Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Cần cơ chế đặc thù cho từng địa phương

Hồ Hạ (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Chúng ta vẫn thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh tour giá rẻ, tour 0 đồng thì không việc gì phải xóa bỏ loại hình kinh doanh này, nhưng phải chấn chỉnh trong cách quản lý.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Cùng với việc bổ sung một số nội dung vào Luật Du lịch (sửa đổi), cần có cơ chế quản lý đặc thù cho từng địa phương.

Trước những biến tướng của tour 0 đồng, tour giá rẻ, ngành du lịch đã, đang và sẽ làm gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?

- Trước mắt Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ VH,TT&DL, đề xuất với Chính phủ có những cơ chế đặc thù để mạnh tay với những sai phạm, tập trung vào các địa bàn trọng điểm; đề xuất làm thí điểm tại Quảng Ninh, xử lý 15 cửa hàng “khép kín” chỉ bán hàng cho người Trung Quốc; xử phạt nghiêm, hoặc rút giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị lữ hành bán tour hoặc kinh doanh kiểu “khép kín” chỉ bán hàng cho người Trung Quốc. Về lâu dài, Tổng cục sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ VH,TT&DL đề xuất với Chính phủ hoàn thiện Luật Du lịch, đưa vào chế tài bổ sung đối với quản lý Luật Du lịch, có hình thức xử phạt bằng tiền ở mức cao. Đối với một số trường hợp sẽ áp dụng cả luật hình sự vào xử lý nếu thấy nghiêm trọng. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước với Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc để tăng cường trao đổi khách, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch của hai bên.

Việc Quảng Ninh đề xuất thí điểm xây dựng và thực hiện quy chế đặc thù về quản lý khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ?

- Tổng cục Du lịch rất ủng hộ Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Quảng Ninh để xây dựng quy chế này.

Xin ông “bật mí” về một số nội dung trong Quy chế đặc thù trên?

- Quy chế đang được xây dựng, như chúng tôi được biết thì có một số nội dung như: Các công ty lữ hành phải thực hiện chương trình tour trọn gói, nghiêm cấm bán đoàn; Quy định giá sàn để chống hạ giá một cách vô tổ chức nhằm khắc phục tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Cùng với đó, muốn chống tour 0 đồng, tour giá rẻ thì các công ty lữ hành phải tham gia vào 1 câu lạc bộ với cùng chung quan điểm, thực hiện các giải pháp nghiêm túc. Nếu DN nào không thực hiện sẽ không được tham gia vào chương trình này và phải lập chi nhánh, nộp thuế tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù về quản lý khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ vào Quảng Ninh chỉ áp dụng cho địa phương này; Bởi mỗi nơi lại có tính đặc thù khác nhau.

Phải khẳng định tour 0 đồng, kể cả tour giá thấp hiện nay có mặt tích cực bên cạnh những mặt tiêu cực. Vậy, chúng ta cần làm gì để vẫn thu hút du khách và phát huy những mặt tích cực, ngăn chặn tác động tiêu cực, thưa ông?

- Riêng năm 2016, đã có 727.000 lượt khách Trung Quốc lưu trú ở tỉnh Quảng Ninh. Tuy đây là đối tượng khách bình dân, nhưng số lượng lớn, ổn định. Chỉ riêng nguồn thu từ phí visa, vé tham quan vịnh Hạ Long từ khách Trung Quốc đường bộ ước khoảng 330 tỷ đồng/năm, chưa tính các chi phí lưu trú, ăn uống, vận chuyển... Doanh thu từ khách du lịch đường bộ đã đóng góp phần lớn vào doanh thu tại Quảng Ninh khoảng 900 - 1.000 tỷ đồng/năm, tạo ra việc làm ổn định cho 3.000 - 3.500 người, góp phần nâng công suất sử dụng cơ sở lưu trú bình dân và tàu tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, chúng ta vẫn thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh tour giá rẻ, tour 0 đồng thì không việc gì phải xóa bỏ loại hình kinh doanh này, nhưng phải chấn chỉnh trong cách quản lý. Một mặt, chúng ta phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát điểm đến, rà soát, phân loại các điểm cung ứng dịch vụ du lịch, nhất là các điểm bán hàng cho du khách, những tour mang tính chất lừa đảo, chụp giật, bắt chẹt thì phải kiên quyết xử lý. Mặt khác, tăng cường thông tin, tuyên truyền cho khách về các điểm cung ứng dịch vụ tin cậy trên địa bàn. Tăng cường phối hợp liên ngành thuế, quản lý thị trường và du lịch trong quản lý ngoại hối, thanh toán, chuyển tiền quốc tế, chống thất thu thuế, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xử lý tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn tài chính và trốn thuế.

Cùng với đó, phải minh bạch thông tin cho khách, xử lý kiên quyết, kịp thời các DN lữ hành hai bên có hành vi cấu kết để trục lợi bất hợp pháp từ khách du lịch. Đồng thời phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ pháp luật, giáo dục ý thức cho đội ngũ Hướng dẫn viên.

Xin cảm ơn ông!