Tổng thống Mỹ Donald Trump: Trăm ngày đầu bại nhiều, thành ít

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về một trăm ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, không ai có thể đánh giá khách quan và chuẩn xác bằng dân Mỹ.

Với tỷ lệ 53% không hài lòng, người dân đã làm cho ông Trump trở thành Tổng thống có uy tín thấp nhất trong số tất cả Tổng thống Mỹ sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên kể từ năm 1945 - năm tiến hành thăm dò dư luận về giai đoạn “trăng mật” của Tổng thống.
 Đương nhiên là ông Trump với tính cách cá nhân mà thiên hạ không còn lạ lẫm gì đâu có chịu tâm phục khẩu phục, mà lại hết lời ngợi ca thành quả cầm quyền đến nay của mình.
Phân cực sâu sắc
Trên thực tế, 100 ngày cầm quyền đầu tiên này không được tốt đẹp, suôn sẻ và thành công như ông Trump đã mong đợi trước đó và quả quyết sau đó. Không phải ông Trump không làm gì mà trái lại đúng là có làm khá nhiều, nhanh chóng gấp gáp và quyết liệt, nhưng thành công thì ít mà thất bại thì nhiều, hoàn thành thì ít mà dở dang thì nhiều, cách thức cầm quyền lại chẳng giống ai.
Ông Trump vượt xa bà Hillary Clinton về số lượng đại cử tri nhưng lại kém xa bà Clinton về số lượng phiếu bầu phổ thông, có nghĩa là ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhưng đa số cử tri đã không bỏ phiếu cho ông. Ở thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, nội bộ xã hội và chính trường nước Mỹ phân cực như thế nào thì sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump cơ bản vẫn như thế, nếu như không muốn nói là thậm chí còn sâu sắc và trầm trọng hơn. Cho tới nay, ông Trump chưa cho thấy có khả năng khắc phục được sự phân cực đó cho nước Mỹ mà đã làm ngược lại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh trong những ngày làm việc đầu tiên. Ảnh: Reuters
Ngay sau khi chính thức nhậm chức, ông Trump đã bắt tay ngay vào việc thực hiện những cam kết tranh cử chính. Cũng cần phải nhắc lại rằng sau khi thắng cử, ông Trump đã đưa ra chương trình hành động cho 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Như thế có nghĩa là thiên hạ không thiếu tiêu chí để đánh giá thành công hay thất bại của ông Trump trong những ngày cầm quyền đầu tiên này. Việc xây dựng bức tường phân định biên giới giữa Mỹ và Mexico cùng với việc rút khỏi thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ông Trump quyết ngay. Sắc lệnh về cấm công dân một số quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ được ban hành. Việc lật ngược cuộc cải cách về chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế mà người tiền nhiệm đã thực hiện (Obamacare) cũng được ông Trump thực thi gấp gáp. Chỉ có điều là kết quả đều không được như ông Trump mong đợi. TPP thật ra chưa có hiệu lực. Ông Trump muốn nhưng chưa biết lấy tiền từ đâu để xây bức tường  biên giới với Mexico. Hai sắc lệnh hành pháp về nhập cư đều bị tòa án vô hiệu hóa.
Việc lật ngược và thay thế Obamacare thất bại còn thảm hại hơn cả khi ông Trump không được chính đảng Cộng hòa của mình ủng hộ trong Quốc hội. Cả cuộc cải cách thuế mà ông Trump tuyên cáo là "vĩ đại nhất từ trước tới nay" hiện vẫn chưa thấy đâu, và dù có được tung ra thì cũng rất khó khả thi vì liên quan trực tiếp đến cuộc cải cách về chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế. Chương trình tài chính trị giá cả ngàn tỷ USD mà ông Trump dự định nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng cho nước Mỹ hiện vẫn mới chỉ có dưới dạng ý tưởng.
Cầm quyền chưa lâu mà bê bối và tai tiếng đã không thiếu. Là việc Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn phải từ chức sau chỉ hơn 20 ngày tại nhiệm. Là những đồn thổi và cáo buộc về vai trò của Nga trong thắng cử của ông Trump. Là chuyện tranh giành quyền lực và ảnh hưởng trong đội ngũ cộng sự. Là việc sử dụng thân nhân gia đình vào những trọng trách trong chính phủ.
Đánh trống bỏ dùi
Sự thay đổi quan điểm rất nhanh chóng, thường xuyên và bất ngờ cũng là một trong những lý do khiến ông Trump bị mất điểm trong đánh giá của cử tri. Cam kết trong tranh cử nhưng rồi không thực hiện, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn hay làm ngược lại là nét rất nổi bật trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump. Về đối nội đã như thế, về đối ngoại thì điều này càng rõ. Trung Quốc từ bị phê phán và cáo buộc là thao túng tiền tệ và lấy cắp chỗ làm việc, sự thịnh vượng của Mỹ, bị dọa trừng phạt về thuế quan do xuất siêu quá lớn sang Mỹ và thậm chí ông Trump sẽ xem lại cả chính sách "một nước Trung Quốc", đột nhiên được ông Trump coi là đối tác hữu hảo và được tranh thủ. Nga từ chỗ thân thiện trở thành đối thủ bị ông Trump làm găng. Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) từ chỗ bị coi là lỗi thời và Liên minh châu Âu (EU) bị tiên đoán là sẽ tan rã thì rồi được ông Trump đề cao và coi trọng.
Đặc biệt, khẩu hiệu tranh cử "Nước Mỹ trước hết" đã không còn chi phối mọi quyết sách và hành động nữa của ông Trump. Trước đây, ông Trump đã kịch liệt phê phán những người tiền nhiệm sử dụng quân đội Mỹ ở nước ngoài và coi đó là sự biểu hiện trái ngược của chủ trương "Nước Mỹ trước hết", thì nay ông còn đi xa hơn cả những người tiền nhiệm trong chuyện sử dụng quân đội Mỹ ở nước ngoài như đã thấy ở Syria hay Afghanistan và đang thấy ở khu vực Đông Bắc Á. Trước đây, ông Trump chống đối vai trò "sen đầm thế giới" của nước Mỹ quyết liệt bao nhiêu thì bây giờ lại hào hứng thể hiện vai trò ấy bấy nhiêu. Ông Trump luôn muốn tỏ ra trái ngược với những người tiền nhiệm thì bây giờ suy nghĩ và hành xử y hệt như họ. Lý do quyết định nhất là ông Trump cần những động thái đối ngoại và an ninh đó để che đậy nhưng không thành công ở bên trong và để ngăn chặn đà sa sút uy danh ở bên trong nước Mỹ.
Ông Trump bại nhiều thành ít trong những ngày vừa qua chủ yếu bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất, tới nay, ông Trump vẫn chưa có được cương lĩnh cầm quyền thực thụ, với chiến lược và biện pháp khả thi cụ thể cho từng lĩnh vực chính sách, cho từng thách thức và vấn đề đang đặt ra đối với nước Mỹ. Cương lĩnh tranh cử và chương trình hành động cho 100 ngày cầm quyền đầu tiên chỉ có tác động dân túy chứ không thể thay thế được cương lĩnh và chương trình cầm quyền nên ông Trump mới chỉ toàn có đối sách tình thế và quyết định ngẫu hứng, đến đâu hay đến đó và dễ làm khó bỏ. Vì thế mới có chuyện đánh trống bỏ dùi và đầu voi đuôi chuột.
Thứ hai, cách thức cầm quyền bất chấp Quốc hội và tòa án, bất chấp đảng Cộng hòa và thù địch giới truyền thông, ưa chuộng công cụ sắc lệnh hành pháp và coi thường cầm quyền bằng luật đã bộc lộ cái phản tác dụng và lợi bất cập hại, làm cho ông Trump không thể thành công được như mong đợi.
Có thể ông Trump đã nhận ra và đang dần thay đổi. Thời gian cầm quyền còn dài và mọi cái chưa phải là đã quá muộn đối với ông.