Tổng thống Putin: Mình Moscow không cứu nổi Thỏa thuận hạt nhân Iran

Nguyễn Phương (Theo Presstv)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/5 kêu gọi Iran không rút khỏi JCPOA, song nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân lịch sử đang có nguy cơ sụp đổ phải được giải quyết với sự tham gia của nhiều bên chứ không phải chỉ riêng mình Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng chương trình hạt nhân của Iran minh bạch nhất và Moscow cảm thấy “tiếc nuối” khi chứng kiến Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) đang trên bờ vực sụp đổ kể từ khi Mỹ rút hồi tháng 5/2018.
 Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/5 kêu gọi Iran không rút khỏi JCPOA.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Tổng thống Áo Alexander van der Bellen hôm 15/5, Tổng thống Putin đã thể hiện sự thất vọng của mình với những kỳ vọng từ Moscow để cứu thỏa thuận mang tính bước ngoặt này.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng nói rằng Nga không phải là "đội cứu hỏa" để "giải cứu mọi thứ". "Chúng tôi rất tiếc rằng thỏa thuận đang có nguy cơ sụp đổ", ông Putin cho hay.
"Sau khi ký kết thỏa thuận JCPOA, Iran đã và vẫn là quốc gia minh bạch và minh bạch nhất thế giới trong việc thực hiện các cam kết của thỏa thuận hạt nhân. Iran đang tuân thủ đúng các nghĩa vụ của mình", ông Putin khẳng định dựa vào đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Tổng thống Putin cũng kêu gọi Iran không nên rút khỏi JCPOA, nhưng nhấn mạnh rằng các nước khác phải chung tay để giải cứu thỏa thuận đang có nguy cơ sụp đổ, chứ không phải chỉ riêng mình nước Nga. "Chúng tôi không thể giải cứu tất cả mọi thứ khi không phụ thuộc hoàn toàn vào chúng tôi. Chúng tôi đã nố lực hết mình”, ông Putin nói thêm.
Tổng thống Nga cũng chỉ trích các cường quốc châu Âu còn lại trong JCPOA, gồm Anh, Pháp và Đức, dường như chưa làm điều gì để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút.
Căng thẳng đã leo thang mạnh mẽ giữa WashingtonTehran sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA hồi tháng 5 năm ngoái.
Sau khi chính thức rút khỏi thỏa thuận này, Mỹ liên tục gây áp lực lên Iran bằng việc áp đặt hàng loạt các vòng trừng phạt mới. Đáp trả, Tehrean tuyên bố sức chịu đựng của mình cạn kiệt, nhiều lần đe dọa rời bỏ thỏa thuận, song vẫn khẳng định vẫn sẽ tiếp tục tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận chừng nào Iran vẫn chưa rút khỏi. 
Tuy nhiên, do mất hết kiên nhẫn với việc Liên minh châu Âu (EU) chưa có hành động cụ thể trước sức ép ngày càng tăng của Mỹ, Iran đã tuyên bố sẽ thu hẹp các cam kết theo thỏa thuận JCPOA vào tuần trước và cảnh báo EU rằng họ sẽ xem xét rời bỏ thỏa thuận hạt nhân sau 60 ngày nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Hồi đầu tháng 5/2019, Mỹ đã triển khai đội tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và lực lượng máy bay ném bom B-52 đến vịnh Ba Tư – vùng biển nằm giữa Iran và Ả Rập Saudi (đồng minh của Mỹ), nhằm gửi thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn đến Iran rằng, mọi cuộc tấn công vào quyền lợi của Mỹ sẽ bị đáp trả không thương tiếc.
Tuần trước, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã lệnh triển khai thêm tàu vận tải đổ bộ USS Arlington (LPD-24) và tổ hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đến vùng Vịnh./.