Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng bị bắt vì hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua các thời kỳ, lãnh đạo của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) liên tục vi phạm pháp luật. Trong đó, ông Lê Tấn Hùng (SN 1963, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI), vừa bị Bộ Công an bắt tạm giam 4 tháng, được xác định có rất nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Bị can Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc SAGRI, sau khi bị bắt đã bị di lý ra Hà Nội tạm giam vào chiều 6/7.
SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được thành lập năm 1996, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản của TP Hồ Chí Minh. SAGRI chính thức hoạt động tháng 7/1997 với 24 đơn vị, trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh.
Năm 2007, SAGRI được chuyển đổi hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con với 5 đơn vị trực thuộc, 7 công ty con, 16 công ty liên kết. Năm 2010, SAGRI chuyển thành Công ty TNHH MTV gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh. Do là Công ty Nhà nước, nên SAGRI được giao quản lý, sử dụng gần 2.000ha đất (tập trung tại huyện Củ Chi) và nhiều bất động sản rải khắp TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo SAGRI các thời kỳ liên tục vi phạm pháp luật, nhưng nghiêm trọng nhất lại xảy ra vào thời kỳ ông Lê Tấn Hùng.
Ngày 29/2, Thanh tra TP Hồ Chí Minh ban hành kết luận thanh tra (KLTT) số 05 với 23 nội dung sai phạm. Cụ thể, hoạt động đầu tư vốn của SAGRI hiệu quả không cao, thua lỗ kéo dài dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc SAGRI hoặc SAGRI có liên doanh, liên kết bị tổn thất (18/28 đơn vị không có lãi). Tính đến ngày 31/12/2016, SAGRI chi tổng vốn đầu tư hơn 1.070 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu về năm 2015 chỉ hơn 53 tỷ đồng (đạt 4,97% tổng vốn đầu tư), năm 2016 chi hơn 33 tỷ đồng (đạt 3,15% tổng vốn đầu tư).
Ngoài thua lỗ trong việc kinh doanh ngoài ngành, các dự án có diện tích hàng trăm ha tại SAGRI đều sai phạm, như: Dự án trồng chuối xuất khẩu tại xã Phạm Văn Cội; Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi). Tuy nhiên, các sai phạm tại 2 dự án trên chỉ là bề nổi, vì lãnh đạo SAGRI còn cố tình chuyển nhượng đất dự án với giá rẻ như bèo.
Đơn cử dự án phát triển nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9), vào thời điểm năm 2013 giá đất liền kề của dự án được bán 29 triệu đồng/m2, nhưng SAGRI… không đấu giá và chỉ bán đất dự án của mình với giá 10,5 triệu đồng/m2, chỉ thu về hơn 168 tỷ đồng. Hay vụ chuyển nhượng hơn 3,6ha đất tại xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) của Công ty CP lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex là Công ty thành viên của SAGRI) cho một cá nhân chỉ với giá 280.000 đồng/m2, trong khi thị trường thời điểm này có giá 3 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, SAGRI còn sai phạm nghiêm trọng tại dự án cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò có diện tích 89 ha với tổng đầu tư 693 tỷ đồng ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Ngoài những sai phạm nêu trên, các lãnh đạo SAGRI còn để tài sản Nhà nước liên tục thất thoát. Cụ thể năm 2011, SAGRI ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án trồng - khai thác cao su với Công ty CP Tư vấn đầu tư Đức Nguyên (Công ty Đức Nguyên - PV) tại tỉnh Đắk Lắk, với tổng trị giá 60 tỷ đồng, trồng 4.000ha cao su tại huyện Ea Súp. Sau khi ký hợp đồng, SAGRI chi 12 tỷ đồng (20%) cho Công ty Đức Nguyên. Thế nhưng đến nay dự án vẫn không được thực hiện! Đối với dự án Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu tại tỉnh Long An, phía SAGRI góp hơn 83 tỷ đồng với Công ty CP Sài Gòn - Việt Hưng từ năm 2010, đến nay không thể thu hồi toàn bộ vốn đầu tư…
Ngoài bị can Lê Tấn Hùng bị bắt về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, còn có bị can Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư thuộc SAGRI).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần