Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng: Sự định hướng toàn diện và cấp thiết

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết quan trọng “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Đánh giá về việc người đứng đầu của Đảng sớm có bài viết với những định hướng cụ thể, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, đây chính là “kim chỉ nam” quan trọng để các cấp ủy, tổ chức Đảng phải đề cao trách nhiệm, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị. Ảnh: TTXVN
Có cái nhìn dài hạn
Đại hội Đảng bộ các cấp sẽ được tổ chức trong năm 2020, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước khi tiến tới Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào đầu năm 2021. Hiện các công việc ban đầu chuẩn bị đang được cấp ủy các cấp triển khai. Như nhiều ý kiến nhận định, cùng với những định hướng lớn đã được chỉ ra trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, những chỉ đạo rất cụ thể về tất cả các công việc cần lưu ý trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa qua chính là căn cứ tốt, giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng “biết việc phải làm”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh:

Chú trọng từng ý kiến để chọn được nhân sự tốt

Về chuẩn bị công tác nhân sự, trong bài viết này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc kiên quyết không để lọt vào khóa mới người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền, suy thoái tư tưởng đạo đức… Theo tôi, quan điểm chỉ đạo này đã được đề cập từ nhiệm kỳ trước và tiếp tục được nhấn mạnh quán triệt sâu hơn trong nhiệm kỳ này.

Quan trọng nhất hiện nay là ngay từ cấp ủy cơ sở cần rà soát, sàng lọc, theo dõi và lắng nghe ý kiến qua nhiều kênh; qua đó, kiểm tra, theo dõi cho sát. Bởi thực tế khi quy hoạch, cán bộ đó tốt, nhưng trong quá trình vận động có thể có vấn đề phát sinh, nên cần nghiêm túc lắng nghe ý kiến phản ánh nhiều chiều, kể cả ý kiến đánh giá của nơi người đó công tác về chất lượng thực hiện công việc. Chỉ một ý kiến thôi cũng phải chú trọng không thể để lọt, vì đó là “tai, mắt” của Nhân dân phản ánh. (Thùy Linh ghi)
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định, việc chỉ đạo dù là yêu cầu tất yếu, nhưng trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khái quát rất rõ những nội dung cần lưu ý, từ yêu cầu với việc tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, việc chuẩn bị văn kiện, lấy ý kiến đóng góp, đến việc chuẩn bị nhân sự… Đồng thời, bài viết được ban hành sớm, rất kịp thời sẽ là cơ sở để điều chỉnh sớm những hạn chế từ cấp cơ sở.
Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở, việc tập trung chuẩn bị cho đại hội là công việc quan trọng lúc này, tuy nhiên không được làm ảnh hưởng đến các mặt công tác khác. Đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu lớn là xây dựng báo cáo chính trị - văn kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, báo cáo phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, đánh giá đúng thực trạng, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục… “Đánh giá đúng bao giờ cũng là một việc khó, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp khoa học, thái độ nghiêm túc, chân thành, trung thực của từng cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viết.
Rất quan tâm đến những chỉ đạo về chuẩn bị văn kiện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng và rất cần thiết để cùng nhau tập trung nghiên cứu có được văn kiện chất lượng cao đưa ra đại hội và biến thành nghị quyết để triển khai vào cuộc sống, chứ không chỉ là báo cáo thành tích. Đồng thời, từ T.Ư đến các cấp cũng nên xem xét, bổ sung những vấn đề về đường lối, chính sách, cương lĩnh của Đảng sao cho phù hợp với yêu cầu mới, tình hình mới, phát triển bền vững.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng, chuẩn bị cho đại hội Đảng không chỉ có công tác nhân sự, còn nhiều nội dung khác rất quan trọng, trong đó có văn kiện. “Tôi rất quan tâm đến việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý đến việc tổng kết những mô hình mới, cách làm hay của các địa phương đưa vào văn kiện. Đó là những vấn đề đại hội lần này phải tổng kết được, để từ đó định hướng trong thời gian tới. Hơn nữa, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc nhở, đây không chỉ là chuẩn bị cho một nhiệm kỳ, mà phải có tầm nhìn xa, hình dung trong 10 - 15 năm tới hướng phát triển sẽ thế nào. Không chỉ T.Ư, đại hội các cấp cũng phải giải quyết được điều đó”.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình với những chỉ đạo rất mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để khắc phục sự thụ động, trông chờ, "trên nóng dưới lạnh", cục bộ, nhiệm kỳ. Giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc đang tồn tại mà bắt đầu bằng việc đánh giá đúng thực trạng mới tạo ra giải pháp mới.
Chọn được đội ngũ cán bộ xứng đáng
Qua bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, một vấn đề nữa được nhiều cán bộ, đảng viên đồng tình chính là những chỉ đạo sát sao về công tác chuẩn bị nhân sự. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã viết, “công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc”. Đồng thời, việc tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy; nghiêm cấm việc tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ... cũng được nhắc đến.
Như PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc và nhiều ý kiến nhận định, qua bài viết có thể cho thấy thái độ kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính...
“Tất nhiên đòi hỏi tuyệt đối là rất khó, vẫn có những trường hợp bị méo mó, nhưng đó là thực tế cuộc sống. Nếu ngay từ đại hội Đảng bộ các cấp đã làm tốt công tác nhân sự, sẽ tạo thuận lợi nhiều cho Đại hội XIII của Đảng”- PSG.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định. Đồng thời hy vọng, để tránh những tiêu cực sau lựa chọn, cần phải kiểm soát quyền lực tốt. Sự lựa chọn cũng phải thực sự trong sáng, minh bạch, được thảo luận kỹ càng
Từ những chỉ đạo rất cụ thể trong bài viết, nhiều ý kiến nhận định, các cấp ủy, tổ chức Đảng sẽ có nhận thức đúng về việc cần làm. Nếu tuân thủ những lưu ý ấy, chắc chắn việc chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp sẽ tốt hơn ở mọi mặt.
Ông Lê Trọng Hùng, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 10, phường Khương Thượng, quận Đống Đa:

Mong công tác chuẩn bị đại hội thật tốt

Qua bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tôi mong công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp cần phải chuẩn bị thật tốt các khâu. Trong đó, tinh thần của báo cáo chính trị phải đánh giá đúng tình hình cụ thể, rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan. Việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các nghị quyết của T.Ư, của các cấp, nhất là nghị quyết về xây dựng Đảng cần phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ sắp tới.

Đặc biệt, trong công tác nhân sự, phải bảo đảm chất lượng yêu cầu, đưa vào cấp ủy người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh. (Thảo Trần ghi)
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An:

Rõ thời gian hoàn thành cho từng công đoạn

Tư tưởng đưa ra trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là rất chuẩn, nhưng theo tôi, cần chỉ rõ trách nhiệm theo từng công đoạn, trong đó rõ người theo dõi, giám sát; đồng thời phải rút kinh nghiệm thường xuyên, có vấn đề gì thì phải điều chỉnh ngay để đạt được mục tiêu đặt ra; quy rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương... nếu không dễ dẫn đến “quy trình đúng” nhưng sản phẩm không đạt yêu cầu. Từ cấp xã, cần công khai cho người dân biết về từng công đoạn chuẩn bị được giao cho ai chịu trách nhiệm chính. Thậm chí, cần công khai cả danh sách dự kiến ứng cử cấp ủy nhiệm kỳ tới, để người dân cùng giám sát, góp ý. Đây có thể là một phương pháp cần được lưu tâm khi chuẩn bị Đại hội lần này. (Linh Nguyễn ghi)