Tống thống Pháp: Cầu nối Tổng thống Trump với châu Âu

Minh Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến công du nước Pháp của Tổng thống Donald Trump đem lại nhiều lợi ích cho cả 2 nước và Paris có thể trở thành cầu nối trong quan hệ Washington - châu Âu.

Chuyến thăm Pháp vào đúng ngày Quốc khánh năm nay là chuyến thăm châu Âu lần thứ 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này, sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Paris trong chính sách đối ngoại của Washington.
Quan hệ Washington và châu Âu đang có một số rạn nứt khi ông Trump chủ trương chính sách hướng nội và rút ra khỏi nhiều hiệp định thương mại cũng như cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, tân Tổng thống Pháp trẻ tuổi Macron đang nổi lên như một nhà lãnh đạo có khả năng kết nối Mỹ và phương Tây. Thay vì cô lập, lãnh đạo Pháp hy vọng giữ ông Trump tiếp tục liên kết với các nền dân chủ phương Tây. Hơn nữa, ông Macron có khả năng “độc nhất vô nhị” để đảm nhận vai trò người đối thoại chính của châu Âu với ông Trump.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Macron.
Không giống với Thủ tướng Đức Angela Merkel - sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 9, hay Thủ tướng Anh Theresa May - người vừa chịu một thất bại trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng trước, ông Macron có chiến thắng vang dội và được củng cố bởi những thành công trong cuộc bầu cử Quốc hội cho đảng chính trị non trẻ của mình. Chính vì vậy, ông Macron gần như không gặp phải các cản trở chính trị nếu tạo lập mối quan hệ thân thiết với người đứng đầu nước Mỹ.
Với cả hai quốc gia, chuyến thăm mang lại lợi ích không hề nhỏ. Với chuyến thăm này, Tổng thống Donald Trump đã “né” được cuộc tranh cãi trong nước liên quan tới cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông có liên hệ với Moscow trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và gần đây nhất là lùm xùm quanh việc con trai cả Donald Trump Jr. có cuộc gặp với luật sư Nga. Thăm Paris lần này cũng là một cơ hội cho Tổng thống Donald Trump cải thiện hình ảnh của mình ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sau hàng loạt quyết sách gây rạn nứt quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, như việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Còn với Tổng thống Macron, chuyến thăm sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế. Jean Christophe Cambadélis - Tổng thư ký đảng Xã hội Pháp cho rằng, ông Macron đang nỗ lực gắn kết với các nhà lãnh đạo cường quốc trên thế giới và qua đó, “hợp pháp hóa” chiến thắng của mình. Bên cạnh đó, ông Macron cũng rất khôn khéo khi không vội vàng đến Mỹ ngay sau khi nhậm chức như Thủ tướng Anh Theresa May và vẫn lên tiếng phản đối quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris của Washington. Điều này cho thấy vị thế độc lập của tân lãnh đạo trẻ tuổi trước người đứng đầu cường quốc số một thế giới. Nhờ chiến thuật này, lời mời ông Donald Trump thăm Pháp không vấp phải sự phản đối nào trong khi động thái tương tự của Thủ tướng Anh Theresa May lại đứng trước hàng loạt nghi ngại. “Đây thực sự là tình thế thắng cả đôi đường đối với ông Macron”, Robert Zaretsky, giáo sư về Lịch sử Pháp tại Đại học Houston, Mỹ, nhận định.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần