng hơn 4% so với cùng kỳ và tăng 4% so với cuối năm 2015.

Nếu như nhìn vào những chỉ số trên, chúng ta sẽ đánh giá khả năng tăng trưởng của nền kinh tế khá tốt. Nhưng đã như phân tích ở trên, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của 2015 là 2,6%.

Vậy, CPI tăng vì đâu? Tổng cục Thống kê cho biết: CPI tăng là do điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế 20% ở 28 tỉnh, thành phố trên cả nước; giá dịch vụ giáo dục cũng được điều chỉnh tăng trên 7% ở 53 tỉnh, thành phố.... Do đó CPI tháng 9 tăng 0,54%, tháng 10 tăng 0,83%, đều cao hơn dự đoán trước đây.
 Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%.
Giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng 2 kỳ liên tiếp là ngày 5 và 20/10 cũng làm cho chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 4,14% so với tháng trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,17%. Điều này, tác động lên dịch vụ của nhóm ngành giao thông tăng hơn 2%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,31%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%... Và từ ngày 1/10, giá gas điều chỉnh tăng 15.000 đồng/bình 12kg làm cho chỉ số giá gas tăng 4,21% so với tháng trước.

Với tỷ lệ tăng CPI kể trên nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có thể yên tâm với lạm phát vì có thể cả năm vẫn thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, CPI chủ yếu tăng ở các mặt hàng dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý mà không tăng ở lĩnh vực sản xuất sản phẩm. Nếu chúng ta ngoại trừ chỉ số tăng giá dịch vụ thì chỉ số CPI của nền kinh tế tăng bao nhiêu và đã bền vững chưa? Để tìm ra những con số này chỉ có cơ quan chuyên môn là Tổng cục Thống kê và các chuyên gia kinh tế mới có thể làm được.

Điều đáng nói nữa là, nếu sản xuất tăng kém, đồng nghĩa với lương của người lao động trong 10 tháng qua tăng là bao nhiêu, để chi trả được các dịch vụ thiết yếu như: Chữa bệnh, học tập của con cái, chi phí đi lại, chi phí chất đốt, chi phí nhà ở… đã tăng cao?

Tìm được những câu trả lời trên, cũng đồng nghĩa với việc các bộ, ngành, doanh nghiệp sẽ góp phần đưa ra được những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế phù hợp cho quốc gia, từng địa phương, đơn vị từ đó khuyến khích được người lao động nâng cao hiệu quả lao động và đảm bảo đời sống của họ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần