Tổng thống Ấn Độ thăm Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Thánh địa Mỹ Sơn

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/11, Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng phu nhân đã đến thăm Bảo tàng điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng. Trưa cùng ngày, Tổng thống Ấn Độ và phu nhân tham quan Khu Đền tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.

 Tổng thống Ram Nath Kovind chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo TP Đà Nẵng

Đón Tổng thống Ấn Độ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng có ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cùng lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng.

Đại diện Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã giới thiệu với tổng thống Ấn Độ cùng phu nhân các hiện vật về nghệ thuật điêu khắc của Vương quốc Chămpa đang được trưng bày tại đây. Sau khi chiêm ngưỡng các hiện vật cổ, Tổng thống Ram Nath Kovind đã ghi vào sổ lưu niệm của bảo tàng và chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo TP Đà Nẵng.

Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng cho biết, Bảo tàng điêu khắc Chăm và Học viện Bảo tàng Quốc gia về lịch sử nghệ thuật, bảo tồn và bảo tàng học Ấn Độ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về biên soạn và xuất bản catalogue “Điêu khắc Chăm của Việt Nam và mối quan hệ với nghệ thuật Ấn Độ”, nhằm nghiên cứu về 50 hiện vật điêu khắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Hiện nay, Bảo tàng điêu khắc Chăm đang phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ nghiên cứu, biên soạn sách giới thiệu mối quan hệ giữa nghệ thuật điêu khắc Chăm và nghệ thuật Ấn Độ, chuẩn bị in tại Ấn Độ vào cuối năm 2018.

Trưa cùng ngày, Tổng thống Ram Nath Kovind và Phu nhân đã đến thăm quan Khu Đền tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, Tổng thống Ấn Độ và Phu nhân đã tham quan các khu tháp B, C, D và thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của văn hóa Chăm.

Tiếp đó, Tổng thống Ấn Độ trồng cây lưu niệm (cây bồ đề được đưa từ Ấn Độ sang Việt Nam) tại khu vực phía trước khu tháp C và viết sổ lưu niệm tại Nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm.

 Tổng thống Ram Nath Kovind trồng cây bồ đề mang từ Ấn Độ sang ở Thánh địa Mỹ Sơn

Khu đền tháp Mỹ Sơn được hình thành từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII. Di tích này thuộc vùng núi phía Tây của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Khu đền tháp tọa lạc trong một thung lũng kín được bao bọc bởi các dãy núi, có một con suối nhỏ chảy ngang qua di tích sau đó đổ vào dòng Thu Bồn, dòng sông phía trước Kinh đô của Vương quốc Chăm rồi xuôi ra biển qua cảng thị cổ Hội An.

Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.

Dưới ảnh hưởng của Ấn Giáo từ tiểu lục Ấn Độ, nhiều đền tháp tại Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng để thờ các vị thần của Ấn Độ giáo như Brama và Vishnu, nhưng Shiva giáo vẫn tồn tại và giữ vai trò ngự trị toàn vùng. Những di tích của khu đền tháp tại đây là những công trình quan trọng nhất của nền văn hóa Chămpa cổ.

Hầu hết các công trình được kết cấu bằng gạch nung với trụ đá và trang trí những phù điêu sa thạch thể hiện các giai thoại Ấn Độ. Đây được xem như một chứng tích trường tồn cùng thời gian nêu bật sự gắn kết văn minh giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.

Thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ được ký kết vào năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã và đang hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp K, H, A Khu di tích Mỹ Sơn. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần