Tổng thống Putin nổi giận, Nga sẽ phải thay đổi sau biến cố?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xử lý sai sự cố tràn dầu lớn nhất Bắc Cực hôm 29/5 từng làm Tổng thống Vladimir Putin tức giận, có thể thúc đẩy quy định môi trường của nước Nga.

Ảnh sự cố tràn dầu Norilsk chụp hôm 4/6.
MMC Norilsk Niken PJSC, công ty khai thác dầu lớn nhất của Nga, đã không đưa ra tuyên bố chính thức nào cho đến 2 ngày sau vụ rò rỉ hơn 20.000 tấn (150.000 thùng) dầu diesel vào hệ thống sông Bắc Cực hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Khi đó, những hình ảnh về thảm họa đã lan truyền trên mạng xã hội, buộc Thống đốc của khu vực phải đưa ra một báo cáo công khai, khiến ông Tổng thống Putin rõ ràng không hài lòng. Ông chủ Điện Kremlin đã công khai chỉ trích cổ đông lớn nhất của Nornickel, cũng là người giàu nhất nước Nga Vladimir Potanin, vì đã không nâng cấp bể chứa trước khi nó bị rò rỉ.
Các nhà điều tra hôm 10/6 thông báo rằng họ đã bắt giữ một số nhân viên của đơn vị chịu trách nhiệm về bể dự trữ bị rò rỉ, động thái mà Nornickel gọi là "quá mức". Công ty này giải thích rằng băng tan và sụt lún đất là nguyên nhân làm hỏng bể. Nếu đúng, điều đó có nghĩa là cơ sở hạ tầng dầu mỏ trên khắp miền Bắc rộng lớn của nước Nga có thể gặp rủi ro tương tự khi mặt đất ấm lên.
Thêm vào đó, Ủy ban điều tra của Nga cho biết bể dự trữ 35 tuổi này đã được đưa vào vận hành mà không có giấy phép vào năm 2018, cũng là năm mà Nornickel nói rằng nó đã được cải tạo.
Đáng nói, mức độ vụ việc là chưa từng có. Greenpeace đã so sánh nó với thảm họa tràn dầu Exxon Valdez năm 1989 ở Alaska. Ước tính, Nornickel sẽ tốn 150 triệu USD để dọn dẹp, trong khi chỉ một khoản đầu tư nhỏ hơn vào bể chứa ngay từ đầu có thể đã ngăn chặn được sự cố - hiện đang đe dọa làm tuyệt chủng nhiều loài cá, chim và động vật có vú duy nhất ở bán đảo Taimyr của Siberia.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề ô nhiễm của Nornickel làm tổn hại đến uy tín môi trường của Nga. Tài sản chính của nước này nằm ở Norilsk, một trong những TP bẩn nhất quốc gia. Quỹ tài sản có chủ quyền của Na Uy, thuộc hàng lớn nhất thế giới, đã liệt Nornickel vào danh sách đen kể từ năm 2009 vì những thiệt hại mà nó đã gây ra ở bán đảo Taimyr.
Tổng thống Putin đã công khai chỉ trích người giàu nhất nước Nga vì sự cố Norilsk.
Bloomberg dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, Tổng thống Nga "đã rất tức giận" vì sự cố tràn dầu, khiến vụ tai nạn có thể trở thành chất xúc tác để ông Putin đẩy mạnh các quy định môi trường đã bị đình trệ lâu nay đối với các cơ sở hạ tầng năng lượng già cỗi của Nga.
Theo Vladimir Chuprov, người đứng đầu chương trình năng lượng của Greenpeace Russia, Nga - nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới - chứng kiến ít nhất "10.000 vụ tràn dầu mỗi năm". Chủ yếu là do hệ thống đường ống dẫn dầu ngổn ngang của đất nước, mà ít nhất một nửa trong số đó đã hao mòn. Tình hình đang ngày càng nghiêm trọng hơn khi băng vĩnh cửu tan chảy do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn và xử lý các sự cố tràn dầu đã bị đình trệ tại Quốc hội Nga kể từ năm 2018, sau khi dự thảo luật mới chỉ được thông qua lần đọc đầu tiên. Luật này dự kiến sẽ yêu cầu các công ty có kho chứa nhiên liệu hoặc đường ống dẫn dầu phải duy trì các kế hoạch chi tiết để ngăn chặn sự cố tràn, đồng thời có sẵn quỹ tài chính khẩn cấp để khắc phục mọi thiệt hại.
Sau vụ tai nạn mới nhất ở Cực Bắc, Tổng thống Putin đã ra lệnh kiểm tra các bồn tương tự trên khắp nước Nga và kêu gọi nhanh chóng điều chỉnh luật mới. Tuần này, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng đã nhắc lại dự luật năm 2018.
Tuy nhiên theo ông Chuprov, vấn đề chính vẫn là việc các công ty Nga không có động lực để thay đổi tình hình và đầu tư vào việc ngăn ngừa tai nạn. Phát ngôn viên của Điện Kremlin, Dmitry Peskov hiện chưa đưa ra bình luận về điều này.