Tổng thống Hàn Quốc muốn 15 nhân chứng có mặt trong phiên điều trần

Hà Phương (Theo Yonhap)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật sư đại diện của Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu Tòa án Hiến pháp triệu tập 15 nhân chứng cho phiên điều trần tới.

 Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Theo một nhà phê bình, động thái trên của Tổng thống Park Geun-hye chỉ nhằm nỗ lực trì hoãn quá trình tố tụng. Giới truyền thông đưa tin, luật sư đại diện Lee Joong-hwan của Tổng thống Hàn Quốc đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp triệu tập 15 nhân chứng, bao gồm bà Choi Soon-sil – nhân vật trung tâm của vụ bê bối tham nhũng có mặt trong phiên điều trần thứ 10. “Hãy chấp nhận lệnh triệu tập để chúng ta có một phiên điều trần công bằng. Chúng tôi sẽ làm hết khả năng có thể để phiêu điều trần kết thúc nhanh chóng”, luật sư Lee nói.

Bà Choi Soon-sil đã xuất hiện trong phiên điều trần thứ 5 của Tòa án Hiến pháp với tư cách nhân chứng cho vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc. Cũng trong tháng 12/2016, nhóm luật sư đại diện của Tổng thống Park đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp triệu tập tổng cộng 39 nhân chứng. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự chỉ trích của phe đối lập, khi họ cho rằng, nhóm này đã cố tình kéo dài thời gian điều tra.

Trong diễn biến liên quan, đại diện đảng Saenuri cầm quyền cho rằng, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc không nên vội vàng đưa ra phán quyết về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye để đảm bảo sự công bằng. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi ông Park Han-chul, người đứng đầu của tòa gồm 9 vị thẩm phán này, cho rằng Tòa án Hiến pháp nên đưa ra phán quyết trước ngày 13/3. Ông Park hết nhiệm kỳ vào ngày 31/1 và 1 vị thẩm phán khác cũng thuộc Tòa án Hiến pháp là Lee Jung-mi cũng sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 13/3.

Lãnh đạo đảng Saenuri, ông Chung Woo-taik cho rằng, việc ông Park đưa ra thời hạn trên là không thích hợp và việc không xem xét tất cả mọi khía cạnh của vụ việc có thể gây ra nghi ngờ về tính hợp pháp của phán quyết cuối cùng. Truyền thông dẫn lời tuyên bố của ông Chung: “Tòa án phải đưa ra kết luận phù hợp nhất dựa trên Hiến pháp, luật pháp mà không có lợi ích cá nhân hay chính trị nào. Người dân và giới chính trị gia cần chờ đợi Tòa án Hiến pháp đưa ra quyết định dựa hoàn toàn trên luật pháp và lương tâm, trong khi chuẩn bị chấp nhận kết quả.”

Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập cho rằng, Tòa án Hiến pháp không nên lựa chọn người thay thế ông Park vì việc này có thể ảnh hưởng đến các thủ tục hiện nay.