Tổng liên đoàn lao động hạ mức tăng tối thiểu vùng 2018 xuống 10%

Tin, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (28/7), Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp lần 2. Trong giờ nghỉ giải lao, đại diện các bên cho biết đang thương lượng về mức tăng và có những thay đổi về mức đề xuất so với phiên họp lần một.

Quang cảnh phiên họp tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Thọ - Thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn Việt Nam cho hay, tình hình chung chưa ngã ngũ. Mọi người đang thương lượng. Có bên đòi ở mức cao, bên thì có điều chỉnh mức đề xuất tăng lương so với trước đây. Cụ thể, có bên trước đây không đồng ý tăng, nhưng giờ đề xuất nâng lương tối thiểu vùng 2018 khoảng 2 - 4%.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét trên tất cả mọi khía cạnh, đặc biệt là kiến nghị từ phía DN nên giảm xuống 10% thay vì mức đề xuất 13,3% so với trước đây. Phía Hiệp hội các DN, trước đây đề xuất không tăng lương nhưng bây giờ đồng ý nâng lương 1 - 2%, có chỗ đề xuất lên tới 4%. Tôi nghĩ cuộc thương lượng này còn rất quyết liệt.

Chúng tôi luôn coi lao động là nguồn lực của DN. Bởi, chỉ khi lực lượng lao động trở thành một khối thì mới giải phóng được sức lao động. Quan điểm của Hiệp hội DN là làm sao tăng năng suất lao động từ đó tạo ra nguồn thu nhập lớn hơn, cùng nhau chia bánh hài hòa” - ông Vũ Quang Thọ nhận định.

Từ quan điểm xuyên suốt này, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho biết: “Chúng tôi thường có tính toán chi phí rõ ràng về đời sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) để đảm bảo cuộc sống cho họ khi trả lương. Với tư cách đại diện cho doanh nghiệp trong ngành da, giày, túi xách, quan điểm của tôi là có tăng lương nhưng ở mức cân bằng và đảm bảo lợi ích của NLĐ. Cũng như năng lực cạnh tranh của DN và đặc biệt là năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Thuấn, hiện lực lượng lao động của quốc gia khoảng 17% bị chi phối bởi lương tối thiểu này, nhưng họ đã tạo ra 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. “Nếu không nghĩ tới mức tăng lương và chi phí lương ở các nước có cùng một ngành hàng và mức vượt cái đó cộng với không đưa khoa học công nghệ vào để tăng năng suất lao động, vô hình chung đẩy nhà mua bán và tập đoàn quốc tế sẽ không gia công ở Việt Nam nữa mà chuyển sang nước khác. Như vậy, mục đích chung của quốc gia, DN và người lao động bị mất việc làm”.

Ông Thuấn thông tin, năm ngoái, trung bình lương tăng 7%, chúng tôi phải tăng các chi phí khác lên 3%. Như vậy, tổng chi phí cho NLĐ, toàn bộ DN trong ngành phải tăng trên 10%. Theo tính toán trung bình, chi phí cho 1 DN và 1 NLĐ trung bình từ 5,5 đến 6 triệu đồng. Bởi chi phí lớn nhất của DN cho NLĐ là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã chiếm tiệm cận với danh giới khoảng 28 - 30% tổng quỹ lương. Đây là vấn đề rất lớn với doanh nghiệp. Chúng tôi luôn ủng hộ người lao động, doanh nghiệp và chính phủ cùng nhau tạo ra năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tran, khi đất nước mạnh thì có thể chia.

Trong khi ấy, ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ Lao động, TLĐ cho biết, thời điểm này, quan điểm của các bên về đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2018 đã có sự xích lại gần nhau. Tại phiên họp này, TLĐ cũng cân nhắc và căn cứ vào nhiều yếu tố trong đó có đưu ra phương án thấp hơn so với đề nghị gần đây.

“Phương án gần đây chúng tôi đề xuất là tăng 13,3%, thì hiện nay một phương án nữa được đưa ra để xem xét là tăng khoảng 10%. Với lộ trình tăng này, khoảng năm 2019 sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ” - ông Quảng thông tin thêm. Và cho biết, do cách tính nhu cầu sống tối thiểu của các bên có những khác biêt. Nhưng tựu chung lại, chúng tôi thấy hiện nay mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được trên dưới 90% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Về phía giới chủ sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) mức đề xuất đã xích lại hơn so với phiên họp lần trước. Họ chưa cho biết phương án mà cho biết sẽ xem xét lại”.