Tổng thuật Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước: Ngăn tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trên nghị trường sáng nay 26/5 sẽ có sự đăng đàn của 3 bộ trưởng: Lao động Thương binh Xã hội, Công Thương và Tài chính.

 Toàn cảnh nghị trường.
Sáng nay, 26/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó, có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017) và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm qua 25/5 và sáng nay 26/5 để thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Kết thúc phiên thảo luận chiều 25/5, đã có 42 đại biểu đăng đàn, 8 ý kiến tranh luận.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: "Không khí thảo luận khá thẳng thắn, có chiều sâu, có tính tranh luận và phản biện cao, ít nội dung trùng lắp"

Sáng nay, Đoàn chủ tịch sẽ mời 3 bộ trưởng: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công Thương và Tài chính tham gia phát biểu.

Ngăn tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) mở đầu phiên thảo luận sáng 26/5. ĐB bày tỏ tán thành với phương châm 10 chữ: "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” của Chính phủ trong năm 2018.

 ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: QH.

Theo đó, ĐB đề nghị Chính phủ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển thương hiệu Việt; quan tâm chỉ đạo rà soát việc thực hiện các kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các bộ ngành, địa phương, ngăn chặn tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh như hiện nay; kiên quyết xử lý những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi công việc; xử lý cát tặc, lâm tặc; xử lý nghiêm tình trạng nâng đỡ không trọng sáng...

ĐB đoàn Bến Tre cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai giải quyết chính sách cho người di cư tự do trong nước và biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia, bà con dân tộc thiểu số vì kế sinh nhai nên phải phá rừng làm nương rẫy, bà con không phải lâm tặc, không có giấy tờ tùy thân, chế độ chính sách, không được học hành... Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Nhà nước có chính sách để "đồng bào đỡ tủi thân".

Kiên quyết cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép "con cháu"

Tiếp theo, ĐB Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) chỉ ra thực trạng hiện có 56% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động, mà chỉ có 43% có lãi. Ông nhấn mạnh kinh tế tư nhân như một đội quân thuyền thúng, gặp gió khó mà chịu được. “Sức khỏe của doanh nghiệp có thực sự tốt, chậm lớn mà khó có thể cải thiện. Chúng ta cần có biện pháp giải quyết”, đại biểu nhấn mạnh.

 Đại biểu Nguyễn Như So đền nghị Chính phủ kiên quyết cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép ''con, cháu''.

ĐB Nguyễn Như So kiến nghị 4 vấn đề cần giải quyết: Một là, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các giấy phép con cháu. “Chỉ tính các chi phí thực hiện 5.917 điều kiện kinh doanh, thủ tục chuyên ngành, mỗi năm DN đã phải bỏ ra hơn 28,6 triệu ngày công với chi phí 4.300 tỷ đồng. Do vậy, cần sớm hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, cải cách hành chính công như cách làm của Singapore, thay vì đặt ra quá nhiều điều kiện. Đồng thời quản lý nghiêm túc và giám sát, phát hiện sai xử lý vi phạm”- ĐB kiến nghị.

Hai là, đầu tư kết cấu hạ tầng, chú ý phát triển hệ thống hạ tầng giao thông giao thông, xây dựng những trung tâm, thành phố đáng sống, khu  kinh tế có mức độ tự chủ cao, giảm chi phí logictis, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là, tạo môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, “đoạn tuyệt” hoàn toàn sự phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước.

Bốn là, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân với lãi suất thấp theo kênh hỗ trợ vốn, hỗ trợ quản trị đào tạo, nâng cao trình độ công nghệ.

Tập trung các giải pháp nâng cao trình độ cho người lao động

ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng chỉ rõ những nghịch lý trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách đối với người lao động. Qua đó, ĐB kiến nghị Chính phủ 3 vấn đề: Một là, phải tập trung các giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm cả lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động và lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân, để đi trước đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0. Hai là, chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành lao động năng suất thấp sang lĩnh vực lao động có năng suất cao. Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động, gồm đầu tư cho công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề và quản trị doanh nghiệp. 

 ĐB Bùi Sỹ Lợi.

Mặt khác, ĐB đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm xã hội, có giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; thay đổi cơ cấu hỗ trợ của nhà nước theo hướng nâng cao mức hỗ trợ để khuyến khích người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội;...  Đồng thời, có giải pháp thực hiện hiệu quả để nhà ở cho người dân thực sự trở thành một trụ cột của chính sách an sinh xã hội...

Ngoài ra, Đề cập đến việc xét xử vụ án bác sỹ Hoàng Công Lương, ĐB Bùi Sỹ Lợi, bày tỏ băn khoăn: “Tôi thấy nếu kết tội như thế này rất ảnh hưởng đến rất lớn đến ngành y tế. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm về vấn đề này. Cá nhân tôi thấy bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội”.

Tranh luận liên quan đến vụ bác sĩ Hoàng Công Lương

Đề cập đến việc xét xử vụ án bác sỹ Hoàng Công Lương, ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa)- Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội, bày tỏ băn khoăn: “Tôi thấy nếu kết tội như thế này rất ảnh hưởng đến rất lớn đến ngành y tế. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm về vấn đề này. Cá nhân tôi thấy bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội”.

Tranh luận vấn đề này, ĐB Nguyễn Tiến Sinh - Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hoà Bình cho rằng, sự quan tâm của ĐB về vụ án xử bác sĩ Hoàng Công Lương đang diễn ra ở Hoà Bình là cần thiết, thể hiện trách nhiệm trước Nhân dân. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh: "Nếu ĐB Quốc hội cứ nói vụ án này có oan, sai trong lúc tòa đang xử thì sẽ là cảm tính, mang tính dẫn dắt dư luận. Tòa án đang trong quá trình tranh tụng, luận tội chứ chưa kết án, những phát ngôn như vậy không mang lại sự thuận lợi và nhận thức đúng đắn trong xét xử nhân danh pháp luật, nhà nước".

Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bày tỏ không đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Tiến Sinh. ĐB cho rằng, thực tế không như đại biểu Sinh nói. Với tư cách Giáo sư trong ngành y và cũng là ĐB Quốc hội, ĐB Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, cử tri quan tâm tới sự minh bạch, khách quan và công tâm của phiên xử.

 ĐB Phạm Khánh Phong Lan.

"Không thể quy trách nhiệm bác sĩ chỉ biết cứu người, trách nhiệm về những công việc họ không được giao, kỹ năng họ không được đào tạo đó là chuẩn hoá nguồn nước RO trong thành phần chạy thận nhân tạo", ĐB Nguyễn Quang Tuấn nói.Ông khẳng định: "Chúng ta không thể xử một người về trách nhiệm mà họ không được giao; không thể truy tội cho mội người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó không có, đúng ra vừa có vào tháng 4/2018".

Ngay sau đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng giơ biển tranh luận lại với ý kiến của ĐB Nguyễn Tiến Sinh. ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Chưa đề cập đến chuyện đúng hay sai, nhưng khi đại biểu nêu ý kiến là thể hiện quyền của người ĐB Nhân dân. Ở đây, không phải chuyện định hướng cho tòa án, tất cả sẽ được xét xử theo pháp luật. Vì vậy, phải được nhìn nhận toàn diện. Chúng tôi nghĩ rằng, tất cả đều là con người, tòa cũng có thể sai lầm hoặc chưa lắng nghe được ý kiến tất cả các bên. Thông qua nghị trường Quốc hội và ý kiến từ báo chí, chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm về phát biểu cũng mình. 

Phân bổ 8.100 tỷ đồng để xây, sửa nhà ở cho người có công

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung là Bộ trưởng đầu tiên phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm trong chương trình thảo luận sáng 26/5.

Bộ trưởng cho biết: Trước hết về an sinh xã hội, Bộ trưởng cho biết công tác này được Đảng, Nhà nước, mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm, bạn bè quốc tế đánh giá đây là một trong những điểm sáng trong bức tranh KT-XH nước ta;...

 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH.

“Về nhà ở, Thủ tướng đã có quyết định phân bổ 8100 tỷ đồng để các địa phương triển khai xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng trong năm 2018...”, Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay, chúng ta đang quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ cho hơn 3 triệu người có hoàn cảnh khó khăn;... Nhà nước đã đầu tư 48 nghìn tỷ, thực hiện 21 chương trình mục tiêu để giảm nghèo bền vững; tập trung vào các lõi nghèo (các huyện 30a, các xã 135, xã bãi ngang...).

Cũng theo Bộ trưởng, hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,7%; 8 huyện thoát nghèo theo chương trình 30%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt và vượt chỉ tiêu;...

Về lao động, thời gian qua việc chuyển dịch cơ cấu lao động đã diễn biến theo hướng tích cực; tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ, lao động làm công ăn lương tăng dần; tỷ lệ lao động thất nghiệp đã giảm so với thời kỳ trước... Tuy nhiên lao động phổ thông vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, thiếu lao động giỏi, chuyên gia đầu ngành; việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường vẫn còn khó khăn; năng suất lao động tuy có chuyển biến, nhưng chưa được như kỳ vọng;...

Thời gian tới Bộ sẽ tập trung đột phá vào công tác giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, kiên quyết giảm những cơ sở hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển sang đào tạo theo địa chỉ, theo định hướng, theo đặt hàng, theo nhu cầu dự báo của thị trường lao động;...

Chính phủ chưa trình Quốc hội sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tranh luận lại Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung về việc đảo bảo quyền hưởng thụ bình đẳng bảo hiểm xã hội, ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh: “Tại kỳ họp thứ 4, tôi có bài phát biểu về việc Chính phủ chưa trình Quốc hội để sửa luật Bảo hiểm xã hội, giải quyết quyền lợi cho những người bị tù đày, bị buộc thôi việc trước ngày 1/1/1995, là không phù hợp với Hiếp pháp, chưa đảm bảo quyền bình đẳng cho công dân”.

 ĐB Đỗ Văn Sinh.

ĐB nói: “Tôi đề nghị, Chính phủ, đặc biệt là Bộ trưởng LĐTB&XH, trả lời việc tôi đề xuất như vậy có đúng với Hiến pháp, đúng quy định pháp luật hay không. Nếu đúng, Bộ trưởng cho biết bao giờ Bộ LĐTB&XH trình luật lên Chính phủ xem xét, rồi trình Quốc hội, giải quyết quyền lợi cho những đối tượng này”, ĐB Sinh nói.

Cần nhanh chóng thông qua Luật phòng chống tham nhũng

Phát biểu tại phiêm thảo luận, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết: Cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tiền của của Nhà nước và nhân dân rất lớn. Thời gian qua việc đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.

Tuy vậy, theo nữ ĐB, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp.

 ĐB Phan Thị Mỹ Dung.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung dẫn chứng: “Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn… Lương cán bộ ở cơ sở một tháng  chỉ 1.300.000 đồng, thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ.

ĐB đoàn Long An cho rằng, cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng phổ biến, bên cạnh nguyên nhân chính là vấn đề thể chế. Theo bà: “Thể chế chính sách quản lý kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực còn nhiều vướng mắc. Đây là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách vốn Nhà nước, công tác cán bộ. Khi phát hiện tham nhũng, phần lớn tài sản đã tẩu tán cũng do thể chế, quy định mang tính nguyên tắc”.

Do đó, ĐB Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật phòng chống tham nhũng vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV để sớm đưa vào thực thi.

28 ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo bổ sung 3 nội dung.

Thứ nhất, về phát triển xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua xuất khẩu đã phát triển theo đúng định hướng; giảm xuất khẩu hàng thô sơ, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo; hàng hóa Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới; 28 ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD;...

 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Xuất khẩu chưa bền vững, phụ thuộc một số thị trường trọng yếu, một số thị trường tăng trưởng nóng; khó khăn trong vấn đề tháo dỡ các rào cản quan thuế, hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; vấn đề gắn kết giữa sản xuất với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị...

Thứ hai, về phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là một trong những động lực tăng trưởng, tuy nhiên vẫn tồn tại 2 vấn đề lớn cần khắc phụ như: Công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về năng lực, trình độ nguồn nhân lực, quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường khu vực và thế giới; chính sách chậm đáp ứng yêu cầu; cạnh tranh ngày càng gay gắt...

Và cuối cùng, đối với vấn đề xử lý các dự án tồn tại, yếu kém, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm Phó Trưởng ban, hiện đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án tồn đọng, phấn đấu hết 2018 sẽ xử lý cơ bản, đến 2020 hoàn thành xử lý các dự án này, đồng thời có giải pháp ngăn chặn để không xuất hiện thêm các trường hợp tương tự...

Hiện 2 dự án đã khắc phục được tồn tại đi vào hoạt động thương mại trở lại, bước đầu có lãi,... 4 dự án bước đầu giảm lỗ, từng bước đi vào hoạt động ổn định theo đúng lộ trình,... Các cá nhân, tổ chức sai phạm liên quan đến các dự án sẽ được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định.

Xử lý nghiêm các sai phạm về thuế

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình 3 vấn đề.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Thứ nhất, về tái cơ cấu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, thu NSNN năm 2016, 2017 đều vượt kế hoạch đặt ra, góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi cho nhân sách. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu từ dầu thô giảm, thu ngân sách trung ương khoảng 55,6% (giảm so với giai đoạn trước), chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng mức ưu đãi thấp hơn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, mở rộng thực hiện thu thuế điện tử, hải quan điện tử...

Báo cáo Quốc hội về thuế tài sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung này sau khi tiếp thu ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, người dân. Dự thảo Luật Thuế tài sản vừa qua được công bố nêu mục tiêu đánh thuế tài sản để tăng thu thêm cho ngân sách, song "đây chỉ là một mục tiêu thứ yếu".

Bộ trưởng khẳng định: "Thuế tài sản sẽ được thiết kế theo hướng tạo công bằng xã hội, đảm bảo minh bạch, chống tham nhũng”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay: Theo dự thảo Luật Thuế tài sản Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất áp thuế căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4% một năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng). Ngay khi vừa công bố, đề xuất này của Bộ Tài chính nhận được không ít ý kiến trái chiều khi cho rằng ngưỡng chịu thuế trên 700 triệu đồng sẽ mang tạo sự không công bằng giữa người thu nhập thấp và người giàu.

“Bộ Tài chính "chốt" phương án sẽ không tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) như dự kiến lên 12%, mà vẫn giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, sẽ cơ cấu lại các mặt hàng chịu áp thuế 0%, 5% và 10% cho phù hợp thực tế”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Đề cập tới tình hình chấp hành kỷ luật kỷ cương tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết đã có nhiều luật quy định quản lý ngân sách như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước… Song vẫn còn tình trạng kê khai thiếu thuế, chiếm đoạn tiền hoàn thuế xảy ra nhiều nơi.

Bộ trưởng nói: "Chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm thiểu rủi ro, hạn chế sự tiếp xúc cán bộ hải quan và người nộp thuế, hợp với xu thế quốc tế nhưng cũng có kẽ hở để người nộp thuế lách, trốn nộp thuế".

Đề nghị quản lý chặt kinh doanh đa cấp

ĐB Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Ông góp ý về tồn tại trong ngành nông nghiệp, tình trạng nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng, việc giải cứu nông sản còn xảy ra nhiều nơi.

Cũng theo ĐB đoàn Đồng Nai, Nhà nước chưa có định hướng thị trường, sản xuất cho người nông dân. Chính phủ cũng chưa có những chính sách phù hợp nhất để hỗ trợ cho bà con. Vì vậy, tôi đề nghị cần có những biện pháp, chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp, xóa bỏ những thủ tục ràng buộc sản xuất kinh doanh”.

 ĐB Bùi Xuân Thống (Đoàn Đồng Nai) .

Cùng với đó, ĐB Bùi Xuân Thống đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, cho vay lãi cao dẫn đến người dân vướng vào nợ nần. Cơ quan chức năng có những ràng buộc với doanh nghiệp nước ngoài, tránh trường hợp như một doanh nghiệp Hàn Quốc ở Đồng Nai vỡ nợ, bỏ lại tài sản chạy trốn về nước, để lại những hệ lụy cho người lao động.

Chung tay xóa bỏ nạn bảo hành trẻ em

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ sự lo ngại về những vụ việc bạo hành trẻ em được mạng xã hội, báo chí phản ánh. Ông cho rằng, việc ban hành văn bản pháp luật nhiều nhưng thực hiện lại không đến nơi đến chốn, công tác tuyên truyền còn yếu kém.

 Đại biểu Dương Minh Tuấn.

ĐB đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, mặc dù “ác mẫu” tại các cơ sở mầm non là chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng Chính phủ và toàn xã hội cần phải cùng chung tay để xóa bỏ nạn bảo hành trẻ em xảy ra liên tiến trong thời gian gần đây.

Trong phiên thảo luận sáng 26/5, các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Nguyễn Như So (Bắc Ninh), Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), Giàng Thị Bình (Lao Cai), Phan Thị Mỹ Dung (Long An), A Pót (Kon Tum), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).... phát biểu về các vấn đề: Cải cách hành chính, thực thi nghiêm công vụ; phát triển kinh tế tư nhân; nông nghiệp công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; chính sách người có công với cách mạng; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo;...

Trong 3 buổi thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đã có 60 ĐB phát biểu, 13 đại biểu tranh luận, 21 ĐB đã đăng ký nhưng do thời gian có hạn nên chưa được phát biểu. Trong quá trình các ĐB Quốc hội thảo luận, các Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Bộ KH&ĐT; LĐTB&XH; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính đã phát biểu giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần