Tổng thống Pháp lần đầu thăm Trung Quốc: Tìm đường chống bảo hộ

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến đi được cho là nhằm hai mục đích: Tìm kiếm đơn hàng cho hãng máy bay Airbus và kêu gọi Trung Quốc mở rộng tiếp cận thị trường hơn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. 
 Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chuyến thăm của người đứng đầu nước Pháp hứa hẹn sẽ đem lại nhiều hợp tác thương mại đắt giá. Reuters trích dẫn nguồn tin cho hay, hãng máy bay Airbus đang thảo luận về một đơn hàng lớn từ Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng thống Macron. Trước đó, truyền thông đưa tin, hãng máy bay có trụ sở ở Toulouse (Pháp) đang đàm phán về việc bán ít nhất 100 chiếc máy bay cho các hãng hàng không Trung Quốc. Ngoài ra, hơn 50 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, điện hạt nhân, kỹ thuật số, tài chính ngân hàng... dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm lần này. Không chỉ về thương mại, hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề biến đổi khí hậu và Hiệp định Paris sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này, cho thấy sự nhất trí trên nhiều lĩnh vực giữa Paris và Bắc Kinh.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trả lời tờ Wall Street Journal, sau chuyến thăm Trung Quốc và Nga hồi tháng 12 năm ngoái, đã cho biết, Paris đang hướng tới Bắc Kinh và Moscow làm đối trọng với các mối quan hệ thương mại ngày càng không chắc chắn với Washington sau khi Tổng thống Donald Trump chủ trương chính sách bảo hộ thương mại.
Wang Yiwei - Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế của Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh và là nhà cựu ngoại giao Trung Quốc kỳ vọng, có nhiều lợi ích kinh tế mà hai bên có thể đạt được nếu Pháp và EU chấp nhận lập trường hòa giải hơn với Trung Quốc. Đặc biệt là trong bối cảnh của chính quyền của ông Trump tập trung vào chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và chối bỏ vai trò với tư cách người dẫn đầu thương mại đa phương.
Trong khi đó, tăng cường hợp tác với Pháp cũng mang lại nhiều tích cực cho Trung Quốc. Phó Chủ tịch của Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc Feng Zhongping cho hay, xu thế bảo hộ thương mại ở Mỹ và một số nước phương Tây đang gây ra làn sóng "đóng cửa" đối với hoạt động thương mại của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc hy vọng Pháp có thể giữ một quan điểm công bằng và khách quan. Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng các chính sách bảo hộ, quay lưng lại với châu Âu và nhất là sau sự kiện Brexit Anh rời khỏi EU thì đây lại càng là cơ hội để Trung Quốc xây dựng các mối quan hệ quốc tế kiểu mới, hạn chế vai trò, tầm ảnh hưởng của Mỹ. Qua đó từng bước trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI như mục tiêu mà Đại hội 19 đã đề ra.
Ngoài ra, EU trong đó có Pháp vẫn không công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường và vẫn áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Chính vì thế Trung Quốc phải tạo được lòng tin chính trị mới có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế với Pháp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần