Tổng kết 15 năm hoạt động của Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội: Tạo đà cho nông nghiệp phát triển

Hữu Lạc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động với nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” mà bảo toàn vốn và cho vay đúng đối tượng, 15 năm qua, Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội (Quỹ) đã đạt được nhiều kết quả.

Theo đó, Quỹ đã cho các cá nhân, tổ chức, vay vốn để mở rộng và phát triển các mô hình khuyến nông tiên tiến thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô.
“Tiếp sức” cho nông dân  
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) Vũ Thị Hương, hoạt động sản xuất nông nghiệp cho thấy, nhiều mô hình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư, nên việc nhân rộng các mô hình khuyến nông tiên tiến gặp không ít khó khăn. Từ thực tiễn đó, ngày 27/2/2002, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ban hành “Quy chế về quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội”. Quỹ ra đời đã tạo thêm một kênh tài chính ưu đãi, giúp cho các chủ trang trại, các hộ sản xuất được vay vốn với mức phí thấp để đầu tư mở rộng sản xuất. Giai đoạn đầu có 2 đối tượng được vay vốn của Quỹ là hộ nông dân và chủ trang trại. Sau 5 năm hoạt động (2002 - 2007), để phù hợp với thực tiễn, quy chế quản lý và sử dụng quỹ có một số điều được bổ sung. Theo đó, ngày 10/12/2007, UBND TP ban hành Quyết định số 142/2007/QĐ-UBND bổ sung thêm đối tượng được vay vốn Quỹ là “nông dân, chủ trang trại, HTX, DN vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản, có địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội” vay vốn để mở rộng và phát triển sản xuất. Đây chính là bước đột phá giúp ngành nông nghiệp Thủ đô từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng. Đặc biệt, là một chủ trương đúng đắn, kịp thời gỡ khó cho nông dân nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của nông nghiệp Thủ đô.

Giải ngân vốn Quỹ Khuyến nông tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Khi mới thành lập, Quỹ được Sở NN&PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông trực tiếp triển khai, quản lý. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã kiện toàn bộ máy quản lý Quỹ do lãnh đạo Trung tâm làm Trưởng, Phó Ban chỉ đạo quản lý, sử dụng, bảo toàn Quỹ, có Ban thẩm định hồ sơ, dự án vay vốn. Quỹ được triển khai trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm và một số quận ven đô còn sản xuất nông nghiệp. Sau khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, từ năm 2009, Quỹ được triển khai trên địa bàn 18 huyện, thị xã và 8 quận còn sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý quỹ đi dần vào chuyên môn hóa với việc thành lập các Hội đồng thẩm định và Tiểu ban quản lý cấp TP do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Giám đốc Quỹ làm Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng là lãnh đạo một số phòng chuyên môn của Sở NN&PTNT và của Sở Tài chính Hà Nội. Cấp cơ sở có Hội đồng thẩm định cấp cơ sở và Tiểu ban quản lý Quỹ Khuyến nông thuộc các trạm Khuyến nông quận, huyện, thị xã.
Hiệu quả hoạt động của Quỹ
 Sau 15 năm hoạt động (2002 - 2017) đến ngày 30/6/2017, Quỹ đã giải ngân cho 3.095 lượt hộ vay, với số vốn quay vòng là 507,860 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay để phát triển chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất với 49,66% tổng số hộ vay và 50,88% tổng số vốn đã giải ngân. Ngành trồng trọt có tỷ lệ hộ vay vốn thấp nhất, chiếm 9,95% tổng số hộ vay vốn và chiếm 12,03% tổng số vốn đã giải ngân. Giám đốc Vũ Thị Hương cho biết, mặc dù có nhiều thời điểm khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư tăng cao trong khi giá nông sản bấp bênh có giai đoạn càng sản xuất càng bị thua lỗ. Đặc biệt là ngành chăn nuôi, trong 2 năm 2016 và 2017 gặp vô vàn khó khăn, nhưng do làm tốt khâu tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nên tỷ lệ nợ quá hạn của Quỹ đến thời điểm 30/6/2017 chỉ có 20 hộ với số tiền 3,771 tỷ đồng, chiếm 2,16% tổng nguồn vốn để giải ngân của Quỹ. Nhiều Tiểu ban quản lý Quỹ trong suốt những năm qua không có nợ quá hạn như Trạm Khuyến nông khu vực Nam Từ Liêm - Bắc Từ Liêm, Trạm Khuyến nông Thanh Trì, Trạm khuyến nông Thanh Oai, Đan Phượng… Phần lớn các hộ dân, chủ trang trại đều trả vốn đúng thời gian quy định, chưa để xảy ra tình trạng mất vốn.
Hoạt động của Quỹ đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của người dân. Tạo việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và tiến tới xuất khẩu. Quỹ đã góp phần tạo ra 4.999 tỷ đồng giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Hoạt động của Quỹ đã góp phần khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, tiềm năng về khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình khuyến nông có hiệu quả thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Nam - Bắc Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, đặc biệt vùng chuyển đổi chăn nuôi - thủy sản xã Liên Châu, huyện Thanh Oai… tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đạt từ 250 - 450 triệu đồng/ha canh tác/năm, những mô hình điểm đạt 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm.
 Các phương án vay vốn Quỹ đã tạo ra nhiều mô hình điểm thu hút đông đảo cán bộ khuyến nông, Nhân dân các vùng tới tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trong 15 năm đã có nhiều đoàn cán bộ Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh bạn như Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Phước, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đến tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm về triển khai, quản lý Quỹ Khuyến nông và 2.500 lượt nông dân tới tham quan các mô hình vay vốn đạt hiệu quả kinh tế cao tại Hà Nội.
Để Quỹ Khuyến nông TP phát huy hiệu quả hơn nữa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Trung tâm Vũ Thị Hương kiến nghị, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính báo cáo UBND TP, hàng năm bổ sung nguồn vốn cho Quỹ để đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của bà con nông dân, các trang trại, HTX… trên địa bàn TP. Đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp tham mưu cho UBND TP ban hành sửa đổi quy chế quản lý, sử dụng Quỹ Khuyến nông TP ban hành kèm theo Quyết định 142/2007/UBND cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Mục tiêu trong những năm tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục nâng hiệu quả hoạt động Quỹ Khuyến nông. Tăng cường các khoản cho vay phát triển cơ giới hóa, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu các mô hình vay vốn Quỹ đạt giá trị sản phẩm hàng hóa bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/ha canh tác/năm. Xây dựng những mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm. Tỷ lệ nợ quá hạn không vượt quá 2% tổng nguồn vốn để giải ngân của Quỹ.
Các mô hình vay vốn Quỹ Khuyến nông đã góp phần không nhỏ vào định hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Về lâu dài, mục tiêu quan trọng nhất là nhân rộng mô hình. Muốn làm được điều này, Trung tâm cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ khuyến nông viên cơ sở vì đây là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho nông dân.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại

Đây là lần thứ ba gia đình tôi được vay vốn từ Quỹ Khuyến nông. Hai lần trước vào các năm 2013 và 2015 với số tiền 300 triệu đồng/lần, lần này là 500 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, gia đình ngày càng ăn nên làm ra và luôn hoàn thành đáo hạn đúng hẹn.
Ông Cấn Văn Chiến, thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần