Tổng Công ty Khoáng sản: Nhiều gói thầu tiền tỷ phát hành hồ sơ mời thầu trái quy định

Nhóm Phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bài 1, “Dấu hiệu bất minh gói thầu trăm tỷ tại Tổng Công ty Khoáng sản” đăng tải ngày 25/3/2020, báo Kinh tế & Đô thị đã đề cập đến Gói thầu Mua sắm ô tô tự đổ 55÷60 tấn (8 xe), thuộc Dự án Đầu tư bổ sung thiết bị để duy trì, phục vụ sản xuất năm 2019 của Tổng Công ty Khoáng sản (VIMICO) giá gói thầu lên tới 116 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải gói thầu duy nhất mà VIMICO đưa xuất xứ, nhãn hiệu vi phạm các hành vi cấm trong đấu thầu.

>> Dấu hiệu bất minh gói thầu trăm tỷ tại Tổng Công ty Khoáng sản

Tùy tiện cài cắm để hạn chế nhà thầu với hàng loạt gói thầu tiền tỷ

Điển hình đối với Gói thầu số 15 “Mua sắm máy khoan đào lò" thuộc dự án Khai thác mỏ đồng Vi Kẽm, Bát Xát, Lào Cai (điều chỉnh). Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Nhà thầu trúng: Công ty cổ phần đầu tư Vcapital, giá trúng thầu 10.750.000.000 đồng. (Quyết định phê duyệt Kết quả Phê duyệt lựa chọn nhà thầu -  KQLCNT số 94/QĐ-VIMICO  do Tổng Giám đốc Trịnh Văn Tuệ ký ngày 21/01/2019).

 Tổng Công ty Khoáng sản. (Ảnh minh hoạ)

Tại Hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu trên, chủ đầu tư VIMICO yêu cầu xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực nhà thầu, nhà sản xuất. Cụ thể, đối với hàng hóa mà nhà thầu chào thầu từ các nước thuộc nhóm EU và G7 được đánh giá cao hơn các khu vực khác. Đồng thời, nếu hàng hóa chào thầu từ các hãng sản xuất như AlasCopco, Caterpillar, Sandvik cũng được đánh giá cao hơn các hãng sản xuất khác.

Chưa hết, trong HSMT của gói thầu, để đáp ứng yêu cầu của VIMICO, nhà thầu tham gia phải có hệ thống dịch vụ sau bán hàng, có địa chỉ liên hệ, có trung tâm chăm sóc khách hàng được nhà sản xuất ủy quyền tại Miền Bắc với thời hạn còn hiệu lực ít nhất 2 năm kể từ ngày mở thầu.  Đối với với những nhà thầu không đạt được yêu cầu trên, VIMICO thậm chí không cho tính điểm (theo thang điểm tối thiểu).

Trong khi, theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Cũng liên quan đến việc tùy tiện áp dụng tiêu chí “nhãn hiệu, xuất xứ” hàng hóa, Gói thầu “Mua sắm máy xúc đào bánh lốp công suất lớn hơn hoặc bằng 163HP (01 cái) thuộc dự án thiết bị khai thác phục vụ sản xuất. Hình thức đấu thầu: Chào hàng cạnh tranh trong nước, qua mạng. Phương thức lựa chọn nhà thầu: Một giai đoạn một túi hồ sơ. Nhà thầu trúng: Công ty Cổ Phần Vật Tư Mỏ Địa Chất - Vimico. Giá trúng thầu 4.248.800.000 VNĐ(Quyết định phê duyệt Kết quả Phê duyệt lựa chọn nhà thầu -  KQLCNT số 04/QĐ-VIMICO  do Tổng Giám đốc Trịnh Văn Tuệ ký ngày 11/03/2020).

Tại Hồ sơ yêu cầu (HSYC) của gói thầu này, VIMICO cũng đưa nhãn hiệu thuộc các hãng sản xuất HITACHI, HUYNDAI để đánh giá năng lực nhà thầu.

Đáng chú ý, tại kết quả lựa chọn nhà thầu được VIMICO công bố, hàng hóa trúng thầu do 02 nhà thầu cung cấp đều “trúng” những quy định về xuất xứ và nhãn hiệu đã được VIMICO “quy định” tại HSMT và HSYC của 02 gói thầu trên.

Cụ thể, đối với Gói thầu số 15 “Mua sắm máy khoan đào lò", hàng hóa trúng thầu do Công ty cổ phần đầu tư Vcapital cung cấp gồm máy khoán đào lò, loại Sandvik DD210 (thuộc hãng Sandvik), xuất xứ Pháp.

Với Gói thầu “Mua sắm máy xúc đào bánh lốp công suất lớn hơn hoặc bằng 163HP, hàng hóa trúng thầu là loại máy xúc đào Robex 210W-9S (R210W-9S) của do hãng Huyndai sản xuất.

Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, Khoản 5: Về xây dựng HSMT/HSYC và đánh giá HS dự thầu/HS đề xuất quy định: Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; Không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Ngoài ra, liên quan đến việc sử dụng hàng hóa trong nước, về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017, Thủ tướng nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, cataloge của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong HSMT, HSYC khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó. Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc ưu tiên sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước trong trường hợp doanh nghiệp trong nước đủ khả năng sản xuất và đáp ứng yêu cầu.

Theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, HSMT/HSYC hướng tới mục đích chọn được nhà thầu đáp ứng tốt nhất yêu cầu của gói thầu, hay là trở thành chốt chặn loại được các nhà thầu không mong muốn, phụ thuộc rất nhiều vào sự công tâm, trách nhiệm của người “ra đề”.

Quy định luật và các văn bản hướng dẫn đã khá rõ, VIMICO vẫn cố tình cài cắm các điều kiện trong HSMT/HSYC. Dư luận đặt câu hỏi chủ đầu tư có nhằm gây khó khăn cho nhà thầu hoặc tạo điều kiện cho một hoặc một nhóm nhà thầu “ruột” hay không?

Tổng Giám đốc VIMICO phê duyệt đã đúng quy định pháp luật? 

Theo quy định của Luật Đấu thầu, HSMT/HSYC phải được xây dựng đảm bảo khoa học, khách quan, phù hợp yêu cầu cụ thể từng gói thầu, đảm bảo theo đúng quy định, không mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu. Tổ chức, cá nhân vi phạm đối với việc xây dựng HSMT/HSYC, đánh giá HSDT/HSĐX, tùy theo mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 121 đến Điều 124 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 7 khoản 1 điểm b và điểm c quy định, HSMT chỉ được phát hành để lựa chọn nhà thầu  khi đáp ứng các điều kiện như tiêu chuẩn đánh giá, yêu cầu kỹ thuật tuân thủ các quy định về pháp luật đấu thầu.

Quy định rõ ràng như vậy nhưng không hiểu dựa vào cơ sở pháp lý nào để Tổng Giám đốc Trịnh Văn Tuệ phê duyệt HSMT hàng loạt các gói thầu có giá trị lớn cho dù HSMT của những gói thầu mà chúng tôi đề cập đều có những dấu hiệu vi phạm các hành vi cấm trong đấu thầu.

Đó là các gói thầu gồm:

Gói thầu Mua sắm ô tô tự đổ 55÷60 tấn (8 xe), thuộc Dự án Đầu tư bổ sung thiết bị để duy trì, phục vụ sản xuất năm 2019 của VIMICO. Nhà trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái và Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Vinacomin. Giá trúng thầu: 112.189.000.000 đồng

Gói thầu số 15 “Mua sắm máy khoan đào lò" thuộc dự án Khai thác mỏ đồng Vi Kẽm, Bát Xát, Lào Cai (điều chỉnh). Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Nhà thầu trúng: Công ty cổ phần đầu tư Vcapital, giá trúng thầu 10.750.000.000 đồng

Gói thầu “Mua sắm máy xúc đào bánh lốp công suất lớn hơn hoặc bằng 163HP (01 cái) thuộc dự án thiết bị khai thác phục vụ sản xuất. Hình thức đấu thầu: Chào hàng cạnh tranh trong nước, qua mạng. Phương thức lựa chọn nhà thầu: Một giai đoạn một túi hồ sơ. Nhà thầu trúng: Công ty Cổ Phần Vật Tư Mỏ Địa Chất - Vimico. Giá trúng thầu 4.248.800.000 VNĐ

Trước những sai sót trên, dư luận không chỉ đặt ra về năng lực tổ chức đấu thầu của chủ đầu tư mà còn về tính minh bạch, công khai khi tổ chức đấu thầu các gói thầu hàng trăm tỷ đồng của VIMICO với tư cách là chủ đầu tư.

Tại Chỉ thị số 123/CT-TKV ngày 13/6/2017 về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2017 - 2020 của Tập đoàn Than Khoáng sản, trong đó phần quản lý công tác mua sắm, sử dụng vật tư thiết bị nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm việc mua sắm vật tư, nguyên, nhiên liệu thông qua các phương thức đã được quy định trong pháp luật về đấu thầu. Phải đảm bảo giá cả cạnh tranh và quy định về quản lý vật tư của Tập đoàn để đảm bảo chất lượng hàng hoá mua vào.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần