Kết luận thanh tra phải chính xác, kịp thời

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đối với công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và các bộ, ngành, tỉnh, TP tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra (TT) và 3 năm thi hành Luật tiếp công dân diễn ra ngày 12/12.

Xu hướng giảm đơn, thư

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, qua 6 năm triển khai Luật TT, công tác lãnh đạo tổ chức thi hành Luật TT được Chính phủ, TTCP, các bộ, ngành, địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị ngành Thanh tra sáng 12/12.
Tổ chức hoạt động TT luôn bám sát thực tiễn, yêu cầu của quản lý Nhà nước (QLNN). Các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện chủ động, tích cực từ TTCP, các bộ, ngành, địa phương. Hầu hết các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TT đều được ban hành kịp thời và ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu QLNN. Trong 6 năm qua, công tác TT trên phạm vi toàn quốc đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, kiến nghị khắc phục. Mặt khác, các đơn vị đã tích cực, chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực QLNN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động TT trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới về phương pháp từ khâu xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện và kết luận, xử lý vi phạm. Mối quan hệ trong công tác TT, kiểm tra, giám sát, kiểm toán ngày càng hiệu quả.

Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, tình hình công dân đến cơ quan Nhà nước thời gian qua để khiếu nại (KN), tố cáo (TC), phản ánh (PA) có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số bộ, ngành, địa phương. Trong 3 năm qua, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 1.146.409 lượt công dân đến KN, TC, PA, với 13.453 đoàn đông người. Các cơ quan của Quốc hội đã tiếp 4.898 lượt người với 4.597 vụ việc. Tòa án Nhân dân các cấp đã tiếp 404.533 lượt công dân đến KN, TC, PA. Tổng số lượt công dân đến KN, TC, PA tại địa điểm tiếp công dân của Viện Kiểm sát tối cao các cấp là 89.215 lượt người. Riêng trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ XII của Đảng, trụ sở tiếp công dân TƯ đã tiếp 1.585 lượt công dân, trong đó có 53 đoàn đông người. Để ổn định tình hình, TTCP đã thường xuyên chỉ đạo Ban tiếp công dân TƯ cử cán bộ trực tiếp tham gia cùng chính quyền các cấp đối thoại với công dân tại địa phương.

Cần phối hợp hơn nữa

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Những năm gần đây, công tác TT đóng vai trò quan trọng trong QLNN. Từ năm 2010 đến nay, công tác tham mưu của ngành TT đã có nhiều đổi mới, từ công tác xây dựng kế hoạch TT, kết luận TT, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan với cơ quan TT trong giải quyết các vụ việc đã đạt kết quả đáng khích lệ.
 Quang cảnh hội nghị ngành Thanh tra sáng 12/12. 
Tuy nhiên, công tác TT vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc cần sớm làm rõ, làm ngay vẫn chưa thực hiện được. Do vậy, thời gian tới công tác TT cần triển khai đồng bộ, đúng định hướng, đúng kế hoạch công tác TT hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quá trình TT cần phối hợp tốt với Kiểm toán để tránh chồng chéo làm ảnh hưởng đến các cơ quan, doanh nghiệp. Kết luận TT phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, kịp thời, đưa ra hướng xử lý nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước, Nhân dân. Mặt khác, phải tăng cường giám sát, theo dõi việc thực hiện khắc phục hậu quả sau khi có kết luận TT.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Công tác tiếp dân trong giai đoạn hiện nay được coi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác QLNN. Do đó, các cơ quan cần tập trung xây dựng kế hoạch, quy chế tiếp dân theo định kỳ cũng như đột xuất và tổ chức đối thoại với công dân công khai tại cơ sở. Phải bố trí lãnh đạo, cán bộ có tâm, có tầm, biết lắng nghe Nhân dân để trực tiếp dân. Đi đôi với đó, TTCP và các bộ, ngành, tỉnh, TP cần phối hợp tốt, kịp thời trong công tác tiếp dân

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu: Các đại biểu tham dự hội nghị cần tập trung phân tích, làm rõ những điều khoản của Luật vì sao chưa phù hợp. Qua đó, đánh giá, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Luật Thanh tra và Luật tiếp công dân sao cho phù hợp với thực tiễn để cán bộ cũng như Nhân dân sau khi đọc thấy dễ hiểu sẽ giúp cho quá trình thực thi đạt kết quả được cao hơn.