Tổng Bí thư: Phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Tham gia buổi tiếp xúc cử tri còn có Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.
Bày tỏ niềm vui và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cử tri Nguyễn Phương Khánh (phường Bưởi), chúc mừng thành công Hội nghị T.Ư 7 vừa qua với hai điểm nhấn đặc biệt đó là công tác quy hoạch cán bộ và cải cách tiền lương.
Trong khi đó, cử tri Đặng Đức Quy nêu, dư luận cho rằng vi phạm của cán bộ như vừa qua là do công tác quản lý cán bộ có nhiều lỗ hổng. Đặc biệt, việc nhiều cán bộ công an bị xử lý vi phạm pháp luật. Ông Đặng Đức Quy cho rằng, phải chăng có những kẽ hở trong cơ chế chính sách để cho những kẻ cơ hội lợi dụng. Bên cạnh đó, việc đề bạt cán bộ đều đúng quy trình nhưng vì sao vẫn để lọt cán bộ không đủ đức, đủ tài. Từ đó, ông Đặng Đức Quy kiến nghị Quốc hội cần làm rõ và giám sát chặt chẽ hơn nữa thì mới lấy được lòng tin của dân.

Đề cập tới Luật Giáo dục sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội sắp tới để xem xét sửa đổi, cử tri Vũ Duy Hà (phường Nhật Tân) mong muốn sớm có chương trình sách giáo khoa hợp lý, cải tiến ổn định cho các đối tượng và phải có định hướng chiến lược lâu dài. Bởi, chương trình sách giáo khoa nếu cứ thay đổi liên tục sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống giáo dục. Ngoài ra, cử tri Vũ Duy Hà cho rằng, các phương án thi cũng cần phải có định hướng lâu dài và không nên thay đổi liên tục như hiện nay.
Cử tri quận Tây Hồ phát biểu ý kiến.
Tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá, góp ý của các cử tri và hứa sẽ tiếp thu đầy đủ để phản ánh với Quốc hội. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng gửi lời cảm ơn tới cử tri đã luôn khích lệ, động viên trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.

Đề cập đến vấn đề cử tri quan tâm là công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư nói: "Có tâm tư lo làm ra thì sẽ mất uy tín, nhưng ngược lại nếu chúng ta che dấu thì đó mới là mất uy tín, còn chúng ta làm ra thì sẽ tạo được niềm tin trong Nhân dân. Thực tế thì chỉ có một số cán bộ suy thoái thôi bởi con sâu làm rầu nồi canh. Tuy nhiên, chúng ta phải làm cẩn thận, chắc chắn và làm từng bước thì mới hiệu quả. Tôi vẫn nói, chống tham nhũng giờ thành phong trào và thành xu thế rồi. Khi phong trào đã lan ra trong toàn xã hội thì không ai đứng ngoài cuộc được”.

Theo Tổng Bí thư, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực mà làm được thì Đảng ta càng trong sạch. Đây là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ và chúng ta phải làm từng bước cho chắc chắn. Làm để giữ được niềm tin, làm để củng cố lực lượng. Không phải cứ xử lý thật nặng mới tốt, mà chính là người vi phạm phải nhận ra sai lầm khuyết điểm của mình.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng cử tri quận Tây Hồ.
Đồng tình với ý kiến của cử tri về việc phát huy vai trò giám sát ở cấp cơ sở, Tổng Bí thư cho rằng, hiện đây vẫn là khâu yếu. Vì vậy, sắp tới cần phải chấn chỉnh để tạo sự đồng bộ, cả hệ thống vào cuộc để cán bộ không dám, không thể và không cần tham nhũng. Ngoài ra, để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả thì phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phải kiên trì, kiên quyết, làm có bài bản và không được nóng vội.

“Chống tham nhũng phải kết hợp thực hiện các Nghị quyết khác của T.Ư cho đồng bộ như: Nghị quyết T.Ư 6, Nghị quyết T.Ư 7… cũng là tạo điều kiện và phối hợp để ngăn chặn tham nhũng. Đồng thời, cũng phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Phải làm đồng bộ rất nhiều việc với tinh thần là phát huy kết quả vừa qua, sắp tới tiếp tục làm và phải làm quyết liệt, có hiệu quả hơn nữa thì cuộc chiến này mới thành công”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
TP Hà Nội luôn đặt lợi ích của người dân lên đầu
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, trước các kiến nghị thuộc thẩm quyền của TP, trong đó có vấn đề cử tri phản ánh về phí bảo trì, sử dụng chung riêng và PCCC tại Tòa nhà F (phường Xuân La, quận Tây Hồ), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Ban quản lý tòa nhà kiểm tra lại diện tích sử dụng chung riêng, nếu không thỏa thuận được thì làm đơn ra tòa để giải quyết dứt điểm. Còn đối với 2% phí bảo trì, hiện các đơn vị chức năng đang thẩm định lại hợp đồng mua nhà của toàn bộ người dân để thống nhất với chủ đầu tư về việc yêu cầu đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định. Riêng với PCCC, TP đang chỉ đạo các đơn vị rà soát và có phương án sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người dân tại Tòa nhà F nói riêng và toàn trên địa bàn toàn TP nói chung.

Đối với ý kiến của cử tri về việc tạo công ăn việc làm cho thanh niên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, hàng năm Hà Nội đều có quỹ hỗ trợ cho người dân, hộ nghèo, thanh niên phát triển kinh tế khởi nghiệp, phát triển kinh doanh qua ngân hàng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, từ 1/10/2017, Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp TP Hà Nội đã chính thức được khai trương và đi vào hoạt động. Theo đó, các startup trên địa bàn và các thanh niên khởi nghiệp có ý tưởng sáng tạo mang tính khả thi sẽ được hỗ trợ kinh phí để khởi nghiệp. TP cũng đã chỉ đạo Sở KH&ĐT xây dựng và ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên trên địa bàn TP. Ngoài ra, Thành đoàn cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp cho các đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN, Bộ KH&ĐT xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên.

Còn về vấn đề lát đá tự nhiên tại các vỉa hè, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã có những tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ cả về đá và cách thi công. Đồng thời, đã quy định chỉ có nơi nào vỉa hè đã hạ ngầm xong toàn bộ đường điện, cáp, chỉnh trang xong hệ thống ánh sáng, trồng mới bổ sung toàn bộ cây xanh khi đó mới được lát đá. Hiện nay, TP đã giao các cơ quan tiến hành thanh tra và xử lý đối với những đơn vị sai phạm.