Tổn thất từ kinh tế ngầm

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại lễ tổng kết của ngành thống kê mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cơ quan thống kê hoàn thiện phương pháp tính, tính đúng, đủ kinh tế phi chính thức vào quy mô kinh tế.

Trên thực tế, đã có chuyên gia kinh tế bày tỏ sự nghi ngờ về độ chính xác khi nhìn vào quy mô hơn 5 triệu tỷ đồng của nền kinh tế Việt Nam năm 2017. Theo đó, quy mô nền kinh tế phải lớn hơn do chưa tính hết một số thành tố khác, trong đó có khu vực kinh tế phi chính thức.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 sơ bộ được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tại thời điểm ngày 1/1/2017, cả nước có hơn 5,144 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông nghiệp (hoạt động kinh tế phi chính thức). Trong đó, có khoảng 77% hoạt động dịch vụ xe ôm, hàng rong, bia hơi vỉa hè, bán lẻ hàng hóa ở chợ cóc… Cho dù, các hoạt động kinh doanh này đã được ngành thống kê thu thập dữ liệu để tính toán khi xác định quy mô GDP, nhưng với khu vực như buôn bán hàng cấm (ma túy), buôn lậu, cờ bạc, mại dâm hay hành vi thông đồng, móc ngoặc giữa người quản lý với người thừa hành để bớt xén tiền của, tài sản của Nhà nước, lập quỹ đen… thì việc thống kê ở mức độ tương đối cũng không hề dễ.

Năm 2017, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và bắt giữ hơn 13.800 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, số vụ gian lận thương mại, buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng không biết lớn tới cỡ nào nhưng đã cho thấy hoạt động kinh tế ngầm vô cùng lớn.

Hiện nay, GDP được tính dựa trên những hoạt động kinh tế mà Nhà nước có thể quan sát được, thu thuế và quản lý. Việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế chưa được quan sát là cần thiết. Khi tính thêm khu vực này, quy mô GDP có thể tăng lên, lúc đó tỷ lệ nợ công và bội chi so với GDP sẽ còn rất nhỏ. Nhưng nguy hiểm hơn, nếu tính thêm vào GDP nhưng ngân sách lại đang không thu được gì từ khu vực này có thể dẫn đến hiệu ứng ngược với nền kinh tế, không kiểm soát được nợ công và bội chi.

Do đó, yêu cầu đặt ra cần có cơ chế kiểm soát, minh bạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự phát triển của hệ thống tài chính, khuyến khích không sử dụng tiền mặt cũng sẽ giảm động cơ của kinh tế phi chính thức. Những giao dịch bằng tiền mặt cần thay thế bằng những giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, phải hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đối với các hoạt động nhạy cảm có nguy cơ ngầm, gắn với việc ngăn chặn nạn tham nhũng, bảo kê của đội ngũ không nhỏ cán bộ, công chức hiện nay. Thay vào đó, kích thích tinh thần khởi sự DN của người dân, giảm thiểu cơ hội phát triển của kinh tế phi chính thức.