Tôn vinh văn hóa ứng xử trong gia đình

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” Ngày hội Gia đình Việt Nam diễn ra từ ngày 28 - 30/6 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội). Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền vẫn là khuôn mẫu giáo dục đang trăn trở trong mỗi gia đình Việt Nam.

Hướng về giá trị truyền thống
Trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Cụ thể, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp thực hiện trưng bày chuyên đề “Lễ cưới truyền thống của các dân tộc Việt Nam” giới thiệu tới công chúng các nghi lễ độc đáo trong lễ cưới truyền thống các dân tộc vẫn lưu giữ được đến ngày nay. Ban Tổ chức cũng giới thiệu tới công chúng các khâu chuẩn bị lễ cưới như trang phục, trang sức, vật dụng trong nhà, thiệp mời, giấy hôn thú, âm nhạc, ẩm thực…
 Ảnh minh họa.
Qua đó, Ban tổ chức lần nữa khẳng định lễ cưới là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống, chứa đựng giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục, góp phần làm phong phú thêm những dòng chảy văn hóa của các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đám cưới là khởi nguồn cho một gia đình hạnh phúc, nơi các thành viên trong gia đình sẻ chia, là điểm tựa yêu thương của mỗi người trong suốt cuộc đời.
Trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra trưng bày chuyên đề “Bờ vai ấm áp” gồm 20 câu chuyện cá nhân dung dị, xúc động về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Với sự kết hợp giữa các bài viết, phỏng vấn, hình ảnh và hiện vật, “Bờ vai ấm áp” tập trung vào 3 chủ đề: “Điểm tựa yêu thương”; “Cùng con trưởng thành” và “Điều con muốn nói với cha”. Ban Tổ chức mong muốn tạo ra sự kết nối giữa triển lãm với ký ức người xem, tương tác giúp người xem nhìn nhận lại vai trò của người đàn ông, tình cha con và điều chỉnh hành vi để củng cố, phát triển tình cảm cha con, tình cảm gia đình…
Coi trọng khuôn phép gia đình
Nếu như các năm trước, ngành văn hóa chọn các chủ đề về bữa cơm gia đình để hưởng ứng chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam, thì năm nay, vấn đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” lại trở thành vấn đề cốt lõi để nhà quản lý và các chuyên gia bàn thảo.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Hiền: “Từ xưa tới nay cha ông ta luôn có những câu ca dao, tục ngữ nói về tình cảm gia đình, cách ứng xử trong gia đình. Thời nay, trong gia đình, dù văn hóa ứng xử có thay đổi rất nhiều so với ngày xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được”.
Nhưng guồng quay của xã hội hiện đại dường như đã làm ảnh hưởng phần nào các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Nhiều cha mẹ không lo nghĩ cho con cái mà bỏ bê để tìm hạnh phúc cho ích kỷ bản thân. Nhiều con cái không nghĩ đến tình phụ mẫu mà bất chấp mọi thứ cũng chỉ vì tiền khiến cha mẹ đau lòng. Một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một cách dễ dàng và khá phổ biến.
Những giá trị đạo đức truyền thống đang bị xói mòn mạnh mẽ. Các nghiên cứu về gia đình đã chỉ ra được những thay đổi các giá trị đạo đức truyền thống, những giá trị vốn được xem là chuẩn mực đạo đức từ trước đến nay. Một phần của nguyên nhân này là do các gia đình đã chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục các giá trị truyền thống cho con em mình.
Bên cạnh đó còn là sự gia tăng của những hiện tượng như ly hôn, ngoại tình…Nền tảng đạo đức, chuẩn mực gia đình có nguy cơ bị phá vỡ. Do vậy hàng loạt những vấn đề xã hội đã nảy sinh, len lỏi vào từng gia đình và trở thành những bức xúc của gia đình. Và để đề cao giá trị văn hóa ứng xử trong gia đình thời hiện đại, rất nhiều hoạt động hướng về giá trị gia đình truyền thống đã được ngành văn hóa và các đơn vị quan tâm thực hiện trong đợt kỷ niệm này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần