Tổng thống Trump: Tàu Mỹ tự vệ vì bị máy bay Iran khiêu khích

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực kinh tế đối với Tehran cũng đã gia tăng khi Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố trừng phạt loạt công ty giúp Iran mua vật liệu nhạy cảm cho chương trình hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 18/7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/7 tuyên bố, một tàu chiến USS Boxer của Hải quân Mỹ đã phá hủy một máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz sau khi xâm phạm khoảng cách tiêu chuẩn 1.000m quanh con tàu và phớt lờ nhiều cảnh bảo dừng lại.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đổ lỗi cho Tehran về hành động khiêu khích và thù địch, nói rằng sự đáp trả của Mỹ là để tự vệ. Lầu Năm Góc cho biết vụ việc xảy ra vào lúc 10h sáng thứ 5 (giờ địa phương) tại vùng biển quốc tế, khi Boxer đang tiến vào Vịnh Ba Tư. Cả Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đều không nói rõ cách Boxer phá hủy chiếc máy bay không người lái, tuy nhiên theo mọt báo cáo mới nhất của CNN, con tàu đã sử dụng gây nhiễu điện tử để hạ nó chứ không phải bằng tên lửa.
Vụ việc đánh dấu sự leo thang căng thẳng mới giữa hai quốc gia trong chưa đầy 1 tháng, kể từ khi Iran hạ một máy bay không người lái của Mỹ trên cùng tuyến đường thủy này - vụ việc khiến ông Trump được cho là đã tiến gần đến việc trả đũa bằng một cuộc tấn công quân sự.
Áp lực kinh tế đối với Tehran cũng đã được Washington gia tăng hôm 18/7, khi Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đang áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với cái mà nước này gọi là mạng lưới các công ty liên quan đến việc giúp Iran mua vật liệu nhạy cảm cho chương trình hạt nhân của mình. Các cá nhân và thực thể bị nhắm đến được thông báo có trụ sở tại Iran, Trung Quốc và Bỉ.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, trả lời báo giới khi đang tham gia một cuộc họp của Liên Hợp quốc rằng nước này không có thông tin gì về việc mất một máy bay không người lái vào hôm thứ 5.
Cũng trong cuộc họp này, ông Zarif khẳng định Quốc hội Iran sẵn sàng phê chuẩn cho một thỏa thuận mà Tehran đã đề xuất với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong đó cho phép IAEA truy cập vào các cơ sở hạt nhân của Iran và các thông tin liên quan khác - điều có thể diễn ra sớm hơn với điều kiện Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt.