Tổng kết Chương trình số 20-CTr/TU: Nghiên cứu bài bản, công phu, sát thực tiễn

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 2 năm tổ chức triển khai thực hiện, Chương trình số 20-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP (2015 - 2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã được thực hiện đầy đủ, toàn diện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị nghiệm thu cấp TP đề tài “Đánh giá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015 - 2020) và định hướng đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.
Tham vấn hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý
Theo Ban chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm TP Hà Nội, Chương trình số 20 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP; sự đồng thuận, phối hợp của các sở, ban, ngành cũng như hỗ trợ nhiệt tình của một số đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học của T.Ư và Hà Nội, đặc biệt là Hội đồng Lý luận T.Ư. Chương trình xác định 8 nhiệm vụ cụ thể tương ứng với 8 đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị được giao chủ trì đề tài đã tổ chức 43 buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi về những nội dung nghiên cứu, thu hút trên 300 lượt chuyên gia, nhà khoa học và hàng trăm lượt ý kiến từ các nhà quản lý.
Các đơn vị đã công bố gần 50 bài báo trên nhiều đặc san, tạp chí chuyên ngành. Qua đó, những kết quả nghiên cứu, đánh giá và giải pháp đề xuất được công khai, lan tỏa trong cộng đồng, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà quản lý và Nhân dân Thủ đô tìm hiểu, có thêm nguồn thông tin khoa học, tin cậy để tham khảo.
Đánh giá về các đề tài thuộc chương trình, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư cho biết, các đề tài được tổ chức nghiên cứu bài bản, nghiêm túc, công phu. Qua đó, làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn, đánh giá sâu, toàn diện tình hình và những thành tựu xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2015 - 2020; chỉ rõ được những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm cũng như khó khăn, thách thức cần giải quyết. Đồng thời dự báo khái quát bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, những nhân tố có khả năng tác động, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô; đề xuất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, hầu hết các đề tài được đánh giá đạt loại xuất sắc.
3 đề tài hoàn thành vượt tiến độ thời gian
Theo đánh giá của Ban chủ nhiệm, đến nay, những mục tiêu đề ra trong Chương trình đã hoàn thành. Trong đó, 3 đề tài hoàn thành vượt tiến độ thời gian, nghiệm thu trước thời hạn. Đó là các đề tài do Ban Tổ chức Thành ủy, Sở NN&PTNT, Ban Nội chính Thành ủy chủ trì thực hiện.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tổng kết, 8/8 đề tài của chương trình đã được nghiệm thu, là cơ sở lý luận, thực hiện có giá trị quan trọng giúp Thành ủy Hà Nội triển khai việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền TP trong thời gian tới.
Ban chủ nhiệm Chương trình thông tin thêm, kết quả nghiên cứu đã đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện các nội dung mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 8 chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; chỉ ra những kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đảng bộ TP giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 - 2045; góp phần vào việc xây dựng Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã cung cấp đầy đủ luận cứ khoa học góp phần xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 với các chỉ tiêu cụ thể, các kịch bản và phương pháp tính toán khoa học. Các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã được Tiểu ban Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ TP tham khảo, sử dụng trong xây dựng Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI và được đánh giá cao qua các kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ TP giai đoạn vừa qua.
Từ những kết quả trên, Ban chủ nhiệm Chương trình số 20 kiến nghị Thành ủy chỉ đạo, khuyến khích các cơ quan, đơn vị của TP tham khảo kết quả nghiên cứu của Chương trình trong công tác tổng kết lý luận của Đảng bộ TP, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn tới.
Thành ủy đã chỉ đạo và phân công các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ngành trực tiếp tham gia Ban chủ nhiệm Chương trình và chỉ đạo triển khai thực hiện từng đề tài bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, Bí thư Thành ủy làm Chủ nhiệm Chương trình; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Phó Chủ nhiệm Thường trực, trực tiếp chỉ đạo thực hiện đối với Đề tài 08 do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội thực hiện. Chủ tịch UBND TP trực tiếp chỉ đạo đối với đề tài do Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ chủ trì; các đề tài khác cũng do một Phó Bí thư Thành ủy phụ trách trực tiếp.