Tổng Bí thư: Cần xử lý nghiêm minh những kẻ chống đối Nhà nước với động cơ xấu

Trần Long - Ảnh Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số ĐB Quốc hội đoàn Hà Nội đã tiếp xúc cử tri 2 quận Thanh Xuân và Hà Đông, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Tham gia buổi tiếp xúc cử tri còn có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân.
Nhiều vấn đề "nóng" được cử tri kiến nghị
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều đánh giá Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội có nhiều đổi mới so với những kỳ họp trước. Quốc hội đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng và đã biểu quyết thông qua 6 luật, 6 nghị quyết. Đây đều là những quyết sách quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nhiều vấn đề "nóng" trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như: Vấn đề PCCC tại các chung cư cao tầng, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị, cải tạo chung cư cũ bị chậm tiến độ... và đề nghị ĐB Quốc hội tăng cường giám sát.
Cử tri Nguyễn Khắc Sủng (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn con người và tài sản. Nguyên nhân do nhận thức của người dân về PCCC còn hạn chế, hạ tầng chưa đảm bảo gây khó khăn và việc bố trí thiết bị chữa cháy chưa phù hợp. Từ đó, cử tri Nguyễn Khắc Sủng đề nghị, các cơ quan chức năng cần dành nhiều thời lượng trên truyền hình và báo chí để tuyên truyền cho người dân hiểu; ngành xây dựng cần nghiên cứu quy chuẩn cho các nhà cao tầng để đảm bảo PCCC. Ngoài ra, cử tri này cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp và lộ trình để giảm vấn đề ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm đang nhức nhối như hiện nay.
Trong khi đó, cử tri Phạm Văn Bình (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) băn khoăn về tình trạng chung cư cũ hiện nay dân cư đông đúc, không có nơi trông giữ xe, nhiều công trình sử dụng chung có dấu hiệu hư hỏng không đảm bảo an toàn cho người sử dụng nhưng đến nay việc cải tạo vẫn bị chậm. Để đảm bảo an toàn cho người dân và đẩy mạnh tiến độ cải tạo chung cư cũ, cử tri Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định giao cho HĐND xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cho phép về hệ số đền bù, khuyến khích chủ đầu tư có khả năng tài chính nghiên cứu lập quy hoạch, ấn định thời gian cải tạo cụ thể đối với những chung cư đã hết tuổi thọ thì mới đẩy nhanh được tiến độ.
Cử tri Trần Lan Hương, quận Thanh Xuân phát biểu ý kiến.
Nói về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, cử tri Bùi Văn Cường (phường Dương Nội, quận Hà Đông) đặt câu hỏi với Tổng Bí thư và các đại biểu Quốc hội về thời gian dự án hoàn thành và đi vào sử dụng cũng như lợi ích về kinh tế - xã hội của công trình này thực tế ra sao.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, trước các kiến nghị thuộc thẩm quyền của TP, trong đó có vấn đề về PCCC, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: Là người trực tiếp phụ trách vấn đề PCCC trên địa bàn TP nên thấy kiến nghị của cử tri là rất đúng. Đối với vấn đề PCCC, Hà Nội đã rất quyết liệt trong thực hiện nâng cao nhận thức PCCC cho người dân. Bên cạnh đó, TP đã cho công khai danh tính các tòa nhà vi phạm PCCC và sẽ có lộ trình để xử lý theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân.
Còn đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ bị chậm tiến độ mà cử tri quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, vấn đề quy hoạch TP đã giao cho 19 đơn vị kiểm tra, rà soát để tham mưu và hiện đang đẩy nhanh tiến độ để sớm thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, TP đang vướng vì chưa có cơ chế đặc thù đối với việc xử lý một số chung cư cũ trong nội đô nên đang đề xuất Chính phủ xin ý kiến...
Phải tỉnh táo trước các âm mưu phá hoại
Tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của cử tri. Theo Tổng Bí thư, các kiến nghị của của tri phản ánh đều đúng và "không cãi vào đâu được". Bởi, đây đều là các ý kiến rất thiết thực, xác đáng, sát với đời sống hàng ngày của người dân và đã theo sát diễn biến Kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Đồng thời, Tổng Bí thư đã dành một lớn thời gian để nói thêm về các vấn đề liên quan đến Dự án Luật Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) đã được lùi lại và Luật An ninh mạng mới được thông qua trong Kỳ họp thứ 5. Liên quan đến 2 luật này, Tổng Bí thư nhận định, gần đây dư luận cũng như báo chí trong nước đang sôi sục, xảy ra chuyện biểu tình. Lợi dụng lòng yêu nước của Nhân dân, các phần tử xấu đã kích động gây rối. "Chúng ta cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu, chống đối với động cơ xấu", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị.
Giải thích riêng về Luật Đặc khu, Tổng Bí thư cho biết, Việt Nam có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế từ những năm 1990. Nhà nước nhìn nhận đây là một cách để thu hút đầu tư và cũng vấn đề "khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng". "Nghị quyết của T.Ư cùng các chỉ thị đều có nêu rõ làm thế nào cho hiệu quả vì liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội; làm sao vừa phát huy được sức mạnh trong và ngoài nước nhưng phải đảm bảo chủ quyền. Còn thiết kế cụ thể thế nào mỗi nước mỗi khác, mỗi khu vực mỗi khác. Khi có ý kiến đóng góp thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội thấy cần lắng nghe, tiếp thu và lúc nào hoàn thiện được tốt mới thông qua", Tổng Bí thư khẳng định.
Nói thêm về nội dung cho thuê đất 99 năm, Tổng Bí thư cho biết, theo pháp luật hiện hành thì thời hạn cho thuê đất được quy định không quá 70 năm. Nhưng do đây là đặc khu nên theo dự kiến ban đầu để khuyến khích đầu tư thì đưa ra quy định không quá 99 năm. Tuy nhiên, để được thuê đất với thời hạn đó thì phải thông qua nhiều quy trình và Thủ tướng phê duyệt mới được làm.
"Lợi dụng điểm này để nói Trung Quốc vào 99 năm là mất nước và kích động đi biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước, dẫn đến làm việc chống đối, phá hoại. Bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật và kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để âm mưu việc khác, có bàn tay phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài", Tổng Bí thư chỉ rõ và mong muốn cử tri hết sức tỉnh táo, bình tĩnh và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để đập tan âm ưu phá hoại.
Về những vấn đề được nêu ra liên quan đến Luật An ninh mạng, Tổng Bí thư cũng cho rằng có sự kích động. "Trên thế giới, rất nhiều nước có luật này. Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, có nhiều lợi ích nhưng mặt khác quản lý rất khó. Từ đây, có kích động, biểu tình, gây rối và lật đổ chính quyền. Do đó, cần luật này bảo vệ chế độ này, không thể để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi. Chúng ta phải khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ. Điều này lợi thì rất lợi nhưng rất nguy hiểm nếu không cảnh giác. Vì vậy, phải có luật bảo vệ an ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia và quyền công dân", Tổng Bí thư nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần