Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 28.000 tỷ đồng

Kiều Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN Nhà nước và phát triển DN 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp
Tính từ đầu năm tới hết tháng 6, cả nước có 16 DN Nhà nước đã IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, thu về 22.457,29 tỷ đồng, gấp 4,5 lần số thu từ IPO của cả năm 2017. Các bộ, địa phương cũng bán vốn Nhà nước tại 42 DN với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách).
Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm đạt 28.055,29 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 78.000 tỷ).

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm nay.

Trước hết, Ban chỉ đạo, các bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành quan trọng nhằm hoàn thiện khung khổ pháp luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tài chính, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, bán vốn, cơ cấu lại DN Nhà nước. Các quy định này góp phần công khai hoạt động, thủ tục quy trình cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước, mang lại nhiều lợi ích hơn cho Nhà nước.

Đi vào các kết quả cụ thể, Phó Thủ tướng nhận định: “Mặc 6 tháng đầu năm số lượng DN Nhà nước cổ phần hóa, bán vốn ít, chậm so với kế hoạch nhưng đều là những DN có quy mô lớn, số vốn Nhà nước thu về nhiều. Đây là độ sâu của cổ phần hóa hiện nay khi mà trước đây cổ phần hóa, bán vốn ở nhiều DN nhưng số vốn Nhà nước bán ra lại nhỏ”.

“Phải đề cao chất lượng cổ phần hóa là Nhà nước có lợi nhiều nhất, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Nhà nước sau cổ phần hóa”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

"Tính tới nay, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có nhiều DN Nhà nước chưa cổ phần hóa nhất, trong khi các bộ, ngành Trung ương còn rất ít các DN Nhà nước chưa cổ phần hóa. Đồng thời, số lượng DN Nhà nước cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán rất thấp, mới chỉ có 150 trong số khoảng 700 DN Nhà nước đã cổ phần hóa thực hiện niêm yết. Chính điều này đã làm giảm tính hiệu quả trong bán vốn nhà nước", theo Phó Thủ tướng.

Đối với việc chậm thực hiện kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, Trưởng Ban chỉ đạo chỉ ra vướng mắc lớn nhất là xác định, phê duyệt đất đai của DN Nhà nước cổ phần hóa. Ví dụ trường hợp của Vinafood2, sở hữu diện tích đất nông nghiệp hàng triệu ha, ở nhiều địa phương, trước khi cổ phần hóa, Bộ chủ quản và các địa phương phải xác định xong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa nhưng chỉ TP Hồ Chí Minh chậm xác định đã làm chậm kế hoạch cổ phần hóa của DN (sau này Vinafood2 phải đưa chi tiết này vào cáo bạch trước khi cổ phần hóa).

Bên cạnh đó là các nguyên nhân số lượng DN Nhà nước thực hiện kiểm toán (để bảo đảm số liệu trung thực, khách quan) trước khi cổ phần hóa tăng mạnh; nhiều DN Nhà nước có quy mô lớn thực hiện cổ phần hóa. Ngoài ra, việc chậm cổ phần hóa, bán vốn theo kế hoạch là do các hướng dẫn chưa được các bộ ban hành đầy đủ, thị trường chứng khoán giảm mạnh trong vài tháng qua.

Để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tình hình, kế hoạch triển khai trong 6 tháng cuối năm để trình Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan để đôn đốc, giám sát; các bộ rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, bán vốn.

Thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với các bộ tổng hợp, rà soát, điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn để “định vị” kế hoạch bổ sung, làm căn cứ đánh giá kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm. Phương châm đặt ra là: “Không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa”.

Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Văn phòng Chính phủ đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DN Nhà nước và kiến nghị với Chính phủ, các bộ tại Hội nghị toàn quốc về DN Nhà nước sắp tới do Thủ tướng chủ trì; yêu cầu rà soát danh mục bàn giao về SCIC theo tinh thần các bộ, địa phương bàn giao hết các DN Nhà nước đã cổ phần hóa về SCIC; đôn đốc các bộ, địa phương chủ động rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần, sớm xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính công khai các DN Nhà nước đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn; sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục bàn giao tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kịp thời về Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI; chỉ đạo Tổng cục Thống kê phối hợp với VCCI công bố Chỉ số phát triển DN đầu tiên vào Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2018.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường quan tâm chỉ đạo các sở tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương xác định kế hoạch sử dụng đất của DN Nhà nước sau cổ phần hóa để bảo đảm tiến độ cổ phần hóa của các DN Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần